Bệnh nhi 13 tuổi, bị bệnh động kinh từ lúc 6 tuổi do loạn sản võ não thùy đảo bên phải. Trước đó, bệnh nhi đã được các bác sĩ chuyên khoa thần kinh của Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) điều trị bằng các loại thuốc kháng động kinh nhưng không đáp ứng. Các cơn giật xuất hiện nhiều đã ảnh hưởng đến sinh hoạt và gián đoạn việc học tập của em. Bệnh nhi đã được phẫu thuật cắt một phần tổn thương dạng loạn sản vỏ não vùng hồi nắp và thùy đảo bán cầu phải vào ngày 17/9/2019.
Sau phẫu thuật, tình trạng động kinh có đỡ khoảng 50% nhưng thời gian gần đây các cơn động kinh lại tăng lên cả về cường độ và tần suất. Đồng thời, bệnh nhân bị yếu nửa người, nói khó do vùng não chi phối vận động và ngôn ngữ bị ảnh hưởng sau phẫu thuật. Kết quả chụp cộng hưởng từ não cho thấy có tổn thương tồn dư vùng hồi nắp và thùy đảo bán cầu phải, phù hợp cơn động kinh trên lâm sàng và các bất thường trên điện não đồ sau phẫu thuật.
Sau khi hội chẩn với các chuyên gia thần kinh của Mỹ, Canada và thảo luận kỹ lưỡng với đội ngũ bác sĩ xạ trị ở Bệnh viện Trung ương Huế, bệnh nhi được chuyển viện từ Hà Nội vào Khoa Xạ trị - Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Trung ương Huế tiếp tục điều trị theo hướng can thiệp không phẫu thuật.
Dưới sự chủ trì hội chẩn đa chuyên khoa trực tuyến của Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Như Hiệp - Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, các chuyên gia về phẫu thuật thần kinh, nội thần kinh, nhi thần kinh, chẩn đoán hình ảnh, bác sĩ xạ trị, xạ phẫu của Bệnh viện Trung ương Huế đã thảo luận nhiều lần và đồng thuận lựa chọn phương án xạ phẫu vào ổ tổn thương tồn dư vùng hồi nắp và thùy đảo bán cầu phải sau phẫu thuật theo khuyến cáo của các chuyên gia về động kinh ở trong nước và nước ngoài. Vì đây kỹ thuật mới, lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam nên công tác chuẩn bị được tiến hành đầy đủ và kỹ lưỡng: bệnh nhân được theo dõi 2 tuần, đo điện não, chụp cộng hưởng từ não để lập kế hoạch xạ phẫu chi tiết và chính xác nhất.
Tiến sỹ, bác sĩ Phan Cảnh Duy, Phó trưởng khoa Xạ trị, Trung tâm Ung bướu - Bệnh viện Trung ương Huế, người trực tiếp thực hiện kỹ thuật này cho biết: Bệnh nhân đã được xạ phẫu thành công, chính xác vào tổn thương tồn dư gây động kinh, vùng não lành kế cận không bị ảnh hưởng. Ngay sau khi xạ phẫu, bệnh nhi hoàn toàn tỉnh táo, giao tiếp bình thường, chưa thấy cơn động kinh tái phát hoặc tăng lên. Bệnh nhân sẽ được tiếp tục dùng thuốc, theo dõi thêm một vài ngày trước khi xuất viện và cần theo dõi thêm 3 - 6 tháng để đánh giá chính xác hiệu quả về kiểm soát động kinh bằng xạ phẫu. Với máy xạ phẫu gia tốc hiện đại Elekta Axesse cùng với các thiết bị chuyên dụng cho xạ phẫu được trang bị đầy đủ, cùng với sự phối hợp hiệu quả giữa các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực xạ phẫu của Bệnh viện Trung ương Huế, chúng tôi hoàn toàn làm chủ kỹ thuật này.
Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Sơn - Phó trưởng khoa Nhi Thần kinh, Bệnh viện Trung ương Huế, loại bỏ tổn thương não gây ra cơn động kinh bằng phẫu thuật hoặc xạ phẫu không phải là lựa chọn điều trị đầu tiên với người bị động kinh nhưng là phương pháp quan trọng được xem xét khi có ít nhất hai loại thuốc chống động kinh không kiểm soát được cơn động kinh. Phẫu thuật hoặc xạ phẫu điều trị động kinh đã được ứng dụng tại các trung tâm thần kinh có uy tín trên thế giới trong nhiều năm qua. Ở Việt Nam, phẫu thuật điều trị động kinh đã được triển khai tại một số bệnh viện ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Thừa Thiên - Huế; tuy vậy đến thời điểm này chưa thấy trường hợp nào xạ phẫu điều trị động kinh được công bố.
Việc ứng dụng xạ phẫu trong điều trị động kinh mở ra một hướng mới cho bệnh nhân, nhằm đem lại hiệu quả điều trị động kinh tốt nhất cho các trường hợp động kinh kháng trị hoặc điều trị phẫu thuật động kinh thất bại.