Cụ thể, các công trình cầu yếu, xuống cấp thuộc tuyến đường dân sinh tại địa bàn các huyện, thành phố trong tỉnh; trong đó, một số địa phương có nhiều cầu yếu như huyện Đức Trọng, Di Linh, Bảo Lâm…
Hầu hết công trình cầu yếu, đang xuống cấp có kết cấu bằng sắt, gỗ, cầu treo, bê tông đã đầu tư xây dựng từ lâu, chủ yếu nằm trên tuyến đường dân sinh, đi vào vùng sản xuất của người dân địa phương. Một số cầu dẫn vào khu dân cư dù đã xuống cấp nhưng vẫn đảm bảo lưu thông, không bị chia cắt.
Theo ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Lâm Đồng, về cơ bản các công trình cầu xuống cấp nhưng vẫn đảm bảo được lưu thông trên các tuyến đường dân sinh đến các vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên các công trình này cần có kế hoạch sửa chữa, gia cố và thay thế.
Thời gian tới, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Lâm Đồng sẽ phối hợp với Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh lên phương án sửa chữa, thay thế các cầu yếu bằng nguồn ngân sách đầu tư trung hạn 2026 – 2030, với mức bình quân mỗi năm 200 tỷ đồng để dần thay thế, gia cố tất cả cầu yếu trên địa bàn.
Tỉnh Lâm Đồng hiện có trên 500 cây cầu thuộc hệ thống đường bộ tại địa phương; trong đó, có 353 cầu nhỏ, 138 cầu quy mô vừa và 13 cầu lớn. Thống kê trên các tuyến quốc lộ qua tỉnh Lâm Đồng hiện có 71 cây cầu, các tuyến tỉnh lộ 64 cầu, còn lại là 369 cầu trên tuyến đường dân sinh do địa phương cấp huyện, thành phố quản lý.