Ưu tiên phát triển nhà ở xã hội và trung cấp
Để khắc phục trình trạng mất cân đối của thị trường BĐS, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) cho rằng, việc phát triển nhà ở xã hội và trung cấp phải trở thành ưu tiên hàng đầu. Các khu vực như Hóc Môn, Bình Tân và Củ Chi với quỹ đất lớn và giá đất hợp lý, là những lựa chọn lý tưởng để triển khai các dự án nhà ở giá rẻ. Đặc biệt, chương trình phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030 cần được thúc đẩy mạnh mẽ. Theo đó, UBND TP Hồ Chí Minh cần đưa ra các chính sách ưu đãi cụ thể như miễn, giảm tiền thuê đất, hỗ trợ vay vốn lãi suất thấp và đơn giản hóa quy trình pháp lý để khuyến khích doanh nghiệp tham gia.
Ngoài ra, việc TP Hồ Chí Minh chỉ có 1.611 căn nhà thuộc phân khúc cao cấp được tung ra thị trường trong năm 2024, với giá trung bình lên tới 9,39 tỷ đồng/căn, cho thấy sự mất cân đối nghiêm trọng trong cơ cấu sản phẩm. Trong khi đó, theo Bộ Xây dựng, giá nhà tại TP Hồ Chí Minh đã tăng trung bình 15 - 20% mỗi năm trong giai đoạn 2015 - 2023. Với bảng giá đất điều chỉnh năm 2024, dự báo giá nhà có thể tăng thêm 15 - 20% trong năm 2025 nếu không có biện pháp kiểm soát hiệu quả.
"Để "bình ổn" giá, cần tăng cường nguồn cung nhà ở trung cấp và bình dân nên là giải pháp lâu dài. Hiện các khu vực như Bình Chánh và Nhà Bè, nơi hạ tầng đang được cải thiện nhờ các dự án lớn như đường Vành đai 3 và cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài, có tiềm năng phát triển các dự án nhà ở giá vừa túi tiền", ông Lê Hoàng Châu kiến nghị.
Bên cạnh đó, theo ông Lê Hoàng Châu, việc giám sát giá bán sơ cấp từ các chủ đầu tư là cần thiết để tránh tình trạng giá nhà bị đẩy lên quá cao ngay từ giai đoạn đầu tư; đồng thời cần xây dựng cơ chế định giá minh bạch, đảm bảo giá bán phản ánh đúng giá trị thực của sản phẩm và khả năng chi trả của người dân.
Thêm vào đó, hạ tầng giao thông đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển thị trường BĐS. Hiện tại, TP Hồ Chí Minh đang triển khai nhiều dự án trọng điểm, bao gồm: Đường Vành đai 3 kết nối các khu vực ngoại thành và giảm tải cho trung tâm thành phố; cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài kết nối với Tây Ninh và Campuchia, mở ra cơ hội phát triển cho Bình Chánh và Long An; tuyến metro số 1 chính thức đi vào hoạt động từ ngày 22/12 sẽ là động lực lớn cho sự phát triển tại thành phố Thủ Đức và các khu vực lân cận...
Những dự án này không chỉ tạo ra giá trị gia tăng cho các khu vực lân cận mà còn giúp cân bằng cung cầu nhà ở giữa nội thành và vùng ngoại ô. Đặc biệt, các khu vực như thành phố Thủ Đức, Bình Chánh và Nhà Bè hứa hẹn sẽ trở thành trung tâm phát triển mới nhờ lợi thế hạ tầng và quỹ đất lớn.
Cơ hội và tiềm năng phát triển thị trường năm 2025
Trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách hạn chế, mô hình hợp tác công - tư (PPP) được đánh giá là giải pháp quan trọng để giải quyết bài toán nguồn cung nhà ở và hạ tầng giao thông cho TP Hồ Chí Minh. Hiện tại, với hơn 100 dự án bất động sản đang bị ách tắc pháp lý, việc huy động các nguồn lực từ khu vực tư nhân thông qua PPP sẽ giảm tải áp lực cho ngân sách nhà nước và tạo điều kiện để các dự án được triển khai nhanh chóng hơn.
Đặc biệt, các dự án trọng điểm như metro số 1, đường Vành đai 3 và cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài đều có thể được đẩy nhanh tiến độ khi có sự tham gia của doanh nghiệp. Theo báo cáo của HoREA, khi các dự án này hoàn thành, không chỉ thành phố Thủ Đức mà cả các đô thị vệ tinh như Đồng Nai, Bình Dương và Long An đều sẽ hưởng lợi lớn. Điều này giúp tạo ra các trung tâm kinh tế mới, giảm tải áp lực dân số và nhà ở cho khu vực nội đô TP Hồ Chí Minh.
Ngoài ra, các khu vực như Bình Chánh và Nhà Bè, nơi đang hưởng lợi từ việc mở rộng hạ tầng, sẽ trở thành điểm sáng mới. Bình Chánh, với hơn 31 dự án nhà ở thương mại đang triển khai trong năm 2024 và quỹ đất lớn, là nơi lý tưởng để phát triển các dự án nhà ở giá rẻ, góp phần bình ổn giá nhà ở khu vực nội thành.
Việc phát triển các dự án theo mô hình PPP không chỉ giúp giảm tải ngân sách mà còn đáp ứng nhanh nhu cầu nhà ở thực tế của người dân, đặc biệt là nhóm thu nhập trung bình và thấp. Những sản phẩm bất động sản từ các dự án PPP có thể được định giá hợp lý hơn nhờ chính sách miễn giảm thuế, hỗ trợ lãi suất và các cơ chế ưu đãi khác từ chính quyền.
Dù vậy, thách thức lớn nhất vẫn nằm ở việc xây dựng các chính sách minh bạch, đồng bộ để đảm bảo quyền lợi cho cả chính quyền và doanh nghiệp tham gia. Dó đó, HoREA dự báo, thị trường bất động sản TP Hồ Chí Minh năm 2025 không chỉ đối mặt với thách thức mà còn hứa hẹn những cơ hội lớn nếu có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng. Theo đó, TP Hồ Chí Minh hoàn toàn có thể vượt qua giai đoạn khó khăn và vươn lên trở thành một trong những thị trường BĐS hàng đầu khu vực, đáp ứng nhu cầu nhà ở thực tế và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững.