Khoảng hơn 5 năm nay, người dân của 5 ấp thuộc xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã nhiều lần phản ánh lên các cấp chính quyền địa phương về tình trạng ô nhiễm nguồn nước dòng suối Đá, con suối chảy qua địa phận xã.
Theo phản ánh của người dân 5 ấp là Thèo Nèo, Láng Găng, Bình Tiến, Khu 1 và Bình An (xã Bình Châu), hàng chục năm qua, đa phần các hộ dân đều sống bằng nghề trồng rau, hoa màu và các loại cây ngắn ngày khác. Khu vực này có con suối Đá dài khoảng 4 km từ xã Bưng Riềng (huyện Xuyên Mộc) chảy ngang qua và chảy thẳng ra biển. Từ nhiều năm trước, nguồn nước sinh hoạt và tưới tiêu đều được người dân trong vùng lấy từ suối Đá. Tuy nhiên, khoảng từ 2015 đến nay, dòng suối này đã bị ô nhiễm nghiêm trọng, nước suối có màu trắng đục. Người dân lấy nước lên tưới hoa màu đều bị thối gốc.
Gia đình ông Nguyễn Ngọc Hiếu, ngụ ấp Bình Tiến, xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc có 2 sào đất trồng rau màu quanh năm và trồng hoa cúc vào dịp Tết. Thế nhưng hơn 5 năm nay, gia đình ông phải chuyển sang trồng cây tràm vì nguồn nước chính để tưới tiêu cho diện tích hoa màu này là từ suối Đá đã bị ô nhiễm trầm trọng. Cứ lấy nước lên tưới, cây thối gốc và hư hại hết hoặc sống nhưng cây phát triển èo uột, không cho năng suất, thu nhập.
Ông Hiếu cho biết, trước đây, con suối Đá ở khu vực này nước trong vắt, sạch sẽ. Người dân trong vùng sử dụng nguồn nước này để sản xuất và sinh hoạt. Khi đó, thu nhập từ việc trồng hoa màu của gia đình ông mỗi năm khoảng trên 100 triệu đồng. Suối Đá ô nhiễm, không thể sản xuất hoa màu được nữa, vợ ông phải đi làm thuê kiếm tiền trang trải qua ngày. Đoạn suối Đá chảy qua ấp Bình Tiến được chính quyền tiến hành nạo vét lòng suối, đầu tư xây dựng một con đập chắn ngang để tích nước dự trữ vào mùa khô, phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, đến nay, công trình đập trữ nước không thực hiện đúng công năng, gây lãng phí. “Rất mong chính quyền có những biện pháp để trả lại nguồn nước sạch cho dòng suối Đá để chúng tôi tiếp tục sử dụng nước vào sản xuất”, ông Hiếu bức xúc nói.
Ông Phạm Trung Thành, ấp Láng Găng, xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc cho biết, về đây sinh sống đã 30 năm, gia đình ông có 4 sào đất sát ngay bên suối Đá để trồng rau màu và trồng xoài. Khi suối Đá chưa bị ô nhiễm, đây là nguồn nước sinh hoạt và phục vụ sản xuất chính của gia đình ông. Khoảng 5 năm trở lại đây, gia đình ông không thể lấy nước từ suối này về tưới tiêu cũng như sinh hoạt bởi nguồn nước tưới từ suối lấy khiến hoa màu, cây trái trong vườn bị thối gốc, hư trái. Gia đình ông phải thuê khoan giếng sâu hơn 80m với chi phí 40 triệu đồng để thay thế nguồn nước từ suối Đá. “Tuy nhiên, gia đình tôi vẫn còn may mắn vì giếng khoan có nước, 4 - 5 hộ xung quanh khoan ở mực rất sâu nhưng đều phải bỏ dở vì không có nước. Tôi rất mong chính quyền sớm có biện pháp để bà con được nhờ”, ông Thành bày tỏ.
Sáng 25/6, có mặt tại suối Đá, phóng viên TTXVN ghi nhận nước suối có màu trắng đục, khi người dân lấy nước lên tưới cho hoa màu nước không thể thẩm thấu được xuống đất mà đọng lại thành vũng, những chỗ nước đã ngấm được xuống đất để lại một lớp màng trắng đục, sờ vào rất dẻo. Dọc theo con suối Đá, nhiều khu vực trồng rau màu của người dân phần nhiều bị bỏ hoang vì không thể lấy nước dưới suối lên tưới. Nhiều hộ cho biết, suối Đá ô nhiễm chuyển màu trắng đục là do việc bơm rửa cát rồi xả trực tiếp ra con suối của các doanh nghiệp khai thác vật liệu tại mỏ số 55 tại ấp 4, xã Bưng Riềng xã giáp ranh với xã Bình Châu.
Ông Đinh Xuân Dậu, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Châu cho biết, hơn 5 năm nay, người dân của 5 ấp trên địa bàn xã đã nhiều lần phản về tình trạng ô nhiễm tại suối Đá lên các cấp chính quyền địa phương nhưng tình trạng này vẫn chưa được giải quyết triệt để, gây bức xúc trong người dân. Hiện, toàn xã có khoảng 90 hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp từ việc ô nhiễm của suối Đá.
“Chính quyền xã cũng đã nhiều lần phối hợp với chính quyền xã Bưng Riềng đi khảo sát, kiểm tra tại khu vực mỏ 55, nơi người dân phản ánh là nguyên nhân chính gây đổi màu dòng nước của suối Đá. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ dừng ở mức ghi nhận hiện tượng và đã báo cáo lên trên, còn việc xử lý cấp xã không có thẩm quyền này", ông Dậu cho hay.
Từ phản ánh của người dân, qua quan sát thực tế, điểm mỏ 55 ở ấp 4, xã Bưng Riềng, huyện Xuyên Mộc nằm cách con suối Đá không xa, các hồ chứa nước sau khi thau rửa cát nằm sát ngay dòng suối Đá. Đáng chú ý, màu nước trắng đục tại các hồ chứa nước sau khi thau rửa cát của các doanh nghiệp khai thác cát tại đây và màu nước trắng đục của suối Đá giống hệt nhau. Các hồ chứa nước này nằm sát hoặc gần ngay bên suối Đá, việc xả nước thải trực tiếp ra con suối rất dễ dàng và cơ quan chức năng khó lòng kiểm soát, nhất là vào thời điểm mùa mưa. Được biết, điểm mỏ 55 hiện nay có 3 doanh nghiệp được cấp phép khai thác gồm: Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hạnh Dũng, Công ty Trách nhiệm hữu hạn xây dựng khai thác Bảo Châu và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dịch vụ xây dựng Đại Lộc, với tổng diện tích khai thác 34,99 ha.
Ông Nguyễn Quốc Nhật, chuyên viên Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Xuyên Mộc cho biết, tại điểm mỏ 55, thời điểm trước, qua phản ánh của người dân, các cơ quan chức năng của huyện đã tiến hành kiểm tra 3 doanh nghiệp đang khai thác cát tại đây. Cơ quan chức năng đã phát hiện bể chứa nước thau rửa cát của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hạnh Dũng có hiện tượng rò rỉ nước ra suối Đá. Hai doanh nghiệp còn lại đã kiểm tra nhưng chưa phát hiện việc rò rỉ nước từ hồ chứa ra suối Đá.
Ngày 25/6, Đoàn khảo sát của Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh) phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Xuyên Mộc, UBND xã Bưng Riềng đã tiến hành khảo sát thực tế tại điểm khai thác cát tại mỏ 55 của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hạnh Dũng để xem xét, tổ chức phiên họp Hội đồng thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trườngcủa công ty này (giấy phép khai thác của doanh nghiệp đã hết hạn từ tháng 1/2020 nên đang làm hồ sơ xin cấp lại), phát hiện tình trạng rò rỉ nước rửa cát từ ao chứa ra dòng suối Đá.
Trước đó, vào năm 2018, UBND huyện Xuyên Mộc đã lập đoàn khảo sát và có quyết định xử phạt hành chính 15 triệu đồng, bắt buộc khắc phục hậu quả vì công ty này đã để rò rỉ nước thải từ hoạt động rửa cát ra suối Đá, không thực hiện đúng với nội dung, kế hoạch bảo vệ môi trường. Ngày 10/6, sau khi ghi nhận tình hình ô nhiễm nguồn nước của dòng suối, đoàn tiếp tục kiểm tra, phát hiện các hồ chứa nước thải của công ty bị rò rỉ. Đoàn đã gửi thư mời làm việc đối với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hạnh Dũng, lập hồ sơ báo cáo tình hình lên cấp trên để có hướng giải quyết phù hợp.
“Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hạnh Dũng đang trong quá trình gia hạn giấy phép khai thác cát. UBND huyện Xuyên Mộc sẽ xem xét việc cắt bỏ toàn bộ khu vực phía Nam của con đường 56, trong đó có các hồ chứa nước thải bị rò rỉ để giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm nguồn nước suối Đá do công ty này gây ra; yêu cầu phía doanh nghiệp phải khắc phục cải tạo môi trường bắt buộc đối với các hồ chứa và khu vực xung quanh theo cam kết bảo vệ môi trường mà công ty này đã ký”, ông Nhật cho biết thêm.