Mãi nhớ thương người pháo thủ xe tăng 846 Nguyễn Bá Tứ

Thế là anh Nguyễn Bá Tứ đã đi xa! Anh là người pháo thủ trên tháp pháo xe tăng 846 trong bức ảnh “Xe tăng quân giải phóng tiến vào dinh Độc Lập trưa 30/4/1975” (tác giả bức ảnh là Nhà báo Trần Mai Hưởng, nguyên phóng viên chiến trường, nguyên Tổng Giám đốc TTXVN-PV).

Chú thích ảnh
Anh Nguyễn Bá Tứ và vợ, chị Nguyễn Thị Mùi (4/2021).

Qua điện thoại, chị Nguyễn Thị Mùi, người bạn đời gắn bó, sẻ chia của anh nghẹn ngào báo tin. Anh Nguyễn Bá Tứ đã chống chọi nhiều năm qua với trọng bệnh đến giây phút cuối cùng!

Hình ảnh Nguyễn Bá Tứ trên tháp pháo hiên ngang khi xe tăng 846 đang qua cửa dinh Độc Lập từ lâu đã trở nên quen thuộc với mọi người. Cùng với Nguyễn Bá Tứ có mặt trên xe vào thời điểm ấy là Đại đội phó - Trưởng xe Nguyễn Quang Hoà, lái xe Trần Bình Yên, pháo thủ số 1 Nguyễn Ngọc Quý. Các anh ở trong đội hình của mũi đột kích thọc sâu - gồm Lữ đoàn thiết giáp 203 và Sư đoàn bộ binh 304 - của cánh quân phía đông, tiến vào dinh Độc Lập trưa 30/4/1975.

Chú thích ảnh
Pháo thủ Nguyễn Bá Tứ (thứ hai từ phải sang), lái xe Trần Bình Yên (thứ ba từ trái sang), chị Nguyễn Thu Lan - em gái liệt sĩ Thu Hồng (thứ hai từ phải sang) trong lễ ra mắt “Hồi ký Phóng viên chiến trường" của nhà báo Trần Mai Hưởng (12/2023).

Chúng tôi - những phóng viên trong tổ mũi nhọn của TTXVN hành quân cùng với các chiến sĩ và kịp ghi lại hình ảnh xe tăng 846 đang tiến qua cổng chính của dinh Độc Lập.

Chú thích ảnh
Pháo thủ Nguyễn Bá Tứ trên tháp pháo trong bức ảnh “Xe tăng Quân giải phóng tiến vào dinh Độc Lập trưa 30/4/1975 “ của nhà báo Trần Mai Hưởng (TTXVN).

Sau chiến tranh, cùng với các đồng nghiệp, tôi đã tìm gặp được trưởng xe Nguyễn Quang Hoà và các chiến sĩ xe tăng 846. Trong lần gặp đầu tiên, Nguyễn Bá Tứ cho biết: "Nhiều năm sau chiến tranh, vào dịp kỷ niệm 30 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, một lần tôi vào Sài Gòn, ghé thăm dinh Độc Lập. Tôi nhận thấy bức ảnh xe tăng đang qua cổng dinh phóng to treo tại đấy và nhận ngay xe 846 của chúng tôi và hình ảnh của chính mình trên tháp pháo… Tôi rất mừng và gọi điện báo cho anh Hòa và các anh trong xe biết!"

Những lần gặp sau, tôi hiểu thêm về cuộc sống của các anh. Anh Nguyễn Quang Hòa người La Khê, Hà Đông, trước khi lên đường nhập ngũ là sinh viên Đại học Lâm nghiệp. Sau chiến tranh, anh công tác ở Bộ Tư lệnh Binh chủng Tăng - Thiết giáp một thời gian, rồi ra quân. Anh về lo công việc đồng áng với vợ, nuôi dạy bốn cô con gái nay đều đã trưởng thành. Tháng 5/2020, trưởng xe Nguyễn Quang Hoà đã qua đời sau một cơn bạo bệnh! Các anh Trần Bình Yên, lái xe; Nguyễn Ngọc Quý, pháo thủ số 1, sau khi rời quân ngũ cũng trở về quê hương, gắn bó với ruộng đồng. Trần Bình Yên quê ở Hà Nam, anh Nguyễn Ngọc Quý ở ngoại thành Hải Phòng.

Chú thích ảnh
Trong chương trình giao lưu 4/2021 tại kênh truyền hình VOV. Pháo thủ Nguyễn Bá Tứ đứng ngoài cùng, bên phải.

Nguyễn Bá Tứ là lái xe khách ở Hà Nội. Chị Nguyễn Thị Mùi, vợ anh, làm nghề bán xôi để kiếm sống. Con gái đầu lòng của anh chị bị chất độc da cam. Bản thân anh Nguyễn Bá Tứ mất sức lao động nhiều năm, bị cắt thanh quản vì bệnh ung thư, nói không thành tiếng, phải kết hợp cả cử chỉ và chữ viết để diễn đạt mọi điều. Trong các cuộc gặp mặt, Nguyễn Bá Tứ để lại ấn tượng với vẻ ngoài rất hiền lành, thân thiện, ánh mắt sẻ chia, thấu hiểu. Anh thường ghi ra giấy những điều cần thiết một cách ngắn gọn, chính xác.

Không ít lần tôi và các đồng nghiệp đã gặp gỡ, đến thăm gia đình Nguyễn Bá Tứ và các chiến sĩ xe tăng 846. Trong cuộc mưu sinh khó khăn, họ vẫn giữ vững phẩm chất của người lính, lao động cần cù để sống và góp phần xây dựng quê hương. Chúng tôi đã trở thành bạn bè thân thiết , gắn bó, với nhiều thông cảm, sẻ chia.

Chú thích ảnh
Các phóng viên trong tổ phóng viên mũi nhọn của TTXVN gặp lại các chiến sĩ xe tăng 846.

Pháo thủ Nguyễn Bá Tứ đi xa sau nhiều năm tháng chống chọi với bệnh tật! Như bao đồng đội của mình, anh đã chiến đấu vì nền độc lập của Tổ quốc, làm trọn nghĩa vụ của mình với đất nước, quê hương, gia đình.

Xin vĩnh biệt pháo thủ Nguyễn Bá Tứ! Cầu mong anh ra đi thanh thản! Nhớ thương mãi còn lại!

Xin chia buồn sâu sắc với chị Nguyễn Thị Mùi, các cháu và toàn thể gia đình!

Trần Mai Hưởng
Tri ân các anh hùng 'Chiến thắng trở về'
Tri ân các anh hùng 'Chiến thắng trở về'

Sáng 29/11, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức gặp mặt kỷ niệm "70 năm - chiến thắng trở về" của các chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày thành phố Hà Nội (1954-2024).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN