Bóng nước Phồn Xương

Chúng tôi về thị trấn Cầu Gồ - Yên Thế, Bắc Giang, thăm khu di tích Phồn Xương, nơi chiến khu xưa gắn bó với người anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám và những nghĩa quân của ông. Mặt nước hồ rộng giữa khu di tích đang mùa sen nở, soi bóng một vùng thành quách yên ả trong nắng chiều. Những bờ thành cũ rêu phong ngả màu năm tháng.

Khu di tích Phồn Xương.

Được biết, đồn Phồn Xương là một trong 23 điểm di tích và cụm di tích thuộc di tích lịch sử Những địa điểm Khởi nghĩa Yên Thế, được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt từ năm 2012.

Trên ngọn đồi cao là đền Thề, nơi trước đây, khi xuất quân đánh Pháp, nghĩa quân làm lễ cắt máu ăn thề. Phía sau đền Thề là khu trưng bày các hình ảnh và hiện vật của cuộc khởi nghĩa kéo dài gần 30 năm, vắt qua hai thế kỷ (1884-1913), tiêu biểu cho tinh thần bất khuất, chống ngoại xâm của những người nông dân áo vải, vì nền độc lập của đất nước.

Liền bên khu trưng bày là tượng đài Hoàng Hoa Thám trên bệ cao, gương mặt quắc thước với chòm râu quen thuộc, cặp mắt dõi về phía xa. Còn mãi với thời gian câu nói nổi tiếng của ông: "Chúng tôi gắn bó với phong tục của đất nước chúng tôi. Chúng tôi không bao giờ từ bỏ phong tục ấy dù có phải hy sinh cả tính mạng".

Đồn Phồn Xương đối diện với khu đền Thề. Theo tài liệu còn lưu lại, đây là một căn cứ có quy mô lớn, hình chữ nhật, rộng chừng hơn một mẫu Bắc Bộ, gồm hai vòng thành. Vòng thành ngoại hình vòng cung bảo vệ cho thành nội. Tường đắp bằng đất nện. Bên trong tường thành có 3 cấp khác nhau để các nghĩa quân có thể đứng hoặc quỳ đều bắn được. Xung quanh tường có lỗ châu mai. Đồn có cổng chính trông về hướng đông còn hai cổng phụ ở phía nam và phía bắc.

Các cổng đều có hai lượt cửa gỗ lim. Các bốt gác và hệ thống công sự liên thông. Trong thành có các khu nhà ở của Hoàng Hoa Thám, nơi tiếp khách, hội họp, nơi ở các tướng lĩnh và nghĩa quân... Tiếc rằng cho đến nay, qua năm tháng, nắng mưa, các công trình không còn, ngay cả các tường thành cũng không còn nguyên vẹn được như xưa.

Khu căn cứ Phồn Xương được xây dựng năm 1894-1895, nằm trên đường độc đạo vào khu căn cứ trong thế trận phòng thủ liên hoàn, là đại bản doanh của nghĩa quân Yên Thế. Tại Phồn Xương, các nghĩa quân đã chiến đấu dũng cảm chống lại cuộc tiến công trên quy mô lớn của quân Pháp năm 1909.

Đây cũng là nơi Đề Thám gặp gỡ các bậc anh hùng, chí sĩ như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Lê Văn Huân... để bàn việc nước. Thời ấy, người dân trong vùng tự nguyện đến giúp nghĩa quân các công việc đồng áng, tổ chức những ngày hội thi nấu cơm, đấu vật, chọi gà tạo không khí gắn bó thân thiết vui tươi, thu hút đông đảo người đến xem.

Các tài liệu lịch sử cho biết, nhà yêu nước Phan Bội Châu khi về Yên Thế gặp mặt Hoàng Hoa Thám, đã ngạc nhiên với cuộc sống ở Phồn Xương. Phan Bội Châu đã nói với Hoàng Hoa Thám: "Tôi hai lần đến Phồn xương. Xem khắp chung quanh dân. Trâu cày từng đội. Chim rừng quyện người đàn bà. Trẻ em nhởn nhơ. Tiếng chày rậm rịch. Có cái vẻ vui của những ngày đình đám hội hè mà không hề có tiếng thở than về chính quyền bạo ngược và mãnh hổ hại người. Tạo lập được một thế giới riêng biệt, thực là một nỗ lực riêng của tướng quân".

133 năm đã trôi qua kể từ khi cuộc khởi nghĩa Yên Thế (1884-2017 ), vẫn còn đó khu di tích Phồn Xương in bóng người anh hùng Đề Thám và những nghĩa quân của ông, những người nông dân áo vải khắp vùng mang hồn thiêng sông núi với khát vọng độc lập tự do "Ba mươi năm giữ núi rừng. Danh ông Đề Thám vang lừng trời Nam".

Phồn Xương sau còn có đền thờ bà Ba Cẩn (người vợ thứ ba và là cộng sự của Hoàng Hoa Thám). Bà Hoàng Thị Thế, con gái của hai cụ, sau những năm lưu lạc, lúc qua đời cũng được chôn cất ở đây. Trên bia mộ ghi dòng chữ: "Bà Hoàng Thị Thế, sinh năm 1901, mất 9.12.1988".

Ngày nay, Phồn Xương vẫn thu hút du khách gần xa, đặc biệt là vào dịp lễ hội (16/3 dương lịch hàng năm). Vào dịp ấy, ngoài lễ diễu hành, lễ dâng hương, nhiều hoạt động văn hoá, thi đấu các môn thể thao dân tộc, biểu diễn văn nghệ diễn ra rất sôi nổi. Về Phồn Xương nhớ chuyện xưa, như còn nghe âm vang câu hát lưu truyền qua mấy thế hệ:

Phồn Xương một thuở vang danh
Cụ Hoàng Hoa Thám dựng thành cứu dân
Bấy nhiêu năm trải phong trần
Phồn Xương in mãi dấu chân cụ Đề

Dưới đây là một số hình ảnh về Khu di tích Phồn Xương:

 

 

 



Bài, ảnh: Trần Mai Hưởng
Dâng hương tưởng nhớ Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực
Dâng hương tưởng nhớ Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực

Ngày 16/10 (nhằm ngày 27/8 Âm lịch), tại Công viên tượng đài Nguyễn Trung Trực, thành phố Rạch Giá, UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức Lễ dâng hương Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN