Ngày 9/11/2001, ông Nguyễn Ngọc Hiến, lúc đó là Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia ký hợp đồng hợp tác đầu tư xây dựng, khai thác và chuyển giao (BOT) số 01/HĐHT với Công ty Cổ phần Duy Tân (Công ty Duy Tân). Theo đó 2 bên hợp tác, liên kết đầu tư xây dựng khai thác và chuyển giao trung tâm thương mại dịch vụ Duy Tân trên diện tích xây dựng khoảng 950 m2 của Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP Hồ Chí Minh. Thời hạn hợp đồng là 10 năm, Công ty Duy Tân trả tiền khai thác cho Học viện 30 triệu đồng/tháng. Hợp đồng này cũng thể hiện, Công ty Duy Tân được quyền liên kết, hợp tác với các pháp nhân và thể nhân khác để cùng khai thác trung tâm thương mại dịch vụ.
Về việc cho thuê quyền sử dụng diện tích đất nói trên, Thanh tra Bộ Tài chính khẳng định là không đúng quy định của Chính phủ, Bộ Tài chính. Từ những năm 1990, Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP Hồ Chí Minh đã sử dụng diện tích đất trong khuôn viên của Phân viện cho các hộ kinh doanh thuê mặt bằng, xây dựng nhà, sân tennis để kinh doanh.
Trước ngày 21/12/2000, có 14 hợp đồng cho thuê. Đến năm 2002, Học viện đã thanh lý được 11 hợp đồng. Đến ngày 12/2/2002, thời điểm Thanh tra Bộ Tài chính tiến hành thanh tra vẫn còn hợp đồng của công ty và cá nhân cho thuê mặt bằng từ 8 - 10 năm với diện tích 4.583 m2. Cụ thể là Công ty TNHH Xây dựng dịch vụ thương mại Thế Anh trả cho Học viện 26 triệu đồng/tháng để xây dựng sân tennis, Công ty TNHH Tư vấn đầu tư xây dựng Thanh Bình sử dụng 1.550 m2 đất để xây dựng nhà sách tin học văn phòng, tiền thuê 60 triệu đồng/năm. Cá nhân ông Nguyễn Văn Nam sử dụng 470 m2 đất để cho thuê đồ cưới, bán quần áo với giá thuê 18,33 triệu đồng/m2…
Thực hiện Quyết định 09/2007/QĐ-TTg ngày 19/1/2007 của Thủ tướng Chính phủ về sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước, Bộ Tài chính và Tổ công tác của Ban chỉ đạo 09 Tp. Hồ Chí Minh yêu cầu Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia TP Hồ Chí Minh thu hồi diện tích cho thuê, đảm bảo sử dụng đất đúng mục đích theo quy định của pháp luật.
Kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước năm 2007 cho thấy, Học viện sử dụng 950 m2 của Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP Hồ Chí Minh để liên kết xây dựng Trung tâm Thương mại dịch vụ Duy Tân là trái quy định, phía Công ty Duy Tân không nộp tiền thuê khoán số tiền 1,23 tỷ đồng từ tháng 3/2004 đến 6/2007. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, gần 1.000 m2 đất thuộc tài sản Nhà nước đã được thuê khoán với giá… 0 đồng.
Chưa kể việc đòi lại 950 m2 kể trên không hề dễ dàng vì Công ty Duy Tân đưa ra hợp đồng hợp tác đầu tư xây dựng số 04/HVHCQG với Học viện được lập năm 2002. Theo hợp đồng này, hai bên cùng nhau đầu tư xây dựng trung tâm thương mại dịch vụ Duy Tân (Duy Tân Plaza) tại khu đất 950 m2 trong khuôn viên Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia, thời gian hợp tác kinh doanh là 20 năm (đến hết năm 2022). Phía Công ty Duy Tân trả cho Học viện 30 triệu đồng/tháng và chưa hết thời gian hợp tác nên Công ty Duy Tân không trả lại đất.
Tuy nhiên, Học viện và Bộ Nội vụ (cơ quan chủ quản của Học viện Hành chính Quốc gia) đều không có bản gốc Hợp đồng 04/HVHCQG nói trên. Vì thế, hiện nay Học viện và Bộ Nội vụ đang nhờ Bộ Công an giám định đối với 2 bản hợp đồng số 01/HĐHT và 04/HVHCQG để có những bước xử lý tiếp theo trong việc đòi lại mặt bằng. Cho đến nay, việc thu hồi đất cho thuê sai quy định tại Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP Hồ Chí Minh vẫn chưa có hồi kết trong khi tài sản Nhà nước đã thất thoát vì sự buông lỏng quản lý.
Trong cùng diễn biến, đại diện Công ty Duy Tân cho hay, Học viện Hành chính Quốc gia đã ký với công ty tới 3 bản hợp đồng BOT. Cụ thể là hợp đồng số 17/HĐĐT ngày 30/3/2001 góp 1.550 m2, thời hạn 8 năm; hợp đồng số 01/HĐHT ngày 9/11/2001 góp 950 m2, thời hạn 10 năm; hợp đồng 04/HVHCQG ngày 27/8/2002 góp 980 m2, thời hạn 22 năm. Phía Công ty Duy Tân đã giải toả đất bị các hộ dân lấn chiếm đất Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP Hồ Chí Minh để tiến hành xây dựng.
Quá trình thực hiện từ 2001 - 2012, Công ty đã nộp số tiền khoán thu BOT hàng năm theo hợp đồng. Nhưng đến năm 2012, Học viện Hành chính Quốc gia từ chối tiếp nhận số tiền này với lý do đã hết thời hạn hợp đồng số 01/HĐHT mà không thừa nhận tồn tại hợp đồng 04/HVHCQG. Hàng năm, Công ty Duy Tân đều chuyển số tiền khoán mà Học viện Hành chính Quốc gia không thu vào tài khoản gồm cả tiền lãi.
Theo hồ sơ mà phóng viên có được, ngoài hợp đồng số 01/HĐHT còn có hợp đồng số 17/HĐĐT, hợp đồng 04/HVHCQG, đều thể hiện con dấu của Học viện Hành chính Quốc gia và chữ ký của ông Nguyễn Ngọc Hiến. Trong đó, hợp đồng 04/HVHCQG có dấu chứng thực bản sao y chính của Phòng tư pháp Quận 3, TP Hồ Chí Minh. Đáng chú ý là hợp đồng này thể hiện việc Công ty Duy Tân được thuê khoán mặt bằng đến năm 2022.
Dù đang chờ cơ quan chức năng giám định các hợp đồng nhưng rõ ràng việc Học viện Hành chính Quốc gia cho các doanh nghiệp, cá nhân thuê khoán mặt bằng là sai với quy định, chưa kể chuyện không thu được số tiền cho ngân sách, thể hiện sự buông lỏng quản lý, cần làm rõ trách nhiệm của các cá nhân có liên quan.
Bài 4: Kiên quyết đấu giá đất công và xử lý sai phạm