Thậm chí, tại một số thị trường cấp 1 như: Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Hải Dương, Bắc Ninh, Hưng Yên... gần như không còn đất cho thuê. Thay vào đó, các thị trường cấp 2 như Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Thái Bình, Thái Nguyên... dần trở thành những điểm hấp dẫn với quỹ đất còn nhiều và giá thành rẻ.
Các chuyên gia của Công ty CBRE cho rằng, giá cho thuê bất động sản khu công nghiệp sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới, với tốc độ khoảng từ 5 - 9%/năm tại khu vực phía Bắc và từ 3 - 7% với khu vực phía Nam.
Đồng quan điểm, ông John Campbell, Phó Giám đốc bộ phận Dịch vụ công nghiệp - Savills TP Hồ Chí Minh cho rằng, minh chứng rõ nét nhất về sức hấp dẫn của bất động sản công nghiệp chính là tốc độ tăng trưởng mạnh trên thị trường. Giá thuê bất động sản công nghiệp ở cả miền Bắc và miền Nam được dự đoán vẫn tiếp tục tăng trong năm nay cho dù nguồn cung giữa 2 trung tâm công nghiệp này có sự khác biệt.
Năm 2024, khu vực phía Bắc có nguồn cung dồi dào hơn do quá trình giải phóng mặt bằng nhanh hơn với nhiều khu đất được chuyển đổi thành công từ đất nông nghiệp. Sự chuyển dịch cơ cấu FDI của Việt Nam sang các ngành có giá trị gia tăng cao hơn như điện tử, linh kiện, sản phẩm năng lượng mặt trời và ô tô là một động lực cho miền Bắc bởi khu vực này là nơi thu hút nhiều ngành công nghiệp.
Hoạt động cho thuê cũng có sự khác biệt giữa miền Bắc và miền Nam. Phần lớn các hợp đồng thuê đất ở miền Bắc là thuê đất diện tích lớn từ các nhà sản xuất Trung Quốc trong các dự án sản xuất linh kiện điện tử và năng lượng mặt trời.
Điển hình như Công ty TNHH Jinko Solar Holding của Trung Quốc đã đầu tư 1,5 tỷ USD vào Quảng Ninh với lô đất rộng 76 ha; Fulian Precision Technology của Đài Loan (Trung Quốc) đầu tư 621 triệu USD vào Bắc Giang trên lô đất rộng 49,6 ha…
Còn khu vực phía Nam có lợi thế do được hưởng lợi từ khối lượng lớn các hợp đồng thuê sản xuất. Tuy nhiên, nhiều hợp đồng trong số đó là thuê nhà máy xây sẵn hoặc diện tích thuê nhỏ hơn so với miền Bắc.
Tại thị trường miền Nam ghi nhận được nhiều mô hình đầu tư sản xuất đa dạng về cả quốc tịch và ngành nghề. Hoạt động đầu tư rót vốn vào các lĩnh vực từ thực phẩm, đồ uống, cao su, nhựa, hàng tiêu dùng, vật liệu xây dựng, dệt may và may mặc…
Nổi bật như Suntory PepsiCo đã đầu tư 185 triệu USD vào Khu công nghiệp VSIP III của tỉnh Bình Dương với 7,5 ha đất thuê. Bên cạnh đó, Pandora Holdings từ Đan Mạch đã đầu tư 163 triệu USD vào Khu công nghiệp ICDICO – Becamex Long An với 20 ha đất thuê…
Tận dụng những ưu thế từ dòng vốn FDI, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã chuyển đích ngắm từ nhà ở, khu đô thị sang khu công nghiệp. Câu chuyện của Tổng công ty cổ phần Đầu tư phát triển xây dựng (DIC Corp) là một dẫn chứng điển hình.
Mới đây, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên, ông Nguyễn Thiện Tuấn - Chủ tịch HĐQT DIC Corp chia sẻ, hiện tại là thời điểm đầu tư khu công nghiệp sinh thái, nếu không thì sẽ bị lạc hậu. Bởi vậy, DIC Corp đang “ngắm” đến 4 khu đất phát triển khu công nghiệp với quy mô trên dưới 2.000 ha. Phát triển các khu công nghiệp sẽ đem về cho doanh nghiệp một khoản thu rất lớn – ông Tuấn kỳ vọng.
Tương tự, Công ty cổ phần Phát triển bất động sản Phát Đạt cũng có chiến lược quay trở lại đường đua bất động sản công nghiệp. Năm 2024 doanh nghiệp này dự kiến hoàn thành hồ sơ pháp lý xin chấp thuận chủ trương đầu tư khu công nghiệp hơn 400 ha ở Quảng Ngãi. Ngoài ra, Phát Đạt đang tiếp tục tìm kiếm cơ hội với quỹ đất sạch ở một số địa phương.
Ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Phát triển bất động sản Phát Đạt cho biết: Nếu doanh nghiệp đấu thầu thành công một số dự án tới đây thì công ty sẽ tiếp tục chuyển hướng đầu tư vào mảng bất động sản công nghiệp.
Trên thị trường, Tập đoàn Hà Đô cũng bày tỏ tham vọng lấn sân sang lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp và mở đầu tại Ninh Thuận. Đầu năm nay, doanh nghiệp đã đề xuất đầu tư hai cụm công nghiệp 100 ha gần khu công nghiệp Cà Ná, tập trung vào lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ chế biến, chế tạo. Lãnh đạo Tập đoàn Hà Đô cũng nhận thấy bất động sản công nghiệp sẽ là lĩnh vực phát triển trọng điểm của công ty trong giai đoạn 2025-2030...
Ngoài thế mạnh phát triển nhà ở, Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh nhà Khang Điền cũng làm nóng đường đua làm bất động sản công nghiệp với dự án khu công nghiệp Lê Minh Xuân tại TP Hồ Chí Minh. Đại diện doanh nghiệp cho biết đang hoàn tất bồi thường, giải phóng mặt bằng để khu công nghiệp đủ điều kiện đưa vào kinh doanh từ năm sau.
Đánh giá về động thái từ đầu năm đến nay, nhiều chủ đầu tư vốn mạnh về xây dựng khu đô thị, nhà ở đã đồng loạt chuyển hướng “tấn công” sang phân khúc bất động sản công nghiệp, ông Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam khẳng định, đây cũng là hướng đi đúng.
Bởi bất động sản công nghiệp luôn là cửa sáng trên thị trường và duy trì ngôi vị đầu bảng trong mấy năm gần đây, bất chấp sự khó khăn của các phân khúc khác. Cuộc đua này sẽ tiếp tục “nóng” trong năm nay, nhất là khi dòng vốn FDI đang trợ thành trợ lực rất lớn.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong 2 quý đầu của năm 2024, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam, bao gồm cả vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 15,19 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước.
Vốn FDI thực hiện đạt khoảng 10,84 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn thực hiện cao nhất của 6 tháng đầu năm trong vòng 5 năm qua. Đáng chú ý, vốn FDI trong khu công nghiệp, khu kinh tế chiếm khoảng 35 - 40% tổng vốn FDI đăng ký tăng thêm của cả nước trong những năm gần đây. Yếu tố này chính là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy bất động sản công nghiệp phát triển.