Gia đình nghệ nhân Nguyễn Trọng Thành (Quận 11) đã có truyền thống làm lồng đèn hơn 50 năm nay. Dù đã qua nhiều thế hệ, gia đình ông vẫn luôn tâm huyết với nghề truyền thống của ông cha. Những ngày này, gia đình ông Thành đang hối hả sản xuất hàng nghìn lồng đèn giấy bóng kính để kịp giao theo đơn đặt hàng của khách. Căn nhà của ông Thành rộn ràng bởi âm thanh phát ra từ các công đoạn làm lồng đèn.
Để làm được một chiếc đèn trung thu truyền thống cần qua rất nhiều công đoạn, từ khâu chọn nguyên liệu đến chẻ nứa, làm hồ, tạo hình, dán giấy bóng kính, vẽ trang trí… đòi hỏi người làm nghề phải tỉ mỉ, công phu từng chi tiết để có thể cho ra các sản phẩm với những hình ảnh, màu sắc độc đáo, phong phú.
"Mỗi năm vào mùa Trung thu, gia đình sản xuất hàng nghìn sản phẩm theo đơn đặt hàng của khách. Để chuẩn bị cho mùa Trung thu năm 2022, từ đầu năm, gia đình đã chuẩn bị nguyên liệu trước để dồn đến gần Trung thu thì tập trung vẽ sản phẩm rồi giao hàng cho khách", ông Thành cho biết.
Theo ông Thành, năm nay nguyên liệu từ tre, giấy kiếng, kẽm… đều tăng nhưng những sản phẩm lồng đèn của gia đình làm ra như rồng, thỏ, cá, bướm… không tăng so với những năm trước. Mỗi sản phẩm lồng đèn có giá từ 10.000 - 200.000 đồng, có sản phẩm lên đến vài triệu đồng tùy theo kích cỡ lớn hoặc nhỏ.
Gia đình chị Nguyễn Kim Thu cũng gắn bó với nghề làm lồng đèn truyền thống ở làng nghề Phú Bình hàng chục năm nay. "Mùa Trung thu năm 2021, đúng vào cao điểm đợt dịch COVID-19 nên cả xóm lồng đèn ở đây đều mất trắng do không bán được sản phẩm nào. Năm nay, tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát nên tôi thấy khả quan hơn so năm trước, đó là tín hiệu vui cho làng nghề Phú Bình”, chị Thu chia sẻ.