Thiếu giáo viên
Một trong những vấn đề được chú ý tại Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022, triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023, diễn ra sáng 12/8, là việc thiếu giáo viên.
Bà Nguyễn Thị Nhật Hằng, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bình Dương cho biết, cấp học mầm non và tiểu học trên địa bàn vẫn còn thiếu nhiều giáo viên so với quy định. Thời gian gần đây, giáo viên trên địa bàn tỉnh Bình Dương nghỉ việc nhiều.
Theo thống kế từ tháng 1 đến 4/2022, toàn ngành có 527 giáo viên nghỉ việc. Một trong những nguyên nhân là lương giáo viên chưa đảm bảo cho cuộc sống. Tình trạng thiếu giáo viên là một trở ngại rất lớn trong việc nâng cao chất lượng chương trình.Nhiều đơn vị có số học sinh trên lớp cao, nhiều trường phải giảm lớp học 2 buổi/ngày do thiếu phòng học, nhiều trường phải thực hiện dạy 1 buổi/ngày. Bà Nguyễn Thị Nhật Hằng cũng đưa ra thống kê, năm học 2022 - 2023, số giáo viên trên địa bàn tỉnh Bình Dương thiếu trên 3.000 giáo viên. Để giải quyết một phần, ngành giáo dục tham mưu thực hiện công tác tuyển dụng theo phân cấp quản lý.
Đội ngũ đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên của Thanh Hoá cũng trong tình trạng thiếu nhiều. Năm học 2021-2022, tỉnh Thanh Hóa còn thiếu 8.968 giáo viên. Đến năm học 2022-2023, Thanh Hóa sẽ thiếu 10.276 giáo viên các cấp học (tỷ lệ thiếu 19%) theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Do đó, đại diện tỉnh Thanh Hóa đề nghị Bộ Nội vụ, Bộ GD&ĐT phối hợp với các ngành liên quan, giao đủ biên chế cho các cơ sở giáo dục, nhất là khi số lượng học sinh tăng, số lớp tăng. Đồng thời, kiến nghị với Chính phủ, các Bộ, ngành xem xét việc thực hiện giảm biên chế (mỗi năm 2%) là không phù hợp với thực trạng biên chế sự nghiệp của tỉnh Thanh Hoá, đặc biệt là với ngành giáo dục.
Đại diện địa phương này cũng đề nghị Chính phủ nghiên cứu chính sách cho giáo viên và học sinh miền núi, khu vực đặc biệt khó khăn đã không còn được hưởng chính sách sau khi có Quyết định 861/QĐ-TTg.
Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội kiến nghị với Chính phủ về việc xem xét, cho phép quy định số lượng cấp phó theo quy mô và loại hình của cơ sở giáo dục, cho phép kí hợp đồng lao động với nhân viên làm công tác chuyên môn. Đồng thời kiến nghị với Bộ GD&ĐT về việc xây trường chuẩn quốc gia, tháo gỡ những khó khăn của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên cấp huyện.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh cho biết: “Hiện nay vẫn chưa có định biên và chế độ, chính sách phù hợp, thu hút đối với giáo viên Ngoại ngữ, Tin học, nhân viên y tế trường học, văn thư, thủ quỹ và kế toán, giáo viên dạy các môn m nhạc, Mỹ thuật - dẫn tới chưa đủ để đáp ứng nhu cầu của thành phố. Lực lượng này có vai trò đặc biệt quan trọng trong nhà trường và trong việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và đáp ứng yêu cầu phát triển của giáo dục TP Hồ Chí Minh".
Đại diện tỉnh Hà Tĩnh cũng kiến nghị Bộ GD&ĐT cần sửa đổi định mức giáo viên viên tiểu học được quy định tại Thông tư 16/2017/TT-BGDĐT để đảm bảo thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Theo đó, Bộ GD&ĐT nên sửa quy định tối đa 1,5 giáo viên trên một lớp thành tối thiểu 1,5 giáo viên trên một lớp. Lý do được ngành giáo dục và đào tạo Hà Tĩnh đưa ra là hiện nay để tổ chức được hết các hoạt động dạy học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thì cần phải bố trí 1,56 giáo viên trên một lớp. Ngoài ra, đại diện tỉnh Hà Tĩnh bày tỏ mong muốn sớm có phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT cho học sinh thực hiện Chương trình mới bắt đầu từ năm học 2024 - 2025 để các em có định hướng trong việc lựa chọn các môn học; sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể về dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường; ban hành Thông tư quy định về tiêu chuẩn thư viện trường phổ thông;...
Năm học nhiều thách thức đặt ra
Chia sẻ với những vướng mắc của địa phương, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết: “Việc tuyển dụng biên chế giáo viên cũng đã được lãnh đạo Đảng, Chính phủ rất quan tâm. Ngành Giáo dục không có thẩm quyền quyết định về biên chế giáo viên, lương giáo viên mà là liên quan tới nhiều bộ ngành khác. Nhân dân yêu cầu về giáo dục rất cao. Giáo dục cần gắn với điều kiện phát triển kinh tế của đất nước. Giáo dục là lĩnh vực luôn luôn được xã hội quan tâm. Đây vừa là điều may mắn nhưng cũng là áp lực không nhỏ với ngành Giáo dục".
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nêu: “Năm học 2022 - 2023, ngành Giáo dục sẽ tiếp tục tập trung thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021; tiếp tục triển khai thực Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo và các Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; với mục tiêu đẩy nhanh thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, trong đó trọng tâm là tổ chức triển khai hiệu quả Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước”.
Để thực hiện thành công mục tiêu này, Bộ GD&ĐT xác định việc hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách là khâu đột phá, là việc ưu tiên trước hết, trong đó triển khai rà soát các quy định theo hướng đẩy mạnh phân cấp, tháo gỡ khó khăn vướng mắc chồng chéo, ban hành thêm cơ chế chính sách nhằm mở đường, tạo điều kiện cho tự chủ và đổi mới sáng tạo. Coi củng cố và phát triển đội ngũ giáo viên, đặc biệt giáo viên mầm non, phổ thông và lực lượng khoa học của các trường đại học yếu tố mang tính quyết định. Lấy việc hiện đại hóa hạ tầng giáo dục, chuyển đổi số, tăng cường tự chủ trong giáo dục, tăng cường dân chủ trong môi trường học đường, tăng cường yếu tố văn hóa trong môi trường học đường và thu hút các nguồn lực cho giáo dục là những giải pháp cần đẩy mạnh trong thời gian sắp tới.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định: “Trong 12 tháng của một năm triển khai kế hoạch nhiệm vụ mới sẽ là một năm nhiệm vụ và công việc của ngành hết sức nặng nề. Đặc biệt với giáo dục phổ thông, trong 12 tháng tới các cơ sở giáo dục sẽ phải triển khai nội dung chương trình và sách giáo khoa mới cho các lớp, lớp 3, lớp 7, lớp 10 và cũng trong 12 tháng tới tiến hành thẩm định, in ấn, xuất bản cho các lớp 4, 8, 11 và tổ chức triển khai biên soạn cho các lớp 5, 9, 12. Tất cả những nhiệm vụ lớn đó đều sẽ diễn ra trong 12 tháng tới.
Do đó, Bộ trưởng mong lãnh đạo các Bộ, ngành, lãnh đạo địa phương phối hợp tốt cùng ngành đẩy nhanh tiến độ và chuẩn thời gian cho các việc như lựa chọn sách giáo khoa, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện đảm bảo chất lượng, sử dụng thật tốt các chỉ tiêu biên chế mà ngành vừa có để bổ sung nguồn giáo viên.