Đây là giải thưởng chất lượng khám, chữa bệnh được Sở Y tế TP Hồ Chí Minh tổ chức 3 năm 1 lần nhằm tôn vinh những sáng tạo của các bệnh viện trên địa bàn thành phố trong nỗ lực không ngừng cải tiến chất lượng phục vụ người bệnh và chất lượng chuyên môn của các bệnh viện.
Năm nay, với chuyên đề Y tế thông minh, giải thưởng được phát động từ đầu năm 2019 và đã có 38 đơn vị tham gia với 94 sản phẩm. Các sản phẩm được đánh giá qua 3 vòng: dựa trên hồ sơ đăng ký tham dự bình chọn của các đơn vị; tính sáng tạo xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn, giá trị ứng dụng và chi phí - hiệu quả của sản phẩm; Hội đồng bình chọn bỏ phiếu xếp hạng các sản phẩm.
Sau 3 vòng xét duyệt, Hội đồng đã chọn ra 20 sản phẩm "Y tế thông minh" năm 2019 lần thứ 2. Trong đó, giải nhất thuộc về 4 sản phẩm của 4 đơn vị gồm: “Ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong phẫu thuật nội soi: Robot Da Vinci” của Bệnh viện Bình dân; Mô hình “Bệnh viện số” của Bệnh viện Quận Thủ Đức; Hệ thống phản ứng khẩn cấp giải quyết sự cố an ninh, trật tự trong bệnh viện "Code Grey” của Bệnh viện Nhân dân Gia Định; “Giải pháp thay thế CPU truyền thống bằng Raspberry PI giúp tiết kiệm kinh phí và bảo vệ môi trường” của Bệnh viện Nhi đồng 1.
Theo đánh giá, các ứng dụng được trao giải đều thể hiện sự vận dụng sáng tạo, góp phần hiệu quả vào công tác quản lý và khám chữa bệnh cho người dân. Chẳng hạn như mô hình “Bệnh viện số” của Bệnh viện Quận Thủ Đức, người dân có thể chủ động lựa chọn nhiều hình thức đăng ký khám bệnh, thậm chí có thể quét trực tiếp mã QRcode trên thẻ BHYT tại quầy để giúp bệnh nhân hoàn tất thủ tục nhanh chóng thay vì nhập thông tin bằng tay vào phần mềm... Nhờ đó, người bệnh có thể đi khám bệnh không cần phải mang theo hồ sơ, toa thuốc do các bác sĩ có thể theo dõi lịch sử khám chữa bệnh có trên phần mềm ứng dụng…
Ông Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết trong thời gian qua, ngành y tế đã triển khai nhiều ứng dụng thông minh. Tuy nhiên, các ứng dụng y tế thông minh mới dừng lại ở bước khởi đầu. Do vậy, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh vẫn đang trên đà xây dựng nền y tế thông minh toàn diện. Lộ trình tiếp theo, ngành y tế hướng đến mục tiêu xây dựng hệ thống quản lý sức khoẻ người dân bằng hồ sơ sức khoẻ điện tử, bệnh án điện tử tại các cơ sở y tế; đưa vào ứng dụng công nghệ thông tin giúp Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) phát hiện và can thiệp kịp thời ngăn chặn dịch bệnh, bệnh không lây nhiễm; điều phối trạm cấp cứu vệ tinh…