Bí thư Thành ủy Hải Dương Lê Đình Long đánh giá cao Đề án bồi dưỡng ngoại ngữ của Trường Đại học Hà Nội đã về với thành phố Hải Dương và mong muốn thông qua tọa đàm, các thầy cô giáo sẽ chia sẻ những khó khăn vướng mắc trong quá trình giảng với các chuyên gia đầu ngành. Từ đó, các thầy cô có chương trình thiết thực để giúp nâng cao chất lượng đào tạo môn Tiếng Anh, trình độ tiếng Anh của học sinh Hải Dương, hướng đến mục tiêu học sinh sử dụng được tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai.
Theo Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Hải Dương, đến nay, đội ngũ giáo viên tiếng Anh của thành phố đã cơ bản đạt chuẩn theo Luật Giáo dục năm 2019, say sưa với nghề, có trình độ chuyên môn giỏi. Nhiều trường có phòng học tiếng Anh, được trang bị bảng thông minh, hiện đại. Gần đây, việc dạy tiếng Anh có yếu tố nước ngoài đã được thành phố triển khai sâu rộng, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng học tập của học sinh. Học sinh thành phố Hải Dương đã tham gia nhiều cuộc thi, giao lưu, sân chơi và giành nhiều kết quả cao. Tuy nhiên, việc dạy, học tiếng Anh tại thành phố Hải Dương vẫn còn khó khăn, học sinh thiếu môi trường giao tiếp, chưa mạnh dạn trong giao tiếp, học thụ động. Việc dạy học nặng về rèn ngữ pháp, chưa tạo hứng thú học tập cho học sinh và chưa có nhiều sáng tạo trong giảng dạy.
Tại tọa đàm, các thầy, cô giáo cũng chia sẻ nhiều khó khăn trong quá trình trực tiếp giảng dạy hiện nay. Đó là sỹ số lớp học đông, phòng học chật chội, gặp khó khăn về phương pháp tổ chức lớp học để tạo hứng thú cho học sinh trong giờ học tiếng Anh. Giáo viên mong muốn có nhiều cơ hội tham gia các khóa đào tạo bồi dưỡng để nâng cao trình độ giảng dạy.
Khách mời đến từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đại học Hà Nội chia sẻ những thay đổi quan trọng và lợi ích trong chương trình tiếng Anh mới; chính sách nâng cao năng lực của giáo viên tiếng Anh; kinh nghiệm và kiến thức cập nhật về phương pháp sư phạm, các mô hình thành công, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy tiếng Anh theo chương trình giáo dục phổ thông mới…
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Văn Trào, Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội và Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Tô Chung, Phó Trưởng ban, Ban Quản lý Đề án Ngoại ngữ Quốc gia (Bộ Giáo dục và Đào tạo), chương trình mới cho phép giáo viên linh hoạt và chủ động hơn trong giảng dạy. Tuy nhiên, giáo viên cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn. Đó là một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa; học sinh có năng lực không đồng đều; phải tiếp cận với phương pháp dạy học mới trong điều kiện thời gian hạn hẹp và số học sinh đông. Thêm vào đó, năng lực của học sinh ngày càng cao, đòi hỏi giáo viên phải chủ động tự bồi dưỡng để đáp ứng với chương trình giáo dục phổ thông mới.
Để dạy học tiếng Anh theo chương trình giáo dục phổ thông mới với mục tiêu tăng cường năng lực giao tiếp cho học sinh, theo các chuyên gia, cần tận dụng những hoạt động triển khai trên lớp gắn với các tình huống học sinh thường gặp trong cuộc sống; khích lệ học sinh thực hành; đa dạng dữ liệu đầu vào cho học sinh; tạo tâm lý thoải mái để các em tham gia vào hoạt động học tập trên lớp. Để nuôi dưỡng động lực học tập cho học sinh, các phương pháp giảng dạy phải thay đổi phù hợp với đặc điểm tâm lý lứa tuổi của học sinh, tính tương tác nhiều hơn... Cùng với đó, giáo viên cần sử dụng hiệu quả việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy.
Ông Axel Berthome, Giám đốc đào tạo Học viện Anh ngữ Enspire đã chia sẻ về xu hướng giảng dạy tiếng Anh trong lớp học theo phương pháp mới, ứng dụng 4 kỹ năng (giao tiếp, hợp tác, làm việc nhóm, tư duy phản biện và sáng tạo) vào việc dạy tiếng Anh trong lớp học cho học sinh.