Tháng 3/2019, bệnh nhân Huỳnh Văn K. (33 tuổi, ngụ tỉnh Quảng Ngãi) đến Bệnh viện Chợ Rẫy khám do có một khối u trên xương chày chân trái khiến bệnh nhân bị hạn chế vận động ở khớp gối. Tại đây, các bác sỹ Bệnh viện Chợ Rẫy xác định bệnh nhân bị ung thư xương và thực hiện 6 đợt hóa trị tại Khoa Ung bướu. Sau đó, bệnh nhân được tiếp tục thực hiện phẫu thuật để cắt trọn khối u. Sau phẫu thuật, chân của bệnh nhân có một lỗ khuyết hổng trên xương chày khoảng 11cm.
“Thông thường sau khi bị cắt gọt xương chân phía dưới, các bác sỹ sẽ cắt một phần xương đùi trên chuyển xuống ghép vào phần xương bị khuyết. Tuy nhiên, phương pháp này khiến trục của xương chi bệnh nhân thay đổi, đi lại khó khăn. Bên cạnh đó, việc cắt xương đùi ở trên khiến cho vết mổ rộng, nguy cơ chảy máu cao, ca mổ kéo dài và chắc chắn nguy cơ nhiễm trùng sẽ cao hơn”, bác sỹ Đỗ Phước Hùng, Phó Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình cho biết.
Do đó, các bác sỹ quyết định dùng mảnh ghép 3D hợp kim Titanium dạng tổ ong thay một đoạn xương chày cho bệnh nhân. Dựa trên kích thước, hình dạng của phần xương bị khuyết và hình ảnh mô phỏng của chân đối diện, các bác sỹ đã tạo ra một mảnh ghép bằng hợp kim Titanium dạng tổ ong, sau đó tiến hành ghép vào phần xương bị khuyết cho bệnh nhân.
Ca phẫu thuật thành công và chỉ 4 ngày sau phẫu thuật, bệnh nhân K. đã có thể tập đi lại. Hiện tại, bệnh nhân vẫn còn dùng nạng hỗ trợ nhưng dự kiến có thể đi lại bình thường trong thời gian khoảng 5 - 6 tháng.
Theo bác sỹ Lê Văn Tuấn, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình, trước khi thực hiện trên bệnh nhân đầu tiên, từ năm 2018, các bác sỹ Bệnh viện Chợ Rẫy đã phối hợp với Viện nghiên cứu CSIRO (Australia) tiến hành nghiên cứu và thí nghiệm trên thỏ. Sau khi thử nghiệm thành công, cuối năm 2020, các bác sỹ Bệnh viện Chợ Rẫy đã thực hiện trên người và bệnh nhân Huỳnh Văn K. là bệnh nhân đầu tiên.
Bác sỹ Lê Văn Tuấn cho biết thêm, mặc dù mảnh ghép Titanium 3D đã được manh nha ứng dụng trong lĩnh vực răng hàm mặt tại Việt Nam, tuy nhiên lần đầu tiên Bệnh viện Chợ Rẫy ứng dụng thành công công nghệ này ở chuyên khoa chấn thương chỉnh hình.
“Ưu điểm của công nghệ này là các mảnh ghép 3D được tạo ra vừa vặn với vùng xương bị mất. Bên cạnh đó các lỗ “tổ ong” của mảnh ghép sẽ dẫn dụ tế bào xương sinh sôi, phát triển, lâu dần biến mảnh ghép Titanium trở thành một phần của cơ thể, tồn tại bên trong cơ thể mà không bị đào thải như các kim loại hình dạng khác”, bác sỹ Tuấn nhận xét.
Hiện nay, mặc dù đã làm chủ kỹ thuật thiết kế mảnh ghép 3D, tuy nhiên do chưa có thiết bị máy móc nên các mảnh ghép vẫn phải đặt hàng từ Australia với giá thành khá cao. Trong tương lai, các bác sỹ hy vọng, Việt Nam trang bị đầy đủ máy móc để có thể ứng dụng đại trà kỹ thuật này, tạo thuận lợi cho người dân không may mắc các bệnh lý ung thư xương hoặc mất xương.