Ông Lê Hoài Nam, Vụ trưởng Quản lý chất lượng môi trường (Tổng cục Môi trường) cho biết, vấn đề ô nhiễm không khí trong vài năm gần đây ngày càng trở nên bức xúc, gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người dân cũng như tình hình phát triển kinh tế xã hội, thu hút đầu tư. Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) (BVMT) sẽ bổ sung quy định xác lập và triển khai quản lý chất lượng không khí trong địa bàn, vùng lãnh thổ.
Luật BVMT sửa đổi cũng đã quy định, phân công rất rõ trách nhiệm thực hiện quản lý chất lượng không khí của Thủ tướng Chính phủ là ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí và chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện; chỉ đạo thực hiện các biện pháp khẩn cấp trong trường hợp chất lượng môi trường không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng trên phạm vi liên tỉnh, liên vùng.
Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì tổ chức thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tổ chức hướng dẫn thực hiện các hoạt động phòng ngừa, kiểm tra, giám sát, xử lý các nguồn bụi, khí thải gây ô nhiễm không khí, quản lý chất lượng môi trường không khí trong lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý.
Còn Chủ tịch UBND cấp tỉnh có trách nhiệm xây dựng và thực hiện kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí của địa phương và tổ chức triển khai thực hiện; chỉ đạo thực hiện các biện pháp khẩn cấp trong trường hợp chất lượng môi trường không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng trên địa bàn quản lý.
Theo đó, khi chất lượng không khí ở mức rất xấu hoặc nguy hại theo thang tính AQI, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành sẽ ban bố tình trạng khẩn cấp và ban hành biện pháp khẩn cấp để khắc phục ô nhiễm ở phạm vi cả nước và từng cấp địa phương.
"Tuỳ thuộc vào tình hình thực tế của từng địa phương và cả nước mà Chủ tịch UBND các tỉnh đó đưa ra quyết định. Và tầm quốc gia thì Thủ tướng sẽ đưa ra những biện pháp tương tự nếu phạm vi ra cả nước. Dự thảo Luật không quy định các biện pháp phải thực hiện khi ban bố tình trạng khẩn cấp. Phương án cụ thể sẽ do chủ tịch UBND các tỉnh, thành quy định theo thực tế", ông Lê Hoài Nam cho hay.
Ông Lê Hoài Nam cho biết thêm, việc quy định trách nhiệm thực hiện các biện pháp khẩn cấp trong trường hợp ô nhiễm không khí nghiêm trọng liên vùng, liên tỉnh là Thủ tướng Chính phủ và nội tỉnh là UBND cấp tỉnh là hoàn toàn hợp lý, bởi lẽ, trường hợp xảy ra trong nội tỉnh thì UBND đủ thẩm quyền để ra lệnh, điều động các nguồn lực (nhân lực, vật lực ....) tại chỗ của tỉnh để ứng phó, xử lý một cách nhanh chóng, kịp thời nhất. Riêng đối với trường hợp ô nhiễm không khí liên vùng, liên tỉnh thì phải có sự chỉ đạo đồng bộ từ Thủ tướng Chính phủ tới các Bộ, ngành, UBND các tỉnh chịu ảnh hưởng để huy động nguồn lực từ Trung ương, các địa phương ứng phó, xử lý.
Theo đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, các nước trên thế giới như Trung Quốc, Thái Lan sẽ áp dụng đồng thời có chọn lọc nhiều biện pháp khi xuất hiện tình trạng khẩn cấp về ô nhiễm không khí. Trong đó cơ quan chức năng yêu cầu các cơ sở công nghiệp xi măng, nhiệt điện tạm dừng sản xuất; hạn chế hoặc cấm các phương tiện giao thông trong phương tiện trong nội đô; rửa đường phun nước đối với các công trình xây dựng; điều chỉnh thời gian làm việc, đi học của người dân.
PGS.TS Nghiêm Trung Dũng, nguyên Viện trưởng Khoa học và Công nghệ Môi trường (Đại học Bách Khoa Hà Nội) đưa ra quan điểm, việc ban bố tình trạng khẩn cấp về ô nhiễm không khí là cần thiết, tuy nhiên không nên chỉ dựa vào chỉ số AQI. Để ban bố tình trạng khẩn cấp, cần xem mức độ ô nhiễm kéo dài bao lâu và phân tích cụ thể các chỉ số quan trắc. Chỉ số AQI mang tính tức thời, nhằm cảnh báo cho người dân để có biện pháp phòng trách khi đi ra ngoài.
Theo PGS.TS Nghiêm Trung Dũng, ô nhiễm không khí nên chia làm hai nhóm, đầu tiên là ô nhiễm do sự cố môi trường, ví dụ cháy nổ; thứ hai, do nguồn thải kết hợp các hình thái khí tượng cực đoan gây ô nhiễm cục bộ.
Khi ban bố tình trạng khẩn cấp về ô nhiễm không khí, nhóm biện pháp đầu tiên cần tính đến là bảo vệ người dân, như đưa ra các cảnh báo, khuyến cáo người dân không nên ra đường, học sinh nghỉ học, cần thiết thì tổ chức sơ tán người dân... Bên cạnh đó là nhận dạng nguồn thải, tìm cách khu biệt nguồn thải và trong quá trình đó đồng thời tìm cách giảm thiểu hạn chế nguồn thải có nguy cơ để giảm nồng độ ô nhiễm không khí.
Dự án Luật Bảo vệ Môi trường (sửa đổi) đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường đang được lấy ý kiến đại biểu tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.
Còn thiếu giải pháp xử lý tình trạng đốt rơm rạ
Trước thực trạng đến mùa thu hoạch lúa, người dân lại tiếp tục đốt rơm rạ, góp phần gây ô nhiễm không khí, PGS.TS Nghiêm Trung Dũng (ĐH Bách Khoa Hà Nội) nhận định tình trạng đốt rơm rạ là vấn đề tương đối nóng hiện nay. Tuy nhiên với thực tế ô nhiễm không khí vừa qua, dự thảo luật cần quy định về phải kiểm kê tất cả các nguồn phát thải để xác định nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí.
Dự thảo Luật Bảo vệ Môi trường (sửa đổi) quy định rơm rạ phải tái chế, sản xuất phụ phẩm nông nghiệp thành sản phẩm có ích để phục vụ nhu cầu sản xuất, tiêu dùng người dân, cấm đốt phụ phẩm nông nghiệp. Tuy nhiên, PGS.TS Hoàng Thu Hương, trường Đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ, việc đốt rơm rạ cho thấy, bà con đang thiếu giải pháp để giải quyết. Căn cứ trên quy định mới của Luật về vấn đề bảo vệ môi trường nông thôn, sẽ có chính sách khuyến khích các nghiên cứu về xử lý rơm rạ cũng như chính sách hỗ trợ người dân giải quyết vấn đề này.
Các chuyên gia khuyến cáo, những ngày này, người dân nên cập nhật thường xuyên chất lượng không khí buổi tối. Trường hợp ô nhiễm lên ngưỡng đỏ trở lên, người dân nên đóng cửa, hạn chế tối đa việc ra ngoài nhằm giảm tác động của ô nhiễm không khí đến sức khỏe. Trường hợp phải ra ngoài cần đeo khẩu trang chống bụi mịn PM2.5.