Mặc dù đang ảnh hưởng rõ nét từ dịch COVID-19, nhưng theo đánh giá của hầu hết các chuyên gia trong ngành, BĐS nghỉ dưỡng vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn trong dài hạn. So sánh của Vietnam Capital Partners cho thấy, giá BĐS nghỉ dưỡng như căn hộ hướng biển hay villa hướng biển ở Phuket hay Bali cao gấp hàng chục lần so với những nơi như ở Đà Nẵng, Phú Quốc hay Nha Trang ở Việt Nam. Đây là những yếu tố giúp BĐS nghỉ dưỡng Việt Nam sẽ bước vào chu kỳ tăng trưởng mới, được dự báo sẽ bùng nổ trong 5 năm tới.
Nhiều chủ đầu tư BĐS nghỉ dưỡng đang tạo sự khác biệt rõ nét trên thị trường. Chẳng hạn như Sun Group tiếp tục chọn thế mạnh là cáp treo làm điểm nhấn dự án. Chủ đầu tư này đang triển khai hàng loạt dự án tại Quảng Ninh, Đà Nẵng, Phú Quốc.
Theo một số chuyên gia, một xu hướng nổi bật khác là sự quan tâm của các chủ đầu tư với loại hình khu nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe (wellness resort). Đây là một loại hình mới và còn rất nhiều tiềm năng phát triển tại Việt Nam
Mới đây, Công ty địa ốc Phú Long cùng chủ đầu tư Sài Gòn Sovico Phú Quốc giới thiệu L'Alyana Senses World quy mô 219 ha trên bãi biển Ông Lang. Điểm nhấn của dự án này chính là du lịch chăm sóc sức khoẻ, đón đầu xu hướng wellness tourism đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới.
Cụ thể, chủ đầu tư (CĐT) này sẽ xây dựng trung tâm kiểm tra, quản lý sức khỏe và dưỡng sinh đỉnh cao theo công nghệ 4.0 có thể đưa ra hàng trăm chỉ số trong cơ thể chỉ trong vòng 4 giờ. Du khách sẽ được các chuyên gia tư vấn về chế độ chăm sóc sức khoẻ, ăn uống thực dưỡng dịch vụ thẩm mỹ kết hợp với liệu trình chăm sóc sắc đẹp toàn diện để sống vui, sống khoẻ, sống trẻ. Chủ đầu tư còn phát triển đất nông nghiệp để nuôi trồng gia súc, gia cầm và rau quả hữu cơ... cung cấp thực phẩm dưỡng sinh cho các nhà hàng để phục vụ du khách.
Bên cạnh đó, nhiều CĐT còn có xu hướng mở rộng mô hình khai thác, chẳng hạn như tích cực trong việc phát triển các sản phẩm BĐS du lịch mới. Nổi bật hơn hết là hình thức shophouse/shopvilla ven biển tại thị trường Phú Quốc và Hạ Long. Ngoài hình thức cho thuê bán lẻ, sản phẩm này còn có thể được sử dụng để làm khách sạn quy mô nhỏ (mini-hotel), nhờ đó đã thu hút nhiều đối tượng mua là những nhà đầu tư cá nhân đã có kinh nghiệm kinh doanh khách sạn/nhà hàng.
Ông Ngô Hoài Chung, Phó Tổng Cục trưởng, Tổng Cục Du lịch cho rằng, điểm nổi bật của du lịch Việt Nam giai đoạn sắp tới là sự vào cuộc mạnh mẽ của các nhà đầu tư tư nhân trong phát triển hạ tầng, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, phát triển sản phẩm, xúc tiến quảng bá du lịch. Theo đó, ngành du lịch rất cần thêm nhiều sản phẩm đẳng cấp, các điểm đến hấp dẫn, các khu du lịch có thương hiệu mạnh với quy mô, chất lượng và phương thức kinh doanh hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế. Đây cũng chính là đòn bẩy tăng trưởng du lịch trong cả nước và địa phương thời gian qua.
Thưc tế này cho thấy, CĐT của các dự án BĐS nghỉ dưỡng trong tương lai cần phải đầu tư những dự án chỉn chu và bài bản hơn, làm sao tạo được sự khác biệt của mình trong vô vàn các dự án mới. Thị trường du lịch cũng rất cần những dự án đi đúng hướng với sự linh hoạt trong sản phẩm, để đa dạng nhu cầu, có lợi thế cạnh tranh trong dài hạn, song song với sự phát triển chung của ngành Du lịch.
Nói về sự hồi phục của thị trường BĐS nghỉ dưỡng sau dịch COVID-19, đại diện Savills Việt Nam, cho rằng, thông thường, sau mỗi cuộc khủng hoảng, ngành Du lịch luôn có sự phục hồi mạnh mẽ và sự phục hồi này thường diễn ra trong khoảng 6 tháng. Đây là cơ sở để tin tưởng vào tương lai ngành BĐS nghỉ dưỡng, khi mà Việt Nam đã và đang làm rất tốt việc kiểm soát sự lây lan.