Thực hiện thành công nuôi cấy tai người dưới cẳng tay và cấy ghép lại

Ngày 20/5, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương cho biết, đơn vị vừa thành công việc nuôi cấy tai người dưới cẳng tay và ghép lại cho bệnh nhân. Đây là trường hợp cấy ghép thành công đầu tiên tại Việt Nam và là trường hợp thứ 3 trên thế giới được thực hiện theo kỹ thuật phức tạp này.

Trước đó, Bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân nam không may bị tai nạn xe máy nghiêm trọng gây chấn thương gãy cột sống. Trong lúc bị tai nạn, do chấn thương nên bệnh nhân không thể di chuyển, nhớt từ xe chảy ra gây bỏng nửa mặt và lỗ tai bên phải. Bệnh nhân đã trải qua ca mổ cố định cột sống thành công và phục hồi 2 chân. Tuy nhiên, vết bỏng nặng đã gây hoại tử da toàn bộ mặt và vành tai bên phải.

Chú thích ảnh
Bệnh nhân khi đã được ghép tai. Ảnh: TTXVN phát

Bệnh nhân được Bệnh viện Đa khoa Bình Dương phẫu thuật tạo hình lại nửa gương mặt phải bằng vạt da lấy từ đùi của người bệnh. Sau khi lành vết thương ở mặt, bệnh nhân có thể đeo tai giả bằng nhựa.

Bác sĩ Võ Thái Trung, Phó trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương cho biết, việc đeo một vành tai nhân tạo trong suốt phần đời còn lại sẽ khiến bệnh nhân không có cảm giác, gây khó chịu. Vì vậy, ông đã thuyết phục và được bệnh nhân đồng ý áp dụng kỹ thuật mới.

Bác sĩ Võ Thái Trung và ê-kíp đã tiến hành ca phẫu thuật lấy phần sụn từ 3 chiếc xương sườn 6,7,8 của bệnh nhân rồi tạo hình vành tai; sau đó cấy xuống bên dưới da ở cẳng tay để nuôi và cho phép các mạch máu mới hình thành trong sụn tai. Điều này cũng có nghĩa là chiếc tai mới sẽ có cảm giác.

Chú thích ảnh
Chiếc tai được nuôi cấy dưới cẳng tay của bệnh nhân. Ảnh: TTXVN phát

Sau 3 tháng để vành tai phát triển ở cẳng tay, ê-kíp của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương đã chuyển ghép “chiếc tai mới” này lên gương mặt để hoàn tất quá trình tạo hình.

Theo bác sĩ Võ Thái Trung, việc cấy ghép một vành tai mới từ người hiến tặng là không đáng với những rủi ro của nó. Bất kể cấy ghép cơ quan ngoại lai nào từ người này sang người khác, bệnh nhân sẽ phải uống thuốc chống đào thải và như vậy sẽ làm hệ miễn dịch suy yếu.

Chú thích ảnh
 Bệnh nhân lúc chưa được ghép tai. Ảnh: TTXVN phát

Nhờ kỹ thuật tạo ra vành tai mang chính những tế bào của bệnh nhân nên khi ghép lại lên mặt, người bệnh sẽ không cần phải uống thuốc chống thải ghép. Đồng thời, kỹ thuật này cũng mở ra cơ hội lớn cho lĩnh vực tạo hình – thẩm mỹ, giúp phục hồi các bộ phận bị mất cho người bệnh. Các bác sĩ có thể nuôi cấy tạm thời các bộ phận cần tái tạo ở bất kỳ nơi nào trên cơ thể để phát triển rồi chuyển ghép lại đúng vị trí cần thiết.

Huyền Trang (TTXVN)
Phẫu thuật kịp thời cho bệnh nhi bị xoắn tinh hoàn cấp tính
Phẫu thuật kịp thời cho bệnh nhi bị xoắn tinh hoàn cấp tính

Ngày 23/4, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Thanh Vũ Medic Bạc Liêu cho biết, đơn vị vừa tiếp nhận và phẫu thuật kịp thời cấp cứu một trường hợp xoắn tinh hoàn trên bệnh nhi 15 tuổi, giúp giữ được tinh hoàn cho người bệnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN