Tết Đầu lúa là dịp để đồng bào thể hiện sự tôn vinh và niềm tin đối với cây lúa mẹ trên rẫy, cầu cho cây lúa sinh trưởng tốt, không bị sâu bệnh để đơm bông trổ hạt, đem lại ấm no cho dân làng.
Năm nay, xã Phan Sơn đăng cai tổ chức hoạt động vui Tết Đầu lúa và Ngày hội văn hóa thể thao các xã vùng cao cùng với sự tham gia của đông đảo bà con 3 xã Phan Lâm, Phan Sơn và Phan Điền. Từ sáng sớm, các đoàn đã cùng nhau tụ họp về xã Phan Sơn để dựng trại, dựng cây niêu và tổ chức nấu nướng, ăn uống vui Tết truyền thống của dân tộc.
Mở đầu Tết là phần lễ với nghi thức thu hoạch lúa mẹ trên nương và giã lúa mừng lúa mẹ về cúng Giàng. Sau đó là nghi thức già làng lạy tạ Giàng, thần linh đã giúp dân làng làm ăn phát đạt, cầu mưa thuận gió hòa… Tiếp nối là những điệu múa, bài ca hòa trong tiếng trống, tiếng chiêng nhộn nhịp mừng lúa mới đã về trên buôn làng. Sau các nghi thức lễ, phần hội diễn ra sôi nổi với nhiều hoạt động giao lưu văn hóa thể thao như: Thi đi cà kheo, bắn nỏ, gùi nước về làng, nấu cơm ống tre, thi dựng cây nêu, biểu diễn trang phục dân tộc…
Tết Đầu lúa hay còn gọi là Tết Nhôbrêhê, Lễ ăn lúa mới… của đồng bào Raglai, K’ho, được tổ chức vào rằm tháng Chạp hằng năm, sau khi bà con đã thu hoạch xong lúa. Tết Đầu lúa là dịp bà con nhớ ơn tổ tiên, biết ơn mẹ lúa. Là dịp giáo dục cho con cháu truyền thống văn hóa đặc trưng của dân tộc, thể hiện tình gắn bó keo sơn giữa các đồng bào anh em.
Trước đây người K’ho, Raglai ở Bình Thuận thường đón Tết trong từng gia đình, giờ được quan tâm của Nhà nước nên bà con đã có ngày Tết chung của dân tộc mình, đó là Ngày hội văn hóa thể thao các xã vùng cao được luân phiên tổ chức xoay vòng giữa 4 xã. Ngày nay, Tết Đầu lúa của bà con miền núi vùng cao tỉnh Bình Thuận không còn là hội làng của riêng đồng bào K’ho, Raglai nữa mà là ngày hội lớn thu hút mọi lứa tuổi của các dân tộc anh em đến cùng chung vui, thu hút sự tham gia của đông đảo người dân, du khách đến tìm hiểu, nghiên cứu nét văn hóa đặc trưng.
Dịp này, đại diện lãnh đạo tỉnh Bình Thuận còn đến thăm và chúc đồng bào đón Tết Đầu lúa vui tươi, đầm ấm, tiết kiệm. Đồng thời, mong muốn bà con phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc, ổn định đời sống phát triển sản xuất, hỗ trợ nhau xóa đói giảm nghèo, xây dựng quê hương ngày càng phát triển.