“Đất vàng” thành đất hoang
Theo tìm hiểu của phóng viên, các sân phơi cà phê, trụ sở trên đều nằm ở vị trí đất đẹp, “đất vàng”, đắc địa, giao thông thuận lợi, nằm trong khu dân cư.
Cụ thể, xã Hà Mòn (huyện Đăk Hà) có tới 4 vị trí đất (tổng diện tích gần 1 ha) do Công ty Cà phê Đăk Uy (thuộc Tổng Công ty Cà phê Việt Nam) quản lý, nằm sát chợ trung tâm xã Hà Mòn, cạnh trường học, trạm y tế, ở khu dân cư sầm uất nhất xã. Các sân phơi, kho, trụ sở đã bỏ hoang nhiều năm, hàng rào, cổng bị mục, hư hỏng. Công ty Cà phê Đăk Uy còn sở hữu hai vị trí đất đẹp khác tại xã Đăk La, được chính quyền huyện Đăk Hà đưa vào danh sách cần thu hồi.
Tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Cà phê 731 (Tổng Công ty Cà phê Việt Nam), một sân bê tông rộng khoảng 4 ha, nằm ở khu vực được quy hoạch khu dân cư tại tổ dân phố 2A, thị trấn Đăk Hà, hiện đang bỏ hoang. Khuôn viên sân có một nhà kho rộng không hoạt động, một số thiết bị trong kho bụi, mạng nhện phủ; một số thiết bị rỉ sét…
Cùng với đó, trụ sở Công ty Cà phê Đăk Uy (trụ sở cũ của Công ty Xuất khẩu cà phê Đăk Hà, thuộc Tổng Công ty Cà phê Việt Nam) rộng gần 2.500 m2 tại thị trấn Đăk Hà bị bỏ hoang nhiều năm, cửa các phòng chức năng rỉ sét, cỏ mọc khắp nơi...
Theo thống kê của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đăk Hà, toàn huyện có 10 vị trí đất đẹp được tỉnh Kon Tum cho thuê sử dụng mục đích phi nông nghiệp nhưng nhiều năm qua, chủ đất không có nhu cầu sử dụng. Tổng diện tích các lô “đất vàng” trên rộng khoảng 10 ha, được các công ty làm sân phơi, nhà kho cà phê...
Trước thực trạng trên, năm 2021, Ủy ban nhân dân huyện Đăk Hà đã làm việc với đại diện các công ty cà phê thuộc Tổng Công ty Cà phê Việt Nam.
Tại buổi làm việc trên, đại diện các công ty đều thống nhất bàn giao số diện tích trên để huyện quản lý, phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Để có cơ sở thực hiện các thủ tục tiếp theo trước khi trình cấp có thẩm quyền thu hồi các diện tích đất trên, Ủy ban nhân dân huyện Đăk Hà đã có văn bản gửi Tổng Công ty Cà phê Việt Nam về việc bàn giao một phần diện tích đất phi nông nghiệp về huyện quản lý (văn bản số 2178/UBND-TNMT ngày 20/8/2021).
Tuy nhiên, theo ông Đặng Ngọc Tiến, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đăk Hà, huyện đã có làm việc với các công ty cà phê. Tại buổi làm việc, các công ty thống nhất trả các vị trí đất phi nông nghiệp, là sân phơi, trụ sở. Song Tổng Công ty Cà phê Việt Nam trả lời đang sắp xếp các cơ sở nhà đất các công ty thành viên nên chưa trả các vị trí đất này cho địa phương quản lý.
Tác nhân của ô nhiễm
Thực tế, các lô “đất vàng” trên đã trở thành sân phơi, xay cà phê. Người dân sống quanh các lô đất trên phải sống chung với ô nhiễm, bụi từ các sân phơi này.
Ông Đặng Ngọc Tiến cho biết thêm, các sân phơi cà phê trên nằm xen kẽ khu dân cư. Việc phơi, xay xát cà phê gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng cuộc sống người dân. Theo quy định, các sân phơi cà phê nằm khu dân cư là không đảm bảo theo tiêu chí môi trường. Nhiều năm qua, người dân sống quanh sân phơi cà phê đã có ý kiến về tình trạng ô nhiễm môi trường ở khu dân cư, trường học, trạm y tế… xuất phát từ các sân phơi.
Hiện, huyện Đăk Hà đang thiếu quỹ đất để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương, nhưng hàng loạt lô đất đẹp, đắc địa như trên đang không sử dụng, bỏ hoang, gây lãng phí.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hà Mòn Trần Đức Trọng cho biết, Hà Mòn đang phấn đấu được công nhận xã nông thôn mới kiểu mẫu, thông minh. Tuy nhiên, xã thiếu tiêu chí sân thể thao, khu vui chơi giải trí của nhân dân. Trên địa bàn xã Hà Mòn, những vùng đất có đủ điều kiện để đảm bảo hoàn thành tiêu chí trên đều do các công ty cà phê quản lý.
Đã 3 năm không được bàn giao đất, cùng những hệ lụy do đất bỏ hoang, không sử dụng, ông Hà Tiến, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đăk Hà khẳng định, đây là đất Nhà nước cho các công ty cà phê thuộc Tổng Công ty Cà phê Việt Nam thuê đất. Các công ty cà phê tại huyện Đăk Hà đã giao diện tích cà phê trên cho công nhân, người dân thuê lại. Hiện tại, nhu cầu quy hoạch, sử dụng đất ở huyện Đăk Hà khá nhiều, trong khi nhiều công ty thuộc Tổng Công ty Cà phê Việt Nam đóng chân trên địa bàn huyện có diện tích đất phi nông nghiệp, không sử dụng, gây lãng phí.
Năm 2021, huyện đã có văn bản đề nghị Tổng Công ty Cà phê Việt Nam có kế hoạch giao lại đất được cho thuê, không sử dụng nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện. Trên cơ sở nhu cầu dụng đất của địa phương để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, thời gian tới, huyện sẽ báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum kiến nghị Tổng Công ty Cà phê Việt Nam sớm bàn giao số diện tích đất sử dụng không hiệu quả để bàn giao về địa phương.