Bí thư quận đoàn Đồ Sơn Lê Đức Hợp cho biết, 2 năm trở lại đây, phong trào chung tay bảo vệ môi trường biển đã thu hút nhiều người tham gia thông qua Câu lạc bộ tình nguyện Phượng Hồng. Câu lạc bộ có 20 thành viên nòng cốt. Bên cạnh hoạt động tuyên truyền, vận động tại cộng đồng, câu lạc bộ còn huy động các thành viên vào chủ nhật hàng tuần tham gia dọn sạch rác trên bờ biển. Lãnh đạo của quận cũng tham gia dọn rác trên bãi biển cùng các thành viên của câu lạc bộ.
Theo anh Lê Đức Hợp, để duy trì hoạt động, câu lạc bộ có một số khó khăn. Biển Đồ Sơn đón nhận nước của một số dòng sông từ thành phố đổ về, do đó bèo, rác nhiều vô kể. Hôm nay vớt, sáng hôm sau mặt biển lại ngập rác. Kinh phí không có, hội viên chỉ một vài người nên hội viên đôi lúc rất nản. Nhưng mọi người động viên nhau “mưa dầm thấm lâu”, bắt đầu thay đổi thái độ từ chính mỗi hội viên, đến các gia đình rồi đến khách du lịch.
Các đoàn viên, thanh niên Thành đoàn Hải Phòng tham gia thu gom rác trên bãi biển Đồ Sơn (Hải Phòng). Ảnh: Hoàng Ngọc - TTXVN |
Xác định tâm thế đó nên chủ nhật cuối tuần nào, các thành viên Câu lạc bộ cũng tham gia đạp xe tuyên truyền rồi trực tiếp xuống bãi biển nhặt rác. Tranh thủ mỗi khi có thời gian, các thành viên lại “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, gặp gỡ, nói chuyện với mọi người. Chủ nhiệm Câu lạc bộ tình nguyện Phượng Hồng Bùi Văn Xứng chia sẻ: Lúc đầu thuyết phục, không mấy người tin. Ai cũng cho là mình có ý thức nhưng người khác cứ thản nhiên vứt rác thì hòa cả làng. Xứng và các bạn lại thuyết phục theo cách rủ rỉ mời các bác tham gia cùng. Hết buổi tình nguyện, Xứng xin lại số điện thoại của các tình nguyện viên, rồi giới thiệu tấm gương của họ lên facebook của câu lạc bộ. Sau khi tham gia, chính mỗi thành viên đó lại trở thành một thành viên nòng cốt, tích cực vận động người thân có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường. Đến thời điểm này, Câu lạc bộ Phượng Hồng đã có trên 20 hội viên. Khi có sự tham gia tự nguyện của người dân địa phương, du khách cũng không tùy tiện vứt rác ra bờ biển.
Cũng với cách làm tương tự, tại thị trấn Cát Bà, hoạt động tuyên truyền bảo vệ môi trường diễn ra thường xuyên, liên tục. Theo ông Vũ Tiến Lập, Trưởng phòng Du lịch huyện Cát Hải, huyện có cơ chế phối hợp về quản lý du lịch với các doanh nghiệp, trong đó có hợp tác về việc bảo vệ môi trường biển. Đối với những tàu thuyền du lịch trên Vịnh, Ban quản lý Vịnh Cát Bà yêu cầu các chủ tàu dồn rác vào thùng và 2 ngày thu gom một lần. Nhưng điều quan trọng hơn cả là phải khơi gợi được ý thức bảo vệ môi trường của mỗi người dân. Ông Lập cho biết, nếu nói chuyện để dân hiểu, dân tin rằng tàn phá môi trường, vứt rác bừa bãi là cách nhanh nhất hủy hoại kế sinh nhai, cuộc sống của mỗi gia đình, chắc chắn ai cũng sẽ có ý thức hơn trong vấn đề bảo vệ môi trường. Vứt rác bừa bãi, trước hết không gian trước cửa, bên cạnh ngôi nhà mỗi người không sạch sẽ, ảnh hưởng đến sức khỏe. Khi khách du lịch đến, họ thấy môi trường nhếch nhác thì cảnh quan có đẹp mấy cũng không ai quay lại. Tiếng lành đồn xa, tiếng dữ cũng đồn xa. Nếu không biết giữ gìn thương hiệu, danh tiếng của đảo Ngọc thì du lịch Cát Bà mất lợi thế cạnh tranh, du khách chuyển sang vùng du lịch khác sạch sẽ, an toàn hơn. Như vậy lợi ích của từng người dân sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp.
Tại Đồ Sơn và Cát Bà hiện nay dù vẫn còn tình trạng rác thải bừa bãi, đặc biệt sau những ngày nghỉ lễ, nhưng với hành động tích cực từ các cơ quan chức năng, ý thức của từng người dân, việc giữ gìn cảnh quan, vệ sinh môi trường đã từng bước được cải thiện.