Trong các tháng 9/2016 và 9/2017, ông Trương Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông ký hai quyết định phê duyệt hồ sơ thiết kế, dự toán trồng rừng thay thế trên diện tích đã chuyển đổi sang xây dựng công trình thủy điện. Địa điểm trồng rừng là diện tích bán ngập trên lòng hồ thủy điện Đắk R’tih, thuộc địa phận thị xã Gia Nghĩa (nay là thành phố Gia Nghĩa) và huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông. Tổng diện tích trồng rừng theo hai hồ sơ trên là hơn 160 ha; đơn vị chủ quản đầu tư là UBND tỉnh Đắk Nông; chủ đầu tư là Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Đắk Nông.
Theo hồ sơ, loại cây được chọn trồng là gáo vàng (tên khoa học là Nauclea orientalis); mật độ trồng là 1.111 cây/ha (tức cây cách cây 3m; hàng cách hàng 3m); mức đầu tư bình quân mỗi ha hơn 90 triệu đồng, tương đương với tổng mức đầu tư cho hơn 160 ha là gần 14,5 tỷ đồng. Thời gian chăm sóc rừng trồng là 4 năm (sẽ đưa vào quản lý, bảo vệ lần lượt làm 2 đợt, từ cuối năm 2020 hơn 100 ha và cuối năm 2021 hơn 60 ha).
Mục tiêu của các dự án là trồng rừng thay thế diện tích rừng đã chuyển đổi sang xây dựng các công trình thủy điện, đồng thời phát huy khả năng phòng hộ ven hồ Đắk R’tih, hạn chế thiên tai và tình trạng bồi lắng lòng hồ thủy điện. Ngành chức năng cũng xác định, việc trồng rừng sẽ góp phần nâng cao độ che phủ rừng của tỉnh Đắk Nông; tạo cảnh quan đô thị cho hồ thủy điện lớn nhất của Gia Nghĩa (thủ phủ tỉnh Đắk Nông), phục vụ phát triển du lịch sinh thái và hạn chế sự phát triển các loài sinh vật ngoại lai, tình trạng lấn chiếm, xây dựng trái phép ven hồ…
Theo các báo cáo của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh, mặc dù tổng diện tích được phê duyệt là hơn 160 ha, nhưng diện tích rừng trồng trên thực tế được nhà thầu thực hiện và được các đơn vị liên quan kiểm tra, nghiệm thu chỉ hơn 151 ha. Đến nay, sau hơn 7 năm triển khai trồng rừng, tổng diện tích “thành rừng” chỉ gần 57 ha, tức chỉ chiếm gần 38%. Phần còn lại hơn 94 ha (hơn 62%) bị xác định là diện tích “không thành rừng”.
Theo một lãnh đạo Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh, sau gần 4 năm kể từ thời điểm nghiệm thu, lập hồ sơ bàn giao rừng đợt 1 (hơn 100 ha); gần 3 năm kể từ thời điểm phải nghiệm thu, bàn giao toàn bộ diện tích còn lại, đơn vị vẫn chưa thực hiện quyết toán dự án hoàn thành.
Trước đó, vào cuối năm 2023, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Đắk Nông đã có báo cáo gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh về các dự án trồng rừng trên diện tích bán ngập tại lòng hồ thủy điện Đắk R’tih. Báo cáo chỉ rõ, mặc dù đã hết thời gian đầu tư, nhưng diện tích nghiệm thu thành rừng đạt thấp; một số diện tích rừng trồng thành rừng nhỏ lẻ, có diện tích nhỏ hơn 0,3 ha, không đủ tiêu chí nghiệm thu rừng trồng thành rừng và cập nhật diễn biến rừng. Thêm nữa, hồ sơ phê duyệt thiết kế, dự toán không có hạng mục phòng cháy, chữa cháy rừng, trong khi Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh không phải là chủ rừng, không có lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách theo quy định.
Hiện, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản chỉ đạo và Quỹ đang phối hợp với các đơn vị liên quan, nhà thầu và đơn vị tư vấn, giám sát thực hiện kiểm kê, quyết toán dự án và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.