Cần sớm khắc phục sự cố sạt lở kè sông Lô

Với mục tiêu chống sạt lở bờ sông Lô khu vực thành phố Tuyên Quang, khắc phục ảnh hưởng bất lợi do vận hành hồ thủy điện Tuyên Quang, tăng cường khả năng thoát lũ trên sông Lô, cải thiện môi trường sinh thái kết hợp chỉnh trang đô thị, tỉnh Tuyên Quang đã đầu tư thực hiện Dự án công trình kè bảo vệ bờ sông Lô đoạn qua thành phố Tuyên Quang. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của mưa lũ đầu tháng 6 đến tháng 8 năm 2017, đã làm sạt lở một đoạn kè dài khoảng 486 m, đến nay vẫn chưa được khắc phục.

Đoạn kè xảy ra sự cố sạt lở. Ảnh: Quang Đán/TTXVN

Dự án đầu tư xây dựng công trình kè bảo vệ bờ sông Lô đoạn qua thị xã Tuyên Quang (nay là thành phố Tuyên Quang) được thực hiện từ năm 2007, do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang làm chủ đầu tư (từ 1/3/2017, UBND tỉnh Tuyên Quang giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư).

Theo dự án được duyệt, tuyến kè này có tổng chiều dài là 16,1 km, bao gồm: tuyến bờ phải 7,1km (gồm đoạn AB: 3,46km; đoạn BC: 1,94km và đoạn CD: 1,7km); tuyến bờ trái 7,35km (gồm đoạn FG: 3,17km, đoạn EF: 3,03km và đoạn GH: 1,15km) và bãi Tình Húc 1,65 km; khởi công năm 2009, với tổng vốn đầu tư 385,62 tỷ đồng. Dự án nhằm mục đích chắn lũ, hạn chế sạt lở bờ sông Lô, bảo vệ đất đai, nhà ở của cư dân thành phố thuộc vùng hạ lưu của hệ thống thủy điện Tuyên Quang.

Theo thiết kế, kết cấu chính của kè bằng bê tông cốt thép kết hợp xây đá hộc, đỉnh kè có hành lang bảo vệ và đường đi bộ; số vốn được bố trí thực hiện đến hết năm 2017 là hơn 376,5 tỷ đồng.

Dự án được chia thành 19 gói thầu xây lắp, trong đó, gói thầu số 03 có chiều dài xây dựng kè 776 m, nằm ở địa phận thôn Viên Châu 1 và Viên Châu 2, xã An Tường, thành phố Tuyên Quang, do Công ty TNHH Phúc Thành An, địa chỉ tại tỉnh Vĩnh Phúc là nhà thầu thi công;  Tư vấn giám sát là Công ty cổ phần tư vấn xây dựng Tuyên Quang; Nhà thầu thiết kế  là Công ty TNHH Tư vấn Trường Đại học Thủy lợi. Gói thầu khởi công từ tháng 10/2014, nhưng do có nhiều vướng mắc về giải phóng mặt bằng nên đến năm 2017 mới thi công cơ bản hoàn thành. Tuy nhiên, đã xảy ra sự cố (được phát hiện vào đầu tháng 8/2017) sạt lở khoảng 486 m, tại nhiều vị trí phần kết cấu đá hộc hộ chân kè, móng kè đã bị nước sông cuốn trôi làm nứt, gẫy, sạt tụt phần mái kè đã xây dựng.

Theo Biên bản kiểm tra hiện trường, ngày 3/8/2017, giữa chủ đầu tư với đơn vị tư vấn giám sát và đơn vị thi công xác định, nguyên nhân sạt lở do từ đầu tháng 6 đến tháng 8 năm 2017, tại địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã xảy ra các đợt mưa vừa, mưa to trên diện rộng kéo dài, cùng với việc hồ thủy điện Tuyên Quang xả lũ dẫn đến nước sông Lô dâng cao, chảy xiết vào phía chân kè, phá hoại lớp đá hộ chân…

Ngay sau đó, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang đã chỉ đạo nhà thầu dừng thi công và thực hiện các biện pháp bảo vệ khu vực sạt lở nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người và tài sản trên công trường…

Trả lời biện pháp khắc phục sự cố sạt lở, ông Lê Quang Thuận, Trưởng phòng Quản lý Dự án (Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang) giải thích, sau khi xảy ra sự cố sạt lở, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Tuyên Quang, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang đã chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND thành phố Tuyên Quang và các quan, đơn vị liên quan thực hiện việc kiểm tra, đánh giá, xác định nguyên nhân sạt và đề xuất phương án xử lý đảm bảo an toàn, bền vững công trình...


Ngoài ra, Ban Quản lý dự án đã có văn bản gửi nhà thầu bảo hiểm xây dựng công trình là Tổng công ty cổ phần bảo hiểm Xuân Thành thông báo tổn thất công trình và thực hiện bồi thường theo quy định của hợp đồng bảo hiểm.

Cũng theo ông Thuận, hiện Ban Quản lý đã có quyết định phê duyệt phương án khắc phục đoạn kè bị sạt lở, với tổng kinh phí khắc phục toàn bộ thiệt hại 21,9 tỷ đồng, gửi nhà thầu bảo hiểm công trình để giải quyết bồi thường bảo hiểm. Và từ ngày 30/3/2018 đến ngày 2/4/2018, đơn vị giám định của Bảo hiểm Xuân Thành là Viện Khoa học và Công nghệ Công trình thủy đã thực hiện xong việc kiểm tra hiện trường và đang kiểm tra hồ sơ tài liệu, đến nay chưa có kết quả đánh giá nên chưa giải quyết được việc bồi thường bảo hiểm để thực hiện sửa chữa, khắc phục đoạn kè bị sạt lở nêu trên...

Dự án đầu tư xây dựng công trình kè bảo vệ bờ sông Lô là công trình quan trọng chống sạt lở bờ sông, tăng khả năng thoát lũ, bảo vệ khu dân cư, kết hợp chỉnh trang đô thị cho thành phố Tuyên Quang, do vậy, các cơ quan chức năng, đặc biệt là chủ đầu tư xây dựng công trình tích cực làm việc với đơn vị bảo hiểm sớm giải quyết bồi thường bảo hiểm để khắc phục sửa chữa công trình đảm bảo an toàn và tránh nguy cơ sạt lở tiếp khi mùa mưa bão đang đến gần.
Vũ Quang Đán (TTXVN)
Đồng bằng sông Cửu Long ứng phó với sạt lở: Bài cuối: Chọn bước đi để ứng phó phù hợp
Đồng bằng sông Cửu Long ứng phó với sạt lở: Bài cuối: Chọn bước đi để ứng phó phù hợp

Một chiến lược ứng phó và thích nghi trước tình trạng sạt lở bờ sông, biển của vùng đồng bằng sông Cửu Long rất cần được nghiên cứu bài bản và được thực hiện một cách đồng bộ trên cơ sở liên vùng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN