Mục tiêu phát triển Chính phủ số trong y tế đến năm 2025 là duy trì 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, trong đó 80% dịch vụ công trực tuyến được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau bao gồm cả thiết bị di động; 90% hồ sơ công việc tại Bộ Y tế, Sở Y tế, 80% hồ sơ công việc của phòng y tế huyện được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước); 100% chế độ báo cáo, chỉ tiêu tổng hợp báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê trong lĩnh vực y tế phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Bộ Y tế được kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu số trên Hệ thống thông tin báo cáo Quốc gia; 80% các hệ thống thông tin y tế có yêu cầu chia sẻ, kết nối thông tin được kết nối, liên thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu y tế; thông tin của người dân, doanh nghiệp được số hóa và lưu trữ tại cơ sở dữ liệu quốc gia y tế không phải cung cấp lại; duy trì cổng công khai y tế, cổng công khai giá các thiết bị y tế 100% các thông tin về giá thuốc, giá trang thiết bị y tế, giá vật tư y tế, giá sinh phẩm chẩn đoán, giá khám chữa bệnh, giá niêm yết, giá đấu thầu, thông tin về các sản phẩm đang lưu hành hoặc đã được thu hồi, kết quả xử lý thủ tục hành chính, những vi phạm trong quảng cáo... được công khai trên cổng.
Mục tiêu cũng đặt ra là 100% các cơ sở y tế triển khai thanh toán điện tử không dùng tiền mặt; 100 % các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh triển khai tư vấn khám, chữa bệnh từ xa; 100% các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh triển khai đăng ký khám chữa bệnh trực tuyến; 100% cán bộ, nhân viên ngành y tế tham gia mạng kết nối y tế Việt Nam, chuyển đổi số trong phòng bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân, 100% người dân được định danh y tế; 100% cán bộ y tế (bác sĩ, dược sĩ, cán bộ, công chức, viên chức ngành y tế) được định danh; 90% người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử, 100% các xã triển khai phần mềm quản lý trạm y tế xã đầy đủ các chức năng theo quy định của Bộ Y tế, 15% (khoảng 210) số bệnh viện trên toàn quốc chuyển đổi số thành công, triển khai hồ sơ bệnh án điện tử không sử dụng bệnh án giấy, thanh toán viện phí điện tử không dùng tiền mặt theo quy định tại Thông tư số 46/2018/TT-BYT ngày 28/12/2018 của Bộ Y tế quy định về hồ sơ bệnh án điện tử.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là một xu thế lớn hội tụ nhiều công nghệ số hóa đột phá như internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, xử lý dữ liệu lớn, điện toán đám mây và các công nghệ khác để thực hiện siêu kết nối, tích hợp các hệ thống số hóa - vật lý - sinh học, giữa thế giới thực và không gian số để tạo ra lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất mới, chuyển đổi số toàn diện trên tất cả các mặt của cuộc sống, từ tổ chức kinh doanh, cung ứng dịch vụ, phương thức kinh doanh đến cách thức tiêu dùng, giao tiếp xã hội và chính bản thân con người.
Tại nước ta, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã và đang tác động ngày càng mạnh mẽ tới tất cả các lĩnh vực từ kinh tế, văn hóa, xã hội đến chính trị, quốc phòng, an ninh và môi trường. Rất nhiều chủ trương, chính sách, chiến lược của Đảng, Nhà nước đã ban hành nhằm tiếp cận và chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, tiến bộ công nghệ sẽ tạo ra sự kết nối giữa thế giới thực, thế giới số và thế giới sinh vật hữu cơ,... sản sinh những công cụ sản xuất hội tụ giữa thế giới thực và thế giới số. Những thành phần điển hình của nền công nghiệp cách mạng lần thứ 4 bao gồm các công nghệ số như điện toán đám mây (Cloud Computing), dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (Internet of Thing) và công nghệ thông minh như trí tuệ nhân tạo (AI), rô bốt, thực tế ảo, in 3D.
Quá trình chuyển đổi số sẽ tác động, dẫn đến thay đổi tích cực các hoạt động của ngành y tế theo ba nhóm nội dung chính đó là tác động đến cách thức lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo điều hành trong nội bộ của các cơ quan, đơn vị trong ngành y tế, hướng đến cách thức lãnh đạo, quản lý công việc và ra quyết định chính xác, kịp thời, hiệu quả dựa trên nền tảng công nghệ số, tác động trực tiếp đến việc cung cấp và tiếp cận dịch vụ y tế từ phương thức truyền thống sang phương thức dựa trên nền tảng công nghệ số, góp phần đẩy mạnh việc cung cấp và tiếp cận dịch vụ y tế nhanh chóng, kịp thời, mọi lúc, mọi nơi và tác động tới cách thức làm việc, giao tiếp của đội ngũ cán bộ, thầy thuốc và người lao động trong ngành y tế, chuyển đổi phương thức làm việc từ môi trường truyền thống sang môi trường số, hình thành “người thầy thuốc số”.
Bộ Y tế đã bước đầu xây dựng trung tâm dữ liệu y tế của Bộ, từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho việc lưu trữ, quản lý, khai thác dữ liệu tập trung. Hiện nay, Trung tâm dữ liệu của Bộ Y tế đã bảo đảm hạ tầng cho hệ thống dịch vụ công trực tuyến, thống kê y tế điện tử, hồ sơ sức khỏe điện tử, nền tảng tích hợp dữ liệu của Bộ Y tế, hệ thống thư điện tử, hệ thống quản lý văn bản điều hành điện tử và nhiều hệ thống quan trọng khác của ngành y tế. Tại các địa phương, đơn vị, nhiều bệnh viện đã có hạ tầng kỹ thuật hiện đại, đáp ứng nhu cầu quản lý, lưu trữ dữ liệu của đơn vị, sử dụng bệnh án điện tử thay cho bệnh án giấy.