Mới đây, khoa Thận Niệu Bệnh viện Nhi đồng 2 liên tiếp điều trị cho hai trường hợp bệnh nhi là bé gái được chẩn đoán dị vật âm đạo. Đáng lưu ý, cả hai trường hợp này đều trong trường hợp tuổi còn rất nhỏ (4 và 5 tuổi).
Bác sĩ chuyên khoa 2 Phan Tấn Đức, Trưởng khoa Thận Niệu Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, cả hai bệnh nhi này đến bệnh viện với tình trạng chảy mủ hôi và viêm âm hộ trong một thời gian dài. Đặc biệt, bệnh nhi không đáp ứng với việc điều trị thông thường như vệ sinh vùng âm hộ kết hợp điều trị nội khoa kháng sinh và kháng viêm.
Qua thăm khám, bác sĩ chẩn đoán hai bệnh nhi bị dị vật âm đạo. Cả hai bệnh nhi này đều được nội soi và phát hiện dị vật lần lượt là bông gòn, viên pin nhỏ từ những món đồ chơi. Ngay sau khi dị vật được gắp ra, tình hình các bé ổn định. Hiện bệnh nhi không còn viêm nhiễm sau thời gian dai dẳng và được cho xuất viện.
Bác sĩ chuyên khoa 1 Phan Nguyễn Ngọc Tú cho biết, để điều trị các trường hợp nghi ngờ dị vật âm đạo, các bác sĩ phải sử dụng phương pháp nội soi âm đạo thám sát, gắp dị vật vì có thể quan sát rõ bên trong. Tuy nhiên, để tránh gây tổn hại và rách các mô mềm xung quanh, nhất là màng trinh của các bé, ống nội soi âm đạo phải là ống nhỏ.
Theo các bác sĩ, viêm âm đạo do dị vật xảy ra khi một vật gì đó vô tình bị đặt và nằm trong âm đạo. Điều này có thể là bất cứ thứ gì từ đồ chơi nhỏ, bông gòn, mảnh giấy vệ sinh hoặc các vật thể khác mà trẻ có thể vô tình đặt vào do tò mò. Các bé gái, đặc biệt là những bé từ 2 đến 7 tuổi dễ bị tình trạng này do hành vi khám phá tự nhiên và thiếu nhận thức về cơ thể của mình.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Phan Tấn Đức thông tin thêm, bên cạnh hai trường hợp nêu trên, thời gian qua, khoa Thận Niệu đã điều trị cho các trường hợp dị vật tương tự. Thống kê từ phòng Kế hoạch tổng hợp, từ năm 2021 đến nay có khoảng 30 bé gái được chẩn đoán dị vật âm đạo.
“Hầu hết các bé đến thăm khám ở độ tuổi từ 3 đến 8 tuổi và chiếm tỷ lệ nhiều nhất từ 4 đến 6 tuổi. Ghi nhận bệnh sử, các bệnh nhi thường chơi những loại đồ chơi kích thước nhỏ, lắp ráp hoặc đầu bút chì sáp, nút áo, phụ kiện gấu bông…”, bác sĩ Đức chia sẻ.
Theo bác sĩ chuyên khoa 1 Phan Nguyễn Ngọc Tú, có nhiều nguyên nhân khác nhau gây viêm âm đạo nhưng một yếu tố thường bị bỏ sót là sự hiện diện của dị vật trong âm đạo. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, tình trạng này có thể dẫn đến sự khó chịu kéo dài và các biến chứng.
Trong khi đó, TS.BS Phạm Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 khẳng định, đây là vấn đề rất cần phụ huynh cảnh giác cho trẻ. Điều quan trọng là các bậc phụ huynh, người chăm sóc trẻ và nhân viên y tế phải nhận thức được nguyên nhân tiềm ẩn này để có hướng can thiệp kịp thời cho bé. Những dị vật không chỉ là nguyên nhân gây viêm nhiễm chảy máu âm đạo kéo dài ở trẻ, đôi khi còn gây nhiễm trùng nặng ảnh hưởng chức năng sinh sản về sau. Nếu không được phát hiện và điều trị sớm, dị vật âm đạo có thể dẫn đến các nhiễm trùng nghiêm trọng, hình thành áp-xe và các biến chứng khác, ảnh hưởng đến chức năng sinh sản của trẻ sau này. Ngoài ra, cũng có thể gây căng thẳng cảm xúc đáng kể cho trẻ.
“Khác với các nhiễm trùng thông thường, dịch tiết do dị vật có thể liên tục và thường có mùi hôi. Song song đó, vùng âm hộ sinh dục ngoài viêm đỏ cũng rất điển hình, bệnh nhi thường ngứa hoặc kích ứng liên tục không giảm với các phương pháp điều trị thông thường. Ngoài ra, bé có thể than phiền đau hoặc khó chịu ở vùng âm đạo, các triệu chứng tiểu khó, tiểu lắt nhắt, tiểu đau cũng có thể có”, TS.BS Phạm Ngọc Thạch chia sẻ.
TS. BS Phạm Ngọc Thạch lưu ý, khi nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào được đề cập ở trên, điều quan trọng là phụ huynh phải tìm đến sự tư vấn y tế. Bác sĩ có thể thực hiện khám lâm sàng và loại bỏ dị vật một cách an toàn. Phụ huynh đừng cố gắng tự loại bỏ dị vật, vì điều này có thể gây thương tổn thêm.
Để phòng ngừa dị vật âm đạo ở trẻ, bác sĩ Thạch khuyến cáo, gia đình nên sát sao con trẻ. Cụ thể, với trẻ lớn nên giải thích cho trẻ về cơ thể của mình, giúp trẻ hiểu những khu vực nhất định là riêng tư và không nên được khám phá bằng các vật thể. Đồng thời, phụ huynh hãy thường xuyên nói chuyện, trao đổi với trẻ để các bé cảm thấy an tâm và sẵn sàng chia sẻ về bất kỳ sự khó chịu hoặc cảm giác bất thường nào.