Sinh năm 1971 trong một gia đình thuần nông, từ nhỏ bà Nguyệt đã chăm chỉ giúp bố mẹ làm việc nhà và tham gia phụ giúp trồng lúa, thuốc lá. Sau khi lập gia đình bà cùng chồng bắt tay vào phát triển kinh tế. Thời điểm mới lập gia đình, hoàn cảnh còn khó khăn, bà bàn với chồng mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để đầu tư chăn nuôi lợn, trồng hơn 4.000 m2 thuốc lá để xóa đói giảm nghèo. Qua mỗi năm, gia đình bà Nguyệt lại mở rộng thêm diện tích trồng thuốc lá. Hiện nay, gia đình bà đã có 1,3 ha thuốc lá.
Bà Nguyệt thu thuốc lá vừa sấy xong. |
Bà Nguyệt tâm sự: “Trồng thuốc lá phải đúng kỹ thuật, nên sử dụng nhiều phân chuồng để bón, chú ý tưới nước nếu thời tiết khô hạn kéo dài. Lò sấy thuốc lá khi xây cũng phải phù hợp với diện tích trồng thuốc lá mới đem lại hiệu quả cao”.
Nhờ kỹ thuật trồng, chăm sóc thuốc lá tốt, mỗi năm gia đình bà Nguyệt thu hơn 2 tấn thuốc lá, trừ chi phí, cho lãi khoảng hơn 60 triệu đồng. Ngoài trồng thuốc lá, gia đình bà còn trồng hơn 1 ha lúa. Bên cạnh làm nông nghiệp, với nghề làm đàn tính được cha ông truyền lại, vợ chồng bà còn sản xuất đàn tính để bán lẻ, bán giao trong tỉnh và một số tỉnh như: Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang... Từ trồng cây thuốc lá và làm đàn tính, mỗi năm gia đình bà Nguyệt thu nhập khoảng 100 triệu đồng.
Không chỉ tập trung phát triển kinh tế, bà Nguyệt còn nhiệt tình tham gia công tác xã hội tại địa phương. Từ năm 2007 - 2010 được bầu làm Trưởng xóm Pác Pan, từ năm 2010 - 2015 được tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Nam Tuấn. Bản thân bà Nguyệt được Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Hòa An, UBND huyện Hòa An tặng nhiều giấy khen vì có nhiều thành tích trong các phong trào, cuộc thi văn hóa, văn nghệ cấp huyện.