Đừng liều mạng với cây thuốc lề đường

Trong chuyến đi du lịch Sapa gần đây cùng nhóm bạn, trên đường từ TP Lào Cai lên tới thị trấn Sapa, tôi quan sát hai bên đường, thi thoảng có nhóm vài ba người dân tộc bày bán những cây lá thuốc (cả tươi và khô).

Một người bạn trong nhóm tôi nói rằng mua được những loại cây lá thuốc của người dân tộc ở đó là rất quý, bởi chúng không chỉ "thật" một cách nguyên sơ, mà còn chữa trị được rất nhiều bệnh tật...

Nghe vậy, tôi kêu cả nhóm dừng lại xem thử, nếu thấy tốt thì mua xem sao... Khi tạt vào chỗ có gần chục người phụ nữ mặc váy áo kiểu của người Mông, chúng tôi thấy họ bán khá nhiều các loại cây, lá, rễ cây rừng mà theo như họ quảng cáo thì chúng đều chữa được nhiều bệnh tật, tốt cho sức khỏe... 

Khi xem một loại lá cây có hai màu xanh lục ở phía trên, và nâu đỏ ở mặt dưới, xung quanh có viền răng cưa, tôi hỏi lá này tên gì, và có tác dụng ra sao? thì người phụ nữ dân tộc bảo: "Lá cây Dung Giăng đấy! Lá này tốt lắm, khi đun nước uống chữa được mỡ máu, cao huyết áp...".

Khi xem tới một loại rễ cây loằng ngoằng tựa củ sắn dây loại nhỏ và hỏi tên của nó cũng như tác dụng ra sao, thì chủ bán hàng bảo: "Rễ của cây Sao rừng đó, tốt lắm đấy! Nó có tác dụng giảm béo cực kỳ hiệu quả, rồi giảm men gan, giảm đau xương khớp...". 

Khi xem xong các loại lá, rễ, cây rừng, nghe người bạn trong nhóm xúi, cùng với người bán hàng mời mua nhiệt tình nên không chỉ tôi mà những người khác trong nhóm cùng mua mỗi người mấy loại lá, rễ, cây mang về để sắc uống, với mong muốn chữa bệnh tật.

Tôi tốn tới cả gần 500.000 đồng mua "cây lá thuốc" như vậy, nhưng khi mang về nhà mẹ tôi đã vứt hết đi, bởi mẹ tôi nói dùng những cây thảo dược lề đường không rõ nguồn gốc là cực kỳ nguy hiểm đến sức khỏe, thậm chí cả tính mạng. 

Rồi mẹ giải thích cho tôi hiểu rằng muốn biết chính xác các loại cây cỏ, thảo dược có tác dụng như thế nào trong chữa bệnh, bồi bổ cơ thể... thì phải được các dược sĩ, hay y, bác sĩ chỉ định khuyến cáo nên dùng thì mới mua dùng chứ không mua lăng nhăng và dùng vô tội vạ. 

Mà muốn mua những loại cây cỏ thảo dược thì cũng phải mua đúng nơi, đúng chỗ, đó là các tiệm thuốc đông y có đảm bảo, có uy tín..., chứ tuyệt đối không nghe thiên hạ kháo truyền rồi mua ở ngoài chợ, lề đường... Như thế không những tiền mất mà có thể lại mang tật, gánh nguy hiểm vào bản thân.

Khi tìm hiểu thông tin trên báo Sức khỏe đời sống, cũng như một số trang báo mạng nói về các cây cỏ, cây thuốc thảo dược tôi cũng nhận được thông tin khuyến cáo từ các nhà khoa học, các dược sĩ, y, bác sĩ khuyên không nên tùy tiện mua dùng các loại cây cỏ, thảo dược... ở lề đường để sắc uống, một khi không biết chính xác tên, công dụng của nó. 

Lời khuyến cáo cũng mang tới sự cảnh báo là: rất có thể một vài loại cây cỏ, cây thảo dược bị lẫn với cây độc dược sẽ làm mất mạng người khi ăn, uống phải chúng.

Từ những thông tin nắm được trên nên tôi không còn cảm thấy tiếc gần 500.000 đồng mua "cây thuốc" để rồi mang về... vứt bỏ đi. Không chỉ tôi mà những người bạn trong nhóm đi du lịch chung có mua "cây thuốc" hôm đó cũng vứt bỏ hết khi được tôi khuyến cáo. 

Qua đây tôi cũng khuyên mọi người dân hãy thận trọng, đừng liều mạng với các loại cây thuốc, cây thảo dược bày bán ở lề đường, ngoài chợ, bởi rất có thể nó làm hại chính sức khỏe của bạn cũng như người thân trong gia đình...
Nguyễn Long
Khai thác cây thuốc nam  cần đi đôi với bảo tồn
Khai thác cây thuốc nam cần đi đôi với bảo tồn

Cây sài hồ nam hay còn gọi là cây lức (có tên khoa học là Pluchea pteropoda Hemsl), một vị thuốc quý trong các bài thuốc nam gia truyền. Qua nghiên cứu của các nhà y dược, sài hồ nam có tác dụng chữa bệnh phong nhiệt, lợi tiểu, điều kinh… Hiện nay, cây sài hồ nam phát triển tốt, mọc tự nhiên ở ven đê, bờ đầm đang được bà con vùng ven biển Thái Thụy, tỉnh Thái Bình thu hái tràn lan, quá mức. Nếu không có biện pháp bảo vệ hay trồng mới, cây sài hồ nam sẽ cạn kiệt dẫn tới mất đi nguồn nguyên liệu tự nhiên quý giá.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN