Có thể sánh ngang với món phở ở Hà thành, món cơm tấm rất dễ tìm và phổ biến ở mảnh đất phương Nam nhiều nắng gió. Người Sài thành ăn cơm tấm 4 mùa, tất cả mọi khung giờ và vì thế, món ăn nghe tên có vẻ rất giản dị, bình dân kia có mặt khắp hang cùng ngõ hẻm, cũng như ở những vị trí mặt tiền đắt địa.
Và vì thế ở TP Hồ Chí Minh, có rất nhiều quán cơm tấm ngon. Nhưng với rất nhiều người khó tính, chỉ có quán nhỏ nằm trên con đường một chiều hiu quạnh Nguyễn Phi Khanh (đoạn gần chợ Tân Định, quận 1) là có thể làm thoả mãn tất cả giác quan của "thượng đế".
Này nhé, cơm tấm ở đây nấu rất vừa ăn, tơi mềm nhưng không nát; nước mắm pha đúng vị lại làm duyên thêm ngó sen ngâm chua giòn; miếng sườn nướng vừa phải được tẩm ướp ít gia vị, cốt yếu làm sao giữ được vị thơm, ngọt tự nhiên của thịt...
Nhưng tất cả những đặc điểm trên vẫn chưa làm nổi bật được sự khác biệt của quán so với rất nhiều quán cơm tấm ngon khác. Điều mà quán này làm "điên đảo" các fan cơm tấm khó tính là ở những miếng chả cua "thần thánh" với nhân thịt bằm và cua được nướng vàng ươm mà không tìm đâu ra ở quán cơm tấm bất kỳ làm có thể ngon hơn; là ở nhúm hành phi thơm lừng rắc lên bề mặt đĩa cơm cứ ngỡ như lạc lõng nhưng khi kết hợp các thành phần lại với nhau tạo nên một tổng thể, bổ sung cho nhau ngon chất ngất.
Chính sự khác lạ của hành phi thơm lừng rắc lên bề mặt đĩa cơm, của những viên chả cua béo ngậy là nét quyến rủ "chết người" của quán cơm tấm ở đường Nguyễn Phi Khanh. Ảnh: CTV |
Quán bán từ sáng tinh mơ cho đến khoảng 13 giờ hơn. Vào những ngày cuối tuần, thật khó khăn tìm cho mình một chỗ ngồi vừa vặn. Có lẽ biết quán mình có "số má" nên người bán có vẻ rất nhẩn nha, không cần khách. Mặc kệ khách chờ đợi, hối thúc, nhốn nháo trước mặt tiền chật hẹp hoặc những chỗ ngồi hết sức khiêm nhường, cô chủ quán trạc tuổi trung niên từ tốn, không hề vội vàng, cẩn thận ghi chép order món ăn. Rồi cũng chậm rãi như thế lựa chọn order theo trình tự để khách không phật ý vì sao đến trước mà lại được phục vụ sau.
Có vẻ khiêm tốn hơn nhiều so với quán cơm tấm trên đường Nguyễn Phí Khanh, quán bún vịt được dân sành ăn Sài thành rỉ tai nhau như quán bún vịt ngon nhất nhì nằm sâu trong một con hẻm hun hút, đầy những ngóc ngách rất dễ làm những "tay mơ" lạc đường. Cũng không bảng hiệu, không quảng bá rầm rộ nhưng khách từ sang đến hèn không hẹn mà lũ là lũ lượt kéo nhau đến quán. Để rồi mặc kệ không khí ngột ngạt của người là người, của sự chật chội không tiện nghi... khách vẫn như "con cừu tơ ngoan hiền" đợi chờ ăn cho được món ăn mà mình yêu thích.
Có phần còn "chảnh choẹ" hơn, quán bún vịt Lê Văn Sỹ chỉ bán vỏn vẹn hơn tiếng đồng hồ, dao động trong khoảng thời gian từ 15 giờ 30-16 giờ 30. Rất nhiều buổi chiều khi chỉ mới 3 giờ 15 chiều, khách đã "đổ bộ" tới quán và ngồi vào bàn đợi sẵn ở ngoài sân nhà, hoặc lố nhố ở phòng khách hay chen chân ở trước cửa nhà hàng xóm.
Cháo vịt ở hẻm nhỏ trên đường Lê Văn Sỹ thu hút khách nhờ chất lượng món ăn không chê vào đâu được và cũng chính thời gian bán quá ngắn. Ảnh: CTV |
Như công chức nhà nước, đúng 15 giờ 30, quán bắt đầu phục vụ khách. Tương tự như chất lượng món ăn, điều ghi điểm hầu như tuyệt đối trong lòng thực khách là tinh thần phục vụ nhanh, chuyên nghiệp và rất biết chiều khách. Khi cây kim đồng hồ dần qua cột mốc 16 giờ 30, trên con đường hẻm nhỏ ngoằn nghoèo ra lại đường Lê Văn Sỹ, bạn sẽ rất cễ bắt gặp những gương mặt cau có, thất thểu vì quán đã từ chối nhận khách do quá tải hoặc quán đã hết sạch thức ăn.
Theo lời của nhiều người dân sống lâu đời trong hẻm, quán có tuổi đời gần 50 năm và lúc đầu chỉ phục vụ cho các khách muốn ăn dặm để chờ đợi cho buổi tối quây quần bên người thân. Lâu dần, do chất lượng món bún vịt tuyệt hảo, quán được đồn thổi, trở thành một địa chỉ ẩm thực nổi tiếng của người dân thành phố. Tuy nhiên, điều làm cho rất nhiều thực khách "đau lòng" là quy mô phục vụ đã nâng tầm, nhưng chủ quán vẫn rất "cố chấp" khi chỉ bán với khung giờ cố định và số lượng phục vụ hầu như không thay đổi.
Cũng là thịt vịt, nhưng thịt vịt ở quán là vịt ta mềm thơm, ngọt thanh, không nhiều mỡ, chấm với nước mắm gừng vừa ăn. Nước dùng ngọt đậm đà với vị vịt không lẫn vào đâu, lại được nêm nếm chắc tay không lạm dụng quá nhiều bột ngọt hay đường.
Ngoài thịt vịt, món lòng, huyết vịt cũng rất được lòng thực khách và thường "nhanh tay còn, chậm tay hết". Lòng được xử lý kỹ để không nghe mùi, luột chín mềm, cắt từng miếng to. Huyết được pha chế lại theo công thức riêng không tanh, thơm mùi gia vị và béo ngậy.