Theo Bộ Xây dựng, từ đầu năm 2020, đại dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng và trực tiếp tới nhiều ngành, lĩnh vực như: sản xuất, kinh doanh, giáo dục, y tế, du lịch... Tại Việt Nam, tuy Chính phủ và các địa phương đã kiểm soát tốt dịch bệnh nhưng nhiều ngành, lĩnh vực; trong đó, có hoạt động đầu tư kinh doanh bất động sản đã và đang chịu ảnh hưởng nặng nề.
Bộ Xây dựng đánh giá, về tổng thể, dịch bệnh đã tác động tiêu cực tới nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tuy nhiên, đến nay, thị trường bất động sản chưa bị ảnh hưởng nghiêm trọng, toàn diện mà chỉ mới có sự ảnh hưởng, tác động tới một số phân khúc và yếu tố của thị trường.
Đáng chú ý, trong quý đầu của năm 2020, có một số chính sách pháp luật mới ban hành có tác động đến thị trường bất động sản. Điển hình là Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19; trong đó, giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành, địa phương đưa ra các giải pháp hỗ trợ cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, bao gồm cả lĩnh vực bất động sản.
Cùng đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 8/4/2020 về gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất; trong đó, có quy định đối tượng áp dụng là doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hoạt động kinh doanh kinh doanh bất động sản.
Tại Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ về việc giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành khẩn trương thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội nêu tại Chỉ thị số 11/CT-TTg có nêu một số nhiệm vụ liên quan tới lĩnh vực thị trường bất động sản.
Trong số đó, Bộ Xây dựng được giao nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung một số nội dung bất cập tại Nghị định số 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội để trình Chính phủ xem xét, ban hành theo trình tự thủ tục rút gọn; đề xuất đổi mới phương thức, cơ chế chính sách để giải quyết căn bản nhà ở cho các đối tượng thu nhập thấp; phối hợp với các địa phương, đặc biệt là thành phố Hà Nội và TP Hồ Chí Minh tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu của người thu nhập thất, nhất là công nhân.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cân đối thêm 1.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội theo Nghị quyết số 71/2018/QH14 về điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và bổ sung 2.000 tỷ đồng để cấp bù lãi suất cho 4 ngân hàng thương mại do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ định để thực hiện hỗ trợ cho vay nhà ở xã hội. Đây là một nguồn vốn được mong đợi nhằm tạo “cú hích” mới cho phân khúc nhà ở xã hội.
Thống kê cho thấy, hiện cả nước có 56 dự án phát triển nhà ở với 20.536 căn hộ được cấp phép; 997 dự án với 233.313 căn hộ đang triển khai xây dựng; 55 dự án với 18.061 căn hộ hoàn thành.
Sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng có 5 dự án với 4.512 căn hộ du lịch và 476 biệt thự du lịch được cấp phép; 48 dự án với 18.549 căn hộ du lịch và 3.359 biệt thự du lịch đang triển khai xây dựng.
Qua tổng hợp cho thấy, một số doanh nghiệp bất động sản vẫn đang tiếp tục triển khai hoạt động sản xuất kinh doanh, hoàn thành các dự án đang dở dang và triển khai các dự án được cấp phép mới. Tuy nhiên, tiến độ và khối lượng công việc thực hiện bị ảnh hưởng lớn do thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, giãn cách xã hội.
Lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền chuyển nhượng tại Hà Nội có 1.167 giao dịch thành công (bằng 38% quý IV/2019), tại TP Hồ Chí Minh có 2.816 giao dịch thành công (bằng 55% quý IV/2019).
Như vậy, lượng sản phẩm giao dịch thành công trong quý I chỉ đạt khoảng 14% so với tổng lượng sản phẩm hiện có trên thị trường, thấp nhất trong vòng 4 năm qua và chỉ bằng khoảng 40% so với cùng kỳ năm 2019. Tính đến thời điểm tháng 4/2020, các bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng đều ngừng hoạt động, các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng hầu như không có nguồn thu.
Nguồn cung nhà ở quý I có nhiều hạn chế với xu hướng giảm. Riêng tại Hà Nội, số lượng nhà ở chung cư hình thành trong tương lai đủ điều kiện bán tăng cao so với kỳ trước và cùng kỳ 2019 là do có lượng lớn sản phẩm từ các đại dự án của Vinhomes được công bố đủ điều kiện bán. Tuy nhiên, trong dài hạn thì nguồn cung về nhà ở có xu hướng suy giảm.
Biến động chỉ số giá nhà ở và một số loại bất động sản tại một số đô thị lớn cho thấy, giá bán nhà ở trên thị trường không có xu hướng giảm mà vẫn tăng so với cuối năm 2019.
Tại Hà Nội, giá căn hộ chung cư tăng khoảng 1,02% so với cùng kỳ năm trước và TP Hồ Chí Minh tăng khoảng 3,5%. Đáng chú ý, giá bất động sản công nghiệp vẫn tăng trung bình 6,2%, giá bất động sản du lịch vẫn không thay đổi so với năm 2019…
Cùng đó, giá văn phòng cho thuê trong những tháng đầu năm chưa ghi nhận có điều chỉnh giảm nhiều. Đối với thị trường mặt bằng bán lẻ, do ảnh hưởng dịch bệnh, khó khăn trong kinh doanh nên nhiều diện tích bị trả lại hoặc các bên có sự đàm phán, điều chỉnh giảm khoảng 10-30% so với giá thuê trước đây.
Trên cơ sở đánh giá các yếu tố vĩ mô cũng như các chỉ số cụ thể của thị trường. Bộ Xây dựng khẳng định, hiện thị trường bất động sản chưa có biểu hiện của khủng hoảng trầm lắng, “đóng băng” hay phát triển nóng.