Phần thân kè bị sóng đánh vỡ, tạo thành hố sâu. Do các ngành chức năng, chính quyền địa phương chậm khắc phục khiến sạt lở tiếp tục lan rộng và ngày càng nghiêm trọng.
Tan hoang bờ kè
Ban đầu, bờ kè Khu Du lịch sinh thái Rạng Đông bị sạt lở tại 2 vị trí với chiều dài khoảng 70m, rộng hơn 600m. Tuy nhiên, đến đầu tháng 9/2020, theo quan sát của phóng viên, diện tích sạt lở đã lan rộng lên gần 1km. Phần đường chạy dọc tuyến kè cũng bị vỡ vụn. Các khối cấu kiện bê tông lớn bị sóng đánh vỡ nát, nhiều phần bị cuốn ra phía biển.
Ngay cả một số cống thoát nước được thiết kế ở con đường chạy dọc tuyến kè cũng hư hỏng nặng, bị sóng đánh vỡ vụn, các khối bê tông bị cuốn ra mép biển. Nhiều vạt rừng phi lao ven biển ở đây có nhiệm vụ chắn sóng cũng bị sóng đánh bật gốc, chết khô.
Theo người dân sinh sống gần khu vực kè Khu Du lịch sinh thái Rạng Đông, công trình kè này được hoàn thành năm 2014 và trong khoảng 3 năm (2014 - 2017) không xảy ra sự cố nào song từ khi xuất hiện các tàu hút cát ngoài biển, cách bờ kè không xa thì một số điểm trên tuyến kè này bắt đầu xuất hiện các vị trí nứt, lún, sạt, sụt. Hiện bờ kè này đã bị sập, sạt tan hoang.
Ông Nguyễn Văn Việt, người dân xã Phúc Thắng cho biết, trung bình mỗi ngày có khoảng 10 tàu hút cát hoạt động, cách khu vực bờ kè vài trăm mét. Những tàu hút cát hoạt động suốt ngày đêm. Lúc thủy triều lên, tàu vào sát bờ hút cát vì đặc tính biển khu vực này gần bờ mới có nhiều cát. Nhiều người dân ở đây cho rằng, hút cát là nguyên nhân dẫn đến việc những cánh rừng thông ven biển ngày càng thưa dần và đặc biệt là công trình kè biển khu sinh thái bị sạt, sụt.
Trái với nhận định của người dân, ông Trần Văn Quân, Chủ tịch UBND xã Phúc Thắng cho hay, thiên tai mới là nguyên nhân chính làm cho rừng thông ven biển bị ảnh hưởng và bờ kè Khu Du lịch sinh thái biển Rạng Đông bị sạt lở.
Chủ tịch UBND xã Phúc Thắng khẳng định: Khu vực hút cát đã được cấp phép, điểm khai thác gần nhất cách bờ từ 800 - 900m. Nếu nhìn cảm quan bằng mắt thường thì rất khó có thể xác định được nguyên nhân nhân sạt lở công trình kè là do các hoạt động hút cát gây ra.
Sớm khắc phục sự cố
Bờ kè Khu Du lịch sinh thái Rạng Đông dài khoảng 2km, được hoàn thành vào năm 2014, công trình do UBND huyện Nghĩa Hưng làm chủ đầu tư với tổng nguồn vốn trên 100 tỷ đồng.
Sau khi sự cố sập, sạt, sụt kè xảy ra ở một vài vị trí, ông Nguyễn Phùng Hoan, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định cùng các ban, ngành chức năng địa phương đã đi kiểm tra thực tế đồng thời yêu cầu huyện Nghĩa Hưng tiến hành xử lý ngay nhằm ngăn sạt lở lan rộng; xây dựng phương án kỹ thuật xử lý khẩn cấp các vị trí bị sạt lở. Dù vậy, không hiểu vì lý do gì, đến nay huyện Nghĩa Hưng vẫn chưa đưa ra phương án khắc phục?
Trước tình trạng bờ kè trăm tỷ đứng trước nguy cơ bị trôi xuống biển, thu hút sự quan tâm đặc biệt của dự luận, phóng viên đã nhiều lần liên hệ với đại diện UBND huyện Nghĩa Hưng để tìm hiểu thông tin liên quan nhưng lãnh đạo địa phương này lại không hợp tác, né tránh báo chí.
Làm rõ thêm những vấn đề liên quan đến việc sạt lở bờ kè Khu Du lịch sinh thái Rạng Đông, ông Đỗ Quang Trung, Trưởng phòng Tài nguyên nước, khoáng sản - Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nam Định thông tin, từ năm 2017, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh đã cấp giấy phép khai thác cát cho Công ty cổ phần Sông Đà - Hà Nội, diện tích được cấp khép khai thác cát gần 200ha, tổng trữ lượng khoảng hơn 6 triệu m3. Hoạt động khai thác cát của công ty này chủ yếu nhằm phục vụ san lấp xây dựng Khu Công nghiệp Rạng Đông.
Sau khi sự cố sập kè xảy ra, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nam Định đã yêu cầu Công ty cổ phần phần Sông Đà - Hà Nội tạm dừng khai thác để tìm nguyên nhân sự cố và phải lắp đặt các thiết bị quan trắc mặt bãi gửi kết quả về Sở theo định kỳ. Tuy nhiên, việc xác định nguyên nhân đòi hỏi thời gian nên từ thời điểm đó đến nay, Công ty cổ phần phần Sông Đà - Hà Nội vẫn tiếp tục khai thác cát.
Ông Đặng Ngọc Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi tỉnh Nam Định cho biết, hiện vẫn chưa thể khẳng định khai thác cát là nguyên nhân gây ra sạt lở bờ kè Khu Du lịch sinh thái Rạng Đông vì thực tế có những đoạn đê biển ở các huyện: Giao Thủy, Hải Hậu vẫn bị sạt, lở dù xung quanh các khu vực đê, kè không có hoạt động khai thác cát.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định đã tham mưu cho tỉnh tổ chức nhiều hội nghị, mời các chuyên gia đầu ngành về đê điều về tìm hiểu nguyên nhân. Dù vậy, việc này đòi hỏi mất nhiều thời gian, nguồn kinh phí lớn nên hiện tại vẫn chưa có kết quả.
Ông Thắng nhận định, nguyên nhân dẫn đến sự cố vỡ kè có thể là do mất cân bằng bùn cát trên dọc tuyến biển tại Nam Định, bởi cứ đoạn nào được bồi lắng là đoạn sau lại bị lở.
Để khắc phục sự cố trên, tỉnh Nam Định đã đầu tư làm nhiều kè mỏ (kè chữ T) để chắn sóng và giữ lại lượng cát nhất định ở ven bờ sau khi nước rút, cách làm này đã khắc phục được sự cố vỡ đê biển ở nhiều điểm tại tỉnh Nam Định. Tuy vậy, việc làm này tốn rất nhiều kinh phí nên không thể đầu tư dàn trải.
Hiện công trình kè Khu Du lịch sinh thái Rạng Đông đang bị sạt lở nghiêm trọng và sẽ lan rộng thêm nếu không được khắc phục kịp thời. Vì vậy, các ngành chức năng địa phương cần nhanh chóng có biện pháp khắc phục để bảo vệ công trình cũng như hoa màu, các khu nuôi trồng thủy sản của người dân xung quanh khu vực.