Các đoàn chi viện 'hiến kế' giúp Bình Dương chống dịch COVID-19

Ngày 27/7, Phó Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Hoàng Thao đã chủ trì buổi gặp mặt với các đoàn của bộ ngành, đơn vị và địa phương chi viện, hỗ trợ tỉnh Bình Dương trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Chú thích ảnh
Phó Bí thư Thường trực Tinh ủy Bình Dương Nguyễn Hoàng Thao phát biểu tại Hội nghị. 

Thu dung F0 không triệu chứng tại chỗ

Bình Dương là một trong những địa bàn trọng điểm về dịch khu vực phía Nam. Tính từ đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4) đến nay, Bình Dương ghi nhận 8.830 ca mắc trong cộng đồng và 38 ca tử vong do COVID-19; hiện có 19.317 người được cách ly y tế tập trung và 7.790  đang tự cách ly tại nhà.

Đến nay ở địa phương đã có gần 1 triệu người được xét nghiệm SARS-CoV-2. Dịch COVID-19 xảy ra trên địa bàn tỉnh chủ yếu ở 46 ổ dịch (chuỗi) lây nhiễm. Trong 42 ổ dịch hiện chưa được kiểm soát được có 20 ổ dịch trong tỉnh, 10 ổ dịch lây lan thứ phát có nguồn lây từ các ổ dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh và 12 ổ dịch chưa rõ nguồn lây. Hiện có 52 công ty, xí nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp có F0, với 1.657 ca bệnh

Đến nay, đã có 25 đoàn với trên 3.000 cán bộ, y, bác sĩ và tình nguyện của các tỉnh, thành và quân đội chi viện cho tỉnh trong hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn.

Chú thích ảnh
Đại diện đoàn y, bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế đang hỗ trợ Bình Dương phòng, chống dịch phát biểu tại Hội nghị.

Tại buổi làm việc, đại diện các đoàn chi viện đã “hiến kế” để phòng, chống dịch COVID-19 tại Bình Dương đạt hiệu quả. Đặc biệt, đại diện nhiều đoàn y, bác sĩ cho rằng cần phối hợp chặt chẽ trong công tác điều phối nhân lực; bổ sung vật tư y tế sẵn sàng và đến tận phường, xã để các đoàn tham gia lấy mẫu khi cần có thể vào cuộc ngay mà không phải chờ đợi do thiếu vật tư y tế. Như vậy mới phát huy tối đa năng lực, hiệu quả nguồn lực chi viện để ngăn chặn, kiểm soát dịch lây lan.

Đại diện đoàn cán bộ y tế của tỉnh Hà Tĩnh đề xuất phương án là các doanh nghiệp cần chuẩn bị sẵn sàng thu dung tại chỗ các ca F0 không có triệu chứng ngay trong nhà máy. Công tác điều trị những trường hợp F0 không triệu chứng nên tập trung về một khu điều trị để giảm tải cho lực lượng y tế; dành lực lượng để cứu chữa các ca nặng ở bệnh viện tuyến trên.

Ông Dương Chí Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế), đề nghị tỉnh Bình Dương cần có trung tâm điều phối nhân lực, trang thiết bị; rà soát sàng lọc phân bổ lực lượng y bác sĩ, tình nguyện viên phù hợp; trong đó gồm cả lực lượng chi viện đã và đang đến Bình Dương để đáp ứng cho công tác điều trị, tham gia phòng, chống dịch có hiệu quả ở các địa phương.

Cần chuẩn phương án có 20.000 ca bệnh

Chú thích ảnh
Đại diện đoàn y, bác sĩ của Đại học Y Dược Hà Nội đang hỗ trợ Bình Dương phòng, chống dịch phát biểu tại Hội nghị. 

Tại tỉnh Bình Dương đã có 12 khu điều trị bệnh nhân COVID-19 với có 120 bác sĩ, 295 điều dưỡng trực tiếp phục vụ; cùng nhân viên y tế hỗ trợ 166 người. Trên địa bàn tỉnh hiện có 4.740 giường bệnh đáp ứng điều trị người mắc COVID-19. Lực lượng chức năng đang xây dựng kế hoạch, nâng công suất điều trị lên 15.000 giường và mở rộng lên 20.000 giường khi cần thiết.

Bình Dương xây dựng mô hình điều trị 3 cấp để giảm tải cho các cơ sở điều trị tuyến tỉnh. Cụ thể, các ca F0 không có triệu chứng (chiếm khoảng 80% số F0) được xem là cấp 1 và bố trí điều trị tại các khu cách ly tập trung có điều kiện cơ sở vật chất đảm bảo, có đủ lực lượng bác sĩ, điều dưỡng và các xét nghiệm cơ bản tối thiểu, có máy chụp XQ di động. Nhóm F0 này sẽ được theo dõi sát sao, nếu có triệu chứng sẽ chuyển tuyến.

F0 có triệu chứng nhẹ được xem là cấp 2 và được thu dung, điều trị tại các trung tâm y tế tuyến huyện. Các ca F0 có triệu chứng nặng chuyển tuyến tỉnh để điều trị là thuộc diện cấp 3.

Tuy nhiên, theo dự báo của ngành y tế, trong 2 tuần tới, số ca mắc COVID-19 ở Bình Dương có thể đạt con số 20.000 ca. Như vậy, khả năng thu dung, điều trị tỉnh Bình Dương sẽ gặp khó khăn. Tỉnh đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế và các cơ quan Trung ương tiếp tục chỉ đạo và hỗ trợ lực lượng, trang thiết bị, máy móc phục vụ công tác phòng, chống dịch và điều trị cho bệnh nhân COVID-19 theo phương án tỉnh đề xuất cho 20.000 giường. Cụ thể, cần bổ sung thêm 1.486 bác sĩ (trong đó có 300 bác sĩ hồi sức cấp cứu, hơn 1.186 bác sĩ đa khoa, nhi khoa) và 4.014 điều dưỡng/kỹ thuật viên (trong đó có 600 điều dưỡng hồi sức cấp cứu, 3.414 điều dưỡng/kỹ thuật viên).

Phát biểu tại buổi làm việc với các đoàn chi viện cho tỉnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Hoàng Thao thay mặt lãnh đạo tỉnh và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh cùng nhân dân trong tỉnh trân trọng cám ơn sự chi viện về cơ sơ vật chất, hỗ trợ điều trị của các bộ ngành Trung ương, các địa phương trong cả nước. Ông Thao cho rằng cuộc gặp gỡ hôm nay nhằm chia sẻ, lắng nghe những ý kiến của các đoàn chi viện để chính quyền tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo hiệu quả hơn hoạt động phòng, chống dịch trên địa bàn.

Ông Thao cũng yêu cầu các tiểu ban phải đảm bảo sự an toàn, sức khỏe, vấn đề ăn ở, đi lại của các đoàn tình nguyện chi viện, hỗ trợ trong thời gian ở Bình Dương; đồng thời mong muốn lực lượng tình nguyện xem những bệnh nhân như chính người thân, người dân quê mình để chăm sóc, hỗ trợ cùng hướng tới mục tiêu ngăn chặn đại dịch để cuộc sống sớm bình thường trở lại.

Tin, ảnh: Chí Tưởng (TTXVN)
Cán bộ y tế các tỉnh hỗ trợ TP Hồ Chí Minh và Bình Dương chống dịch COVID-19
Cán bộ y tế các tỉnh hỗ trợ TP Hồ Chí Minh và Bình Dương chống dịch COVID-19

Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp ở 19 tỉnh, thành phía Nam, hưởng ứng lời kêu gọi của Bộ Y tế, chiều 27/7, tỉnh Phú Thọ tiếp tục cử 52 cán bộ, y bác sĩ, nhân viên y tế hỗ trợ tỉnh Bình Dương phòng, chống dịch COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN