Bệnh nhân L.H.V. (60 tuổi), nhập viện ngày 28/8/2020 trong tình trạng đau thắt ngực khi gắng sức. Kết quả chẩn đoán hình ảnh cho thấy, 3 nhánh động mạch vành của bệnh nhân đều bị hẹp nặng, chức năng co bóp kém. Bệnh nhân này còn có những bệnh nền nguy hiểm: tăng huyết áp, đái tháo đường type 2, ung thư tụy đã phẫu thuật và hóa trị.
Bác sỹ Nguyễn Kim Anh, Trưởng Khoa Lồng Ngực - Mạch máu cho biết, trước đây, các ca phẫu thuật mạch vành thường được sử dụng với sự hỗ trợ của máy tuần hoàn ngoài cơ thể và phải ngừng tim. Kỹ thuật này đòi hỏi phải đưa máu ra hệ thống ống dẫn bằng nhựa, tiếp xúc với không khí và màng trao đổi khí. Hơn nữa, để bảo vệ cơ tim trong lúc tim ngừng đập, phẫu thuật viên phải bơm dịch liệt tim, kẹp lại động mạch chủ. Tuy nhiên, với riêng bệnh nhân này, nếu sử dụng theo phương pháp cũ, tỷ lệ biến chứng và tử vong sau khi mổ rất cao.
Trước tình hình trên, sau khi hội chẩn với các chuyên gia đầu ngành của Viện Tim Thành phố Hồ Chí Minh, các bác sỹ đã quyết định tiến hành phẫu thuật bắc cầu động mạch chủ và động mạch vành bằng cách dùng vật liệu động mạch để làm cầu nối và không dùng máy tim phổi nhân tạo. Kỹ thuật bắc cầu nối mạch vành, không dùng máy tim phổi nhân tạo trong phẫu thuật tim thường được dùng để can thiệp đối với những bệnh nhân bị hẹp nặng nhiều nhánh động mạch vành. Trong suốt ca mổ, tim bệnh nhân vẫn hoạt động.
Phó Giáo sư Nguyễn Văn Phan, Phó Giám đốc Viện Tim Thành phố Hồ Chí Minh, cố vấn chuyên môn Bệnh viện quận Thủ Đức cũng nhìn nhận, bệnh nhân L.H.V. bị hẹp 3 động mạch vành, mắc nhiều bệnh nền nên không sử dụng máy tim phổi nhân tạo sẽ giúp cho thời gian mổ ngắn, biến chứng với phẫu thuật tuần hoàn ngoài cơ thể sẽ giảm đi rất nhiều. Phẫu thuật mạch vành không sử dụng máy tim phổi nhân tạo giúp giảm đáng kể tỷ lệ các biến chứng thần kinh, viêm phổi, suy thận, suy tim; rối loạn đông máu sau mổ, rút ngắn thời gian nằm hồi sức, giảm tỷ lệ tử vong và giảm chi phí điều trị.
Đến chiều 16/9, ca phẫu thuật thành công, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định và có thể xuất viện sau 7 ngày.
Bác sỹ Nguyễn Minh Quân, Giám đốc Bệnh viện quận Thủ Đức chia sẻ, sau 3 năm triển khai phẫu thuật tim căn bản, với sự hỗ trợ của các chuyên gia, Bệnh viện đã bắt đầu thực hiện được các ca phẫu thuật tim có kỹ thuật phức tạp. Nhờ đó, người bệnh có thể được thực hiện những kỹ thuật mổ tim khó mà không cần phải đi xa, tốn nhiều chi phí, thời gian, đồng thời giúp giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.