Nan giải quản lý đất công tại TP Hồ Chí Minh - Bài cuối: Kiên quyết đấu giá đất công và xử lý sai phạm

Vụ việc tại dự án 76 Tôn Thất Thuyết, dự án Vinafood 2, khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi, Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP Hồ Chí Minh tiếp tục thể hiện những nhức nhối về quản lý tài sản nhà nước; trong đó có đất công.

Chú thích ảnh
Mặt bằng Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP Hồ Chí Minh được cho thuê sai quy định.

“Liều thuốc trị bệnh” được nhiều chuyên gia đưa ra và đã được cụ thể hóa lâu nay trong quy định pháp luật là tổ chức đấu giá đất công để huy động nguồn lực xã hội, chống thất thoát và tăng thu ngân sách. Tuy nhiên, đi liền với đó vẫn cần giải pháp mạnh là quyết liệt xử lý sai phạm.

Đi vào giải quyết các sự vụ cụ thể, đối với dự án 76 Tôn Thất Thuyết, sau khi phát hiện ra nhiều bất cập, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đã ban hành quyết định thu hồi chủ trương thực hiện dự án, giao các sở ngành, đơn vị liên quan rà soát nguồn gốc, cơ sở pháp lý dự án và việc bố trí nhà cho 14 hộ dân đang còn cư ngụ, qua đó giúp thành phố giảm thiểu việc thất thoát ngân sách.

Tại dự án bất động sản do Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) thực hiện, ngày 5/1/2019, Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, giao Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, UBND TP Hồ Chí Minh kiểm tra phản ánh thông tin của báo chí và khiếu nại của người dân về sai phạm tại dự án bất động sản 33 Nguyễn Du, 34-36 Chu Mạnh Trinh, 42 Chu Mạnh Trinh, phường Bến Nghé, quận 1.

Trước đó ngày 19/7/2017, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao có văn bản số 2668/VKSNDTC-V5 đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra thông tin phản ánh sai phạm tại dự án bất động sản do Vinafood 2 thỏa thuận với Công ty Việt Hân, kịp thời trao đổi thông tin kiểm tra với Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an và Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao. Đối với những vụ việc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thanh tra có kiến nghị khởi tố thì chuyển ngay hồ sơ đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an để điều tra xác minh.

Với dự án khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi, quận 2, theo kết luận của Thanh tra TP Hồ Chí Minh, Công ty Cổ phần Tiếp vận Đông Sài Gòn (ESL) và Công ty Cổ phần bất động sản Hiệp Phát đã thanh lý thoả thuận số 07/2018/BBTL-ESL chấm dứt hợp tác đầu tư, Công ty ESL trả cho Công ty Cổ phần bất động sản Hiệp Phát gần 150 tỷ đồng.

Đến nay các cơ quan nhà nước vẫn chưa xác định tiền sử dụng đất mà chủ đầu tư phải nộp ngân sách nhà nước. Vụ việc này khiến dư luận hình dung tới vụ Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận bán rẻ 32 ha đất công cho Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai, sau đó hai bên đã huỷ hợp đồng chuyển nhượng. Hàng loạt cán bộ đã bị xử lý, kỷ luật sau đó.

Thanh tra TP Hồ Chí Minh khẳng định, có dấu hiệu sai phạm tại dự án khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi, tuy nhiên thời gian thanh tra đã kết thúc, Thanh tra Thành phố sẽ báo cáo đề xuất thành lập đoàn thanh tra để tiếp tục thanh tra, kiểm tra, kết luận đối với vụ việc này.

Liên quan đến sai phạm tại Công ty IPC, công ty mẹ của Công ty ESL, vừa qua UBND TP Hồ Chí Minh giao Chánh thanh tra Thành phố phối hợp với Công an Thành phố chuyển hồ sơ tài liệu sang Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an TP Hồ Chí Minh để điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định pháp luật.

Cùng với đó, UBND Thành phố giao Chánh Thanh tra Thành phố thành lập đoàn thanh tra để làm rõ và kết luận việc cổ phần hóa Công ty TNHH MTV Phát triển Công nghiệp Sài Gòn chuyển thành Công ty ESL; việc quản lý và sử dụng vốn, việc điều hành hoạt động sản xuất - kinh doanh của Công ty ESL từ khi thực hiện cổ phần hóa đến nay; việc thực hiện dự án khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi, dự án khu định cư An Phú Tây…

Trong khi đó, việc đòi lại mặt bằng Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP Hồ Chí Minh chưa có lối ra. Phía Học viện Hành chính Quốc gia và Bộ Nội vụ nhiều lần “hối” Công ty Cổ phần Duy Tân trả lại mặt bằng, đồng thời, nhờ cơ quan có chức năng tiến hành giám định đối với 2 bản hợp đồng số 01/HĐHT và 04/HVHCQG để có những bước xử lý tiếp theo.

Còn phía Công ty Cổ phần Duy Tân cho rằng, theo hợp đồng 04/HVHCQG, việc thuê khoán mặt bằng chấm dứt vào năm 2022. Nếu Học viện Hành chính Quốc gia lấy lại mặt bằng sẽ đơn phương vi phạm hợp đồng và sẽ được thụ lý bằng vụ kiện dân sự ra Toà án nhân dân Tp. Hồ Chí Minh.

Bàn về cơ chế quản lý đất công trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo khẩn trương rà soát về nghĩa vụ tài chính nộp ngân sách nhà nước của doanh nghiệp, nếu chưa đúng quy định có thể làm thất thoát tài sản công, đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho thẩm định lại giá đất cụ thể, phù hợp giá thị trường, theo các phương pháp xác định giá đất của Luật Đất đai.

Qua đó, doanh nghiệp có nghĩa vụ nộp bổ sung vào ngân sách nhà nước, để được tiếp tục triển khai dự án cũng như để đảm bảo quyền lợi của người mua nhà, đồng thời, cần có cơ chế kiểm soát hoạt động đấu thầu dự án có sử dụng đất, hoạt động đấu giá đất, để tránh tình trạng “quân xanh quân đỏ”, làm sai lệch kết quả đấu thầu, đấu giá và phát sinh tiêu cực.

Đáng chú ý, vừa qua UBND TP Hồ Chí Minh ban hành chương trình thực hành tiết kiệm chống lãng phí với nhiều nội dung quan trọng. UBND thành phố giao Thanh tra Thành phố tổ chức kiểm tra, thanh tra theo chủ trương của Trung ương và của thành phố nhằm đảm bảo thực hiện đúng các chế độ quy định và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tập trung vào lĩnh vực đất đai, đầu tư công, sử dụng nhà công vụ, cho thuê, liên doanh, liên kết cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, không để xảy ra tiêu cực, thất thoát vốn, tài sản nhà nước.

Đối với việc quản lý, sử dụng tài sản công, thành phố sẽ thu hồi 100% nhà công vụ sử dụng không đúng mục đích, không đúng đối tượng; sắp xếp lại, xử lý tài sản công; quyết liệt thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng; kiên quyết chấm dứt, thu hồi tài sản công sử dụng vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết không đúng quy định.

Thành phố cũng sẽ tập trung hoàn thành mục tiêu cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước theo đúng lộ trình và quy định của pháp luật, bảo đảm các nguyên tắc và cơ chế thị trường, minh bạch, công khai thông tin; thực hiện xác định giá đất cụ thể phù hợp với quy định của Luật Đất đai để xác định đúng giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa, tính đúng, tính đủ tiền thuê đất của doanh nghiệp, tránh thất thu cho ngân sách nhà nước.

Đồng thời, Thành phố cũng kiên quyết xử lý các doanh nghiệp vi phạm pháp luật, làm thất thoát, lãng phí vốn, tài sản nhà nước, các dự án đầu tư chậm tiến độ, kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài.

Bài và ảnh: Trần Xuân Tình (TTXVN)
Nan giải quản lý đất công tại TP Hồ Chí Minh - Bài 3: Hợp tác, cho thuê đất công tùy tiện
Nan giải quản lý đất công tại TP Hồ Chí Minh - Bài 3: Hợp tác, cho thuê đất công tùy tiện

Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP Hồ Chí Minh thuộc Học viện Hành chính Quốc gia có trụ sở tại số 10 đường 3/2, quận 10, có diện tích khuôn viên đất 39.607 m2. Tuy nhiên, trong một thời gian dài, nhiều diện tích đất ở đây đã được cho thuê, hợp tác kinh doanh không đúng theo quy định, gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN