Công văn số 428/KCB-NV của Cục Quản lý Khám chữa bệnh gửi Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai nêu rõ, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế, Phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 tại cuộc họp ngày 29/4/2021 với UBND tỉnh Hà Nam về công tác ứng phó với chùm ca bệnh COVID-19 ở thôn Quan Nhân, xã Nhân Đạo, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đề nghị: Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai khẩn trương phối hợp với Sở Y tế tỉnh Hà Nam lên kế hoạch, xây dựng đề án thiết lập cơ sở điều trị bệnh COVID-19 tại Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 (Phủ Lý, Hà Nam) để sẵn sàng tiếp nhận, thu dung, quản lý, điều trị các ca bệnh COVID-19 của tỉnh Hà Nam và các tỉnh lân cận (nếu dịch bệnh tiếp tục xảy ra).
Bệnh viện Bạch Mai triển khai các điều kiện bảo đảm Bệnh viện an toàn phòng, chống dịch theo Bộ tiêu chí Bệnh viện an toàn phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp ban hành kèm theo Quyết định số 3088/QĐ-BYT ngày 16/7/2020 của Bộ Y tế.
Bệnh viện báo cáo công tác chuẩn bị thiết lập Bệnh viện để tiếp nhận, điều trị người bệnh COVID-19 về Cục Quản lý Khám, chữa bệnh trước ngày 2/5/2021 để Cục tổng hợp báo cáo Lãnh đạo Bộ.
Trước đó, tại cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Hà Nam về công tác phòng chống dịch tối 29/4, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long yêu cầu tiếp tục điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Nam. Ngay trong sáng 30/4, Cục Quản lý Khám chữa bệnh và Bệnh viện Bạch Mai sẽ về Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Nam để giám sát và hỗ trợ công tác điều trị; kiêm tra công tác phân luồng, sàng lọc, cách ly tại một số cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn. Đồng thời, Bệnh viện Bạch Mai nhanh chóng triển khai cơ sở 2 của Bệnh viện tại Hà Nam để sẵn sàng thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 khi cần.
Về ca bệnh COVID-19 ở Hà Nam (bệnh nhân 2899), Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp Sự kiện Y tế công cộng Việt Nam đánh giá, ca bệnh này hiện có nguy cơ cao với cộng đồng bởi việc lây nhiễm rất nhanh. Đến thời điểm này, Hà Nam đã ghi nhận 7 ca mắc COVID-19.
Theo điều tra dịch tễ, bệnh nhân 2899 từ Nhật Bản về Đà Nẵng ngày 7/4, sau đó cách ly tập trung tại một khách sạn ở Đà Nẵng đủ 14 ngày với 3 lần xét nghiệm âm tính. 18h40 ngày 21/4, bệnh nhân đi xe khách về quê ở xã Đạo Lý, huyện Lý Nhân, Hà Nam.
Kết quả theo dõi hàng ngày qua hệ thống camera và kết quả trích xuất camera từ ngày 7 - 21/4 cho thấy, bệnh nhân tuân thủ nội quy quy định, không bước ra khỏi phòng, không giao tiếp với ai trong quá trình cách ly tại khách sạn.
Sáng 24/4, bệnh nhân có biểu hiện ho sốt, đau họng, nên bố bệnh nhân đã đến trạm y tế xã khai báo. Tuy nhiên phải đến ngày 28/4, bệnh nhân mới được lấy mẫu xét nghiệm, chiều cùng ngày bệnh nhân có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Trong khoảng thời gian từ ngày 22/4 đến 28/4, bệnh nhân 2899 đã gặp gỡ, ăn uống với rất nhiều người.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đắc Phu có thể có một số giả thiết về nguồn lây của ca bệnh này. Đó là bệnh nhân lây nhiễm trong khu cách ly, sau đó về nhà mới phát bệnh. Vừa rồi, Việt Nam cũng đã ghi nhận một số trường hợp lây nhiễm trong khu cách ly như tại Yên Bái, Nghệ An…
Bệnh nhân có thể nhiễm bệnh từ nước ngoài nhưng thời gian ủ bệnh có thể 14 ngày hoặc dài hơn nên thời điểm lấy mẫu xét nghiệm lần 3 nếu vào ngày thứ 12 - 13 không phát hiện ra dương tính.
Dù trên thực tế vẫn có những ca bệnh COVID-19 ủ bệnh trên 14 ngày nhưng rất ít. Nên quy định cách ly tập trung đủ 14 ngày với xét nghiệm 3 lần âm tính sau đó tiếp tục về nhà giám sát, hạn chế tiếp xúc thêm 14 ngày như Bộ Y tế quy định hiện là chặt chẽ, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đắc Phu khẳng định. Hoặc trong quá trình di chuyển trên các phương tiện, gặp gỡ người khác nên lây nhiễm từ cộng đồng nhưng chưa xác định được.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đắc Phu đánh giá, phải phân tích kỹ, điều tra thật kĩ để xác định nguyên nhân của ca bệnh dương tính sau khi hết thời hạn cách ly 14 và đã qua 3 lần xét nghiệm đều âm tính.
Theo chuyên gia, vấn đề xác định nguồn lây rất quan trọng để định hướng truy vết và đánh giá quy mô dịch. Tuy nhiên, điều quan trọng lúc này là ưu tiên truy vết hết F0, F1, F2... trong cộng đồng để tránh lây lan và tiếp đến phải khẳng định trường hợp này có bị lây nhiễm ở cộng đồng không để có biện pháp chống dịch phù hợp.