Mới đây, một số phụ huynh có con học tại Trường Trung học Cơ sở Kim Giang, quận Thanh Xuân, bức xúc khi con họ bị giáo viên chủ nhiệm "tư vấn" không nên thi vào các trường Trung học Phổ thông công lập. Giáo viên chủ nhiệm còn định hướng học sinh nên học tại một trường trung cấp, đồng thời gặp gỡ phụ huynh để tư vấn hướng nghiệp. Các phụ huynh này cho rằng, cuộc trò chuyện không phải là tư vấn, mà thực chất là “ép” con em họ phải từ bỏ ước mơ thi cấp ba. Điều này khiến các phụ huynh bức xúc vì cô chủ nhiệm không động viên, thắp lên hy vọng cho các con mà lại chọn cách tư vấn theo hướng “ép” rất phản giáo dục.
Về những thông tin phản ánh, Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở Kim Giang Phạm Thị Xuân Oanh cho biết, trong các cuộc họp, nhà trường đều quán triệt tinh thần giáo viên chủ nhiệm có nhiệm vụ tư vấn cho cha mẹ học sinh về lực học của con để lựa chọn trường chính xác.
Tại hội nghị hướng dẫn xét tốt nghiệp trung học cơ sở năm học 2022 - 2023 và tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông năm học 2023 - 2024 do nhà trường tổ chức, Ban Giám hiệu đã quán triệt quan điểm nghiêm cấm giáo viên ép học sinh không được đăng ký dự thi dưới bất kỳ hình thức nào. Dựa trên sự nắm bắt chính xác lực học của các học sinh, giáo viên cần tư vấn các em đăng ký nguyện vọng phù hợp với năng lực của mình. Bà Phạm Thị Xuân Oanh cũng cho biết thêm, có thể do cách tư vấn của giáo viên không tinh tế, khéo léo dẫn đến những hiểu lầm đáng tiếc.
Như vậy, bản chất của hiện tượng trên là “ép” hay “tư vấn” khi mà giáo viên và phụ huynh không tìm được tiếng nói chung?
Thực tế cho thấy, vài năm trước, việc một số trường ép buộc học sinh không thi vào lớp 10 công lập ở Hà Nội khiến phụ huynh học sinh bức xúc là có thật. Đã có phụ huynh vẫn mang sự ấm ức cho đến mãi sau này. Họ cho rằng, nếu ngày đó họ “cứng” hơn và kiên quyết giữ vững lập trường thì biết đâu tương lai của con họ đã khác. Tuy nhiên, cũng có những phụ huynh chủ động không đăng ký cho con thi công lập hoặc đăng ký cho con thi vào những trường công lập có điểm tuyển sinh thấp, phù hợp với học lực của con. Những phụ huynh này cho rằng, không phải cứ học công lập thì sau này con họ mới có tương lai và việc cố ôn tập theo kiểu “thời vụ” để đỗ bằng được vào một trường công lập sẽ khiến con họ chịu áp lực trong suốt những năm học sau đó.
Nhìn nhận một cách khách quan, việc tư vấn hướng nghiệp cho học sinh và phụ huynh học sinh là rất cần thiết. Quan điểm này được nhiều phụ huynh đồng tình, ủng hộ. Tuy nhiên, việc tư vấn hướng nghiệp cần phải được nhà trường và giáo viên triển khai sớm hơn để gia đình nắm bắt được tình hình thực tế của con, từ đó có những lựa chọn đúng và sớm, tránh tình trạng gấp rút “cố”. Với một học sinh có học lực trung bình hoặc yếu, kém trong nhiều năm trung học cơ sở thì việc cố thi vào một trường Trung học Phổ thông có điểm tuyển sinh nằm trong top 2 cũng đã quá sức. Cho dù có sự đồng hành tích cực của giáo viên và gia đình thì với một học sinh đã bị hổng kiến thức trong một thời gian dài hoặc khả năng tiếp thu hạn chế, việc gấp rút “cố” này sẽ là áp lực kinh hoàng đối với học sinh. Điều này dễ dẫn đến nhưng hệ lụy đau lòng.
Ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho rằng, ranh giới giữa việc tư vấn, định hướng với việc có dấu hiệu ép buộc học sinh không tham gia kỳ thi rất mong manh. Nếu giáo viên ứng xử không khéo léo có thể khiến phụ huynh học sinh hiểu nhầm, dẫn đến câu chuyện đáng tiếc. Tuy nhiên, cần xem xét ở từng tình huống cụ thể. Vài năm trước, tại một vài trường cũng có việc giáo viên định hướng học sinh có học lực thấp nên lựa chọn đăng ký nguyện vọng lớp 10 ở các loại hình trường phù hợp với năng lực học tập của các con. Được học ở môi trường phù hợp, học sinh bớt áp lực và dần lấy lại sự tự tin.
Đối với từng sự việc cụ thể, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã chỉ đạo các phòng giáo dục và đào tạo, các nhà trường xác minh, có hình thức xử lý với mục tiêu bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho học sinh. Từ năm học 2022 - 2023, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã yêu cầu trưởng phòng giáo dục đào tạo các quận, huyện, thị xã quán triệt, chỉ đạo bằng văn bản tới tất cả các trường trung học cơ sở trên địa bàn chấm dứt ngay việc vận động học sinh không tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 Trung học Phổ thông công lập (nếu có).
Trong khi đó, các nhà trường phải có trách nhiệm thông tin đầy đủ, chính xác tới tất cả học sinh về các quy định liên quan đến công tác tuyển sinh lớp 10 và định hướng phân luồng học sinh của thành phố Hà Nội để học sinh có lựa chọn phù hợp, không mang tính ép buộc, đồng thời bảo đảm quyền lợi đăng ký dự thi của tất cả học sinh.
Ông Phạm Xuân Tiến cũng cho biết, đối với các nhà trường, căn cứ vào năng lực học tập của học sinh, giáo viên chỉ cung cấp cho học sinh, phụ huynh học sinh về các loại hình trường mà các em có thể theo học ở lớp 10 và tư vấn cho các em nguyện vọng phù hợp với năng lực, còn quyền quyết định là của học sinh, gia đình học sinh. Các nhà trường phải bảo đảm quyền lợi tham gia kỳ thi tuyển sinh lớp 10 Trung học Phổ thông của học sinh khi các em đủ điều kiện và có nguyện vọng.
Để hoạt động tư vấn hướng nghiệp được hiểu đúng bản chất là việc không hề dễ dàng, đòi hỏi nỗ lực không chỉ của nhà trường, ngành Giáo dục và Đào tạo mà còn là trách nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương và toàn xã hội, trong đó không thể thiếu vai trò giáo dục của gia đình. Việc xác lập mục tiêu cho con cần được các bậc phụ huynh thực hiện dựa trên sự thấu hiểu về năng lực thực tế, điểm mạnh, điểm yếu của con mình. Bên cạnh đó, công tác tư vấn, hướng nghiệp rất cần sự nghiêm túc, đánh giá khách quan của đội ngũ giáo viên và nhà trường, trong đó phải đặt quyền lợi của học sinh lên trên hết.
Trong thực tế, học sinh nào cũng có những năng lực, thế mạnh riêng và có nhiều con đường để đi tới thành công. Trong môi trường phù hợp, cùng với sự hỗ trợ của nhà trường, của thầy cô và nhất là sự tin tưởng của gia đình, các học sinh sẽ phát huy được những mặt mạnh của mình và quan trọng hơn cả, các em sẽ luôn cảm thấy hạnh phúc khi được học tập theo đúng sở trường của mình.