'Thủ phủ' vàng mã lớn nhất Hà Nội ảm đạm dịp Rằm tháng Bảy

Sát ngày rằm tháng 7 âm lịch nhưng tại "thủ phủ vàng mã" lớn nhất Hà Nội rất vắng người mua.

Phúc Am là làng có nghề truyền thống sản xuất vàng mã lớn nhất tại Hà Nội. Tại đây, các mặt hàng vàng mã chủ yếu là hình nộm thú (ngựa, voi), thuyền, rồng, nhà, xe, hình nhân... chuyên phục khách đi đền, phủ, miếu....

Trái với cảnh nhộn nhịp, tất bật thường thấy hàng năm, năm nay, dù đã cận kề ngày rằm tháng 7, không khí mua bán tại "thủ phủ vàng mã" vẫn rất đìu hiu. Nhiều hộ dân phản ánh, tính đến thời điểm hiện tại, vàng mã bán rất chậm, chỉ bằng 40 - 50% so với năm ngoái.

Bà Nguyễn Thị Nhàn (người dân có 15 năm làm nghề sản xuất vàng mã tại làng Phúc Am) cho biết, khoảng 3 năm trở lại đây, các đơn hàng bắt đầu giảm mạnh. Ngày trước, khi vào vụ ngày rằm tháng 7 và dịp cuối năm, đầu năm, lễ hội diễn ra liên tục, gia đình phải huy động cả chục người làm. Thế nhưng thời điểm này, gia đình bà chỉ cần huy động 3 người làm.

Một hình nộm vàng mã phải trải qua rất nhiều công đoạn sản xuất với chi phí không nhỏ. Hình ngựa 2 mét được nhà bà Nhàn bán với giá 250.000 đồng/con, mất từ 1,5 – 2 ngày để thực hiện. Chi phí sản xuất bao gồm tiền khuôn tre, công thợ buộc, bồi giấy, tiền dán áo, giấy dán...  Mỗi con ngựa  mã, trung bình chỉ lãi từ 30.000 – 40.000 đồng.

“Năm nay bán chậm, cả làng tồn hàng. Mọi năm từ cuối tháng 5, khắp làng đã nhộn nhịp làm nhưng năm nay đến cuối tháng 6, chúng tôi mới sản xuất hàng mới, không dám làm nhiều vì sợ ế. Ngày xưa thương lái về mua 1 ngày 2 chuyến, còn giờ 2 ngày họ mới về 1 chuyến”, anh Nguyễn Văn Trường  (người làng làng Phúc Am) chia sẻ.

Lý giải nguyên nhân thị trường ảm đạm, theo anh Trường, những năm gần đây, cơ quan chức năng và nhiều nhà chùa kêu gọi hạn chế việc đốt vàng mã. Bên cạnh đó, kinh tế khó khăn, nhiều người thắt chặt chi tiêu nên có xu hướng hạn chế mua đồ vàng mã, nhất là các sản phẩm đắt tiền.

Một số hình ảnh ghi nhận tại làng Phúc Am:

Chú thích ảnh
Lượng khuôn tre hình ngựa tồn đọng khá nhiều tại làng Phúc Am ngay trong tháng 7 âm lịch.
Chú thích ảnh
Người dân sản xuất cầm chừng do thị trường ảm đạm, không có khách mua.
Chú thích ảnh
Mọi năm khắp làng nhộn nhịp làm hàng từ đầu tháng 5, năm nay đến cuối tháng 6, người làng Phúc Am mới sản xuất hàng mới vì sợ không bán được. 
Chú thích ảnh
Nghề làm vàng mã đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ. Tất cả các công đoạn từ vẽ, cắt, dán, làm khung... đều thực hiện hoàn toàn thủ công.
Chú thích ảnh
Một hình ngựa 2 mét được bán với giá 250.000 đồng/con,  phải mất từ 1,5 – 2 ngày công. Lãi của mỗi hình ngựa này chỉ khoảng 40.000 đồng.
Chú thích ảnh
Các hộ kinh doanh vàng mã cho biết, số lượng tiêu thụ năm nay chỉ bằng khoảng một nửa so với năm ngoái.
Chú thích ảnh
“Sức mua giảm sút đáng kể. Hàng tôi nhập từ tuần trước, tới giờ vẫn còn tồn khá nhiều, nên bây giờ về làng, tôi chỉ chọn  những mẫu độc đáo để mua”, Anh Tuấn (thương lái) chia sẻ.
Chú thích ảnh
Hiện tại, bên cạnh việc gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống, đa số người dân đã hạn chế việc mua và đốt vàng mã tràn lan.
Lê Phú/Báo Tin Tức
Đa dạng hàng hóa, dịch vụ phục vụ thị trường Rằm tháng 7
Đa dạng hàng hóa, dịch vụ phục vụ thị trường Rằm tháng 7

Theo khảo sát của phóng viên, tại các chợ truyền thống như chợ Mơ, chợ Hôm Đức viên, chợ Hàng Bè… hay các tuyến đường ở Hà Nội cho thấy, giá các mặt hàng thực phẩm, hoa tươi có xu hướng tăng nhẹ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN