Đây là chia sẻ của ông Thomas Rooney, Quản lý cấp cao Bộ phận cho thuê Công nghiệp Savills Việt Nam về sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam gắn với những tiềm năng và thách thức đối với bất động sản công nghiệp.
Theo ông Thomas Rooney, có nhiều lý do giúp Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư bán dẫn, từ đó mang lại lợi thế của bất động sản công nghiệp. Về vị trí địa lý, Việt Nam có vị trí chiến lược ở Đông Nam Á, dễ dàng tiếp cận các thị trường lớn trong khu vực, có điều kiện tự nhiên thuận lợi với trữ lượng đất hiếm lớn - nguyên liệu quan trọng trong sản xuất chip bán dẫn.
Về chính trị, Việt Nam có hệ thống chính trị ổn định, tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài. Đồng thời, Chính phủ Việt Nam cũng tích cực thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn với những chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư hấp dẫn.
Các chuyên gia của Savills Việt Nam cho biết, khu vực kinh tế phía Bắc được kỳ vọng tiếp tục điểm nóng của bất động sản công nghiệp trước làn sóng đầu tư bán dẫn mạnh mẽ hiện nay. Trong khi khách thuê bất động sản công nghiệp tại các tỉnh phía Nam thuộc các ngành chế biến sản phẩm từ cao su, nhựa, thực phẩm, nước giải khát, thì tại phía Bắc, vốn đầu tư chủ yếu từ doanh nghiệp hoạt động trong các ngành hàng có giá trị gia tăng cao như máy vi tính, điện tử hay sản phẩm điện. Do đó, khi làn sóng đầu tư về bán dẫn phát triển, sẽ tạo thêm sức bật về phát triển đổi với bất động sản công nghiệp phía Bắc.
Ngành bán dẫn đóng vai trò then chốt trong việc sản xuất các thiết bị điện tử hiện đại thông qua việc cung cấp các linh kiện bán dẫn thiết yếu như bộ vi xử lý, bộ nhớ và thiết bị lưu trữ dữ liệu... Được thúc đẩy bởi nhu cầu ngày càng tăng đối với các thiết bị điện tử và sự phát triển vượt bậc của công nghệ mới, theo Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ (SIA), thị trường bán dẫn toàn cầu dự kiến đạt 600 tỷ USD vào năm 2025, tăng 14% so với năm 2023.
Tại Việt Nam, trong thời gian vừa qua đã thu hút nhiều ông lớn trong ngành bán dẫn như Samsung, Qualcomm, Infineon, Amkor ... với nhiều dự án đầu tư xây dựng nhà máy, mở rộng sản xuất, lắp ráp có giá trị lên tới hàng tỷ USD. Sản xuất chip bán dẫn được định vị là động lực mới đưa Việt Nam thành quốc gia thịnh vượng. Dự báo đến cuối năm 2024, công nghiệp bán dẫn Việt Nam sẽ vượt giá trị 6,16 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất quan trọng của nhiều doanh nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Ngành công nghiệp bán dẫn ngày càng gia tăng sức hút trước những sự thay đổi toàn cầu. Đại dịch COVID-19 làm tăng nhu cầu về chất bán dẫn do sự phụ thuộc ngày càng cao vào các thiết bị điện tử trong và hậu giãn cách xã hội. Được hưởng lợi từ những thay đổi toàn cầu, ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội, điển hình, Samsung đầu tư trung tâm phát triển sản phẩm lớn nhất Đông Nam Á tại Hà Nội.
Cùng với đó, một số doanh nghiệp vi mạch bán dẫn từ Hà Lan cũng đã bắt đầu đầu tư vào Việt Nam như Công ty BE Semiconductor Industries N.V đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư vào Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh với số vốn hơn 115 tỷ đồng (tương đương 4,9 triệu USD) trong giai đoạn đầu, để đầu tư thuê nhà xưởng, sản xuất. Dự án này dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào quý I/2025.
Để đón dòng vốn vào ngành công nghiệp bán dẫn, bất động sản công nghiệp, các địa phương, doanh nghiệp cần hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách, hạ tầng và nhân lực để có thể đáp ứng một cách tốt nhất những nhu cầu khắt khe của ngành công nghiệp đặc thù này.
Ông Thomas Rooney cho rằng, hiện nay cơ sở hạ tầng tại Việt Nam chưa thực sự được hoàn thiện, đặc biệt là đường dây truyền tải điện trong những tháng cao điểm và hệ thống cung ứng điện tại Việt Nam chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu. Công nghiệp bán dẫn cần lượng điện khổng lồ, do vậy, để đáp ứng nhu cầu năng lượng khổng lồ từ các ngành công nghiệp tiên tiến như bán dẫn, Việt Nam cần đẩy nhanh các dự án hạ tầng năng lượng quy mô lớn.
Gần đây, Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch Điện VIII) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, bảo đảm ưu tiên cung cấp điện ổn định cho các dự án đầu tư và hướng tới phát triển năng lượng bền vững. Cùng đó, Việt Nam đang tập trung phát triển các khu công nghệ cao, đặc biệt là Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia, để tạo môi trường, thể chế vượt trội, tạo điều kiện tốt nhất cho các tập đoàn nước ngoài đầu tư, sản xuất tại Việt Nam.
Về nguồn nhân lực, dù Việt Nam có lực lượng trong độ tuổi lao động lớn với 52,4 triệu lao động từ 15 tuổi trở lên nhưng đang thiếu kỹ sư trình độ cao để phục vụ phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.
Ông Thomas Rooney phân tích: thực tế cho thấy, không có nguồn nhân lực chất lượng sẽ hạn chế việc dòng vốn đầu tư từ các công ty lớn. Do đó, việc giải bài toán nguồn nhân lực cho lĩnh vực này sẽ nâng cao thêm vị trí của Việt Nam trong các điểm đến đầu tư, thu hút các tập đoàn công nghệ lớn đầu tư nghiên cứu, phát triển và sản xuất sang Việt Nam.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đặc biệt chú trọng đến phát triển năng lực lao động để tăng sự cạnh tranh của Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất bán dẫn. Sản xuất bán dẫn có hai lĩnh vực chính: nghiên cứu và phát triển (R&D) và chế tạo. Cả hai quy trình đều có yêu cầu về lao động cao. Chính phủ đang giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn với mục tiêu đào tạo, phát triển 50.000 nhân lực cho ngành đến năm 2030.
Theo ông Thomas, Chính phủ và các doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ để phát huy những tiềm năng hiện có, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển bền vững của ngành bán dẫn và bất động sản công nghiệp tại Việt Nam. Với những nỗ lực này, Việt Nam có thể trở thành một trong những trung tâm sản xuất bán dẫn quan trọng trên thế giới, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế và nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.