Rạng sáng ngày 12/6, đập thủy điện Ia Krêl thuộc xã Ia Dom, huyện biên giới Đức Cơ, tỉnh Gia Lai bất ngờ bị vỡ phần thân đập, nước tràn ngập vùng hạ nguồn, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống và sản xuất của người dân trong vùng.Người dân đứng trên thân đập bị vỡ. |
Thân đập thủy điện Ia Krêl bị vỡ nhìn từ dưới.
|
Ngay sau khi vỡ đập, các cơ quan chức năng trên địa bàn huyện đã huy động lực lượng đến cứu hộ, cứu nạn khắc phục hậu quả. Các lực lượng đã cứu được 10 người bị nước cuốn trôi và hỗ trợ di dời được hơn 20 hộ gia đình sống trong vùng ngập lụt đến nơi an toàn. Hiện vẫn còn hàng chục hộ dân sống trong vùng ngập lụt, công tác cứu hộ, cứu nạn đang tiếp tục triển khai.
Nước lũ cuốn trôi cả khối bê tông trong thân đập. |
Ông Phạm Thế Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai đã trực tiếp xuống hiện trường khu vực xã Ia Dom, huyện Đức Cơ ngay sau khi sự cố xảy ra để trực tiếp chỉ đạo công tác cứu hộ cứu nạn.
Đến đầu giờ chiều 12/6, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thế Dũng đã chủ trì cuộc họp khẩn tại UBND huyện Đức Cơ, yêu cầu công an và các ngành kỹ thuật vào cuộc, làm rõ nguyên nhân vỡ đập. "Trách nhiệm này thuộc về ai? thuộc về bên thiết kế kỹ thuật hay thuộc về bên thi công? Và qua hậu quả xảy ra thế này cũng cảnh báo vấn đề thiết kế, thi công các công trình thủy lợi, thủy điện các hồ đập chứa nước"- ông Phạm Thế Dũng nói.
Thân đập được làm từ những thanh sắt "mỏng manh". |
Công trình thủy điện Ia Krêl có công suất thiết kế là 5 MW. Công trình được triển khai xây dựng từ năm 2010 và bắt đầu tích nước từ đầu tháng 5/2013. Đến thời điểm xảy ra vỡ đập, công trình đã tích được khoảng 5 triệu mét khối nước, bằng một nửa dung tích tối đa. Hiện đã có khoảng 50m phần thân đập chặn dòng của Công trình thủy điện này bị vỡ và cuốn trôi hoàn toàn.
Với 5 triệu mét khối nước đổ xuống hạ nguồn đã tạo lũ quét trên dọc tuyến suối Ia Krêl đến sông Sê San với chiều dài hơn 10km, gây thiệt hại hơn 200 ha cây cao su và hoa màu của các công ty và người dân trên địa bàn. Ước tính thiệt hại có thể lên tới hàng trăm tỷ đồng.
Nguyễn Hoài Nam
(Ảnh: TTXVN)