Một trong những câu hỏi lớn hẳn đang ám ảnh tâm trí của Edward Snowden, người đã tiết lộ những bí mật "động trời" của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) là: "Chuyện gì sẽ xảy đến với mình?". Trong khi đó, các chuyên gia pháp lý cũng đang bận tâm tranh luận là liệu Snowden có bị dẫn độ từ Hong Kong hay không, "kẻ tội đồ" đang lẩn trốn ở đâu, hay nên tống Snowden vào ngục trong bao nhiêu năm?...
Số phận của một số nhân vật từng đi vào lịch sử với những vụ tiết lộ thông tin, từ quan chức chính phủ cho đến những viên thư kí tầm thường, có thể giúp đưa ra một số dự đoán cho câu chuyện của Snowden. Trong khi một số vẫn kiếm được những công việc có mức lương hậu hĩ thì không ít người lâm vào vòng lao lí, bị từ chối tuyển dụng, hoặc phải sống trong cảnh tối tăm... Có một điều đã rõ ràng là cuộc sống của những người đi ngược lại tiếng nói của quyền lực chưa bao giờ dễ dàng, ngay cả khi chính Tổng thống Obama đã ký những đạo luật được dùng để bảo vệ họ.
Hãy theo dõi số phận của những "kẻ lộ bí mật" nổi tiếng:
1. Mark Felt, Cục điều tra liên bang Mỹ
Nguồn tin rò rỉ như thế nào: Với vai trò là Phó Giám đốc Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) vào đầu những năm 70 của thế kỉ 20, Mark Felt nắm rõ những hành vi phạm pháp của chính quyền Tổng thống Nixon trong việc “rình rập” các đối thủ chính trị, đột nhập vào văn phòng và đọc thư từ của họ. Ông đã trở thành nguồn tin quan trọng cho tờ Washington Post trong cuộc điều tra vụ bê bối Watergate dẫn đến sự kiện Nixon mất ghế. Chuyện gì đã xảy ra: Felt đã nghỉ việc ở FBI vào năm 1973. Trong nhiều năm, danh tính của Felt được giữ bí mật và chỉ được ám chỉ đến dưới cái tên “Cổ họng sâu”. Nhưng theo yêu cầu của Felt, danh tính của ông được tiết lộ vào năm 2005 khi ông đã 91 tuổi. Ông qua đời vào năm 2008. Vào năm 1978, ông đối mặt với nhiều lời buộc tội nghiêm trọng về mối liên quan với các nhóm cực đoan mà FBI theo dõi như nhóm Wather Underground. Tuy vậy Tổng thống Ronald Reagan đã tha lỗi cho Felt vào năm 1982. Sau này ông có viết một số cuốn sách về thời gian còn làm việc ở FBI. |
2. Daniel Ellsberg, Lầu Năm Góc:
Nguồn tin rò rỉ như thế nào: Vào đầu những năm 1970, các nhà lãnh đạo quân đội và Nhà Trắng tuyên bố nước Mỹ đang giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Tuy nhiên, họ lại kín đáo viết một bộ sách bách khoa lịch sử nêu chi tiết những thất bại của nước Mỹ. Năm 1969, chàng thanh niên, nhà phân tích quốc phòng Daniel Ellsberg bắt đầu sao chép số liệu của Bộ Quốc phòng cho biết bốn chính quyền tổng thống đã lừa dối công chúng Mỹ như thế nào. Nó cũng tiết lộ chiến dịch đánh bom bí mật ở Campuchia. Năm 1971, Ellsberg đã giao nộp các hồ sơ chiến tranh bí mật, được biết đến dưới cái tên “Hồ sơ Lầu Năm Góc” cho tờ New York Times. Chuyện gì đã xảy ra: Ellsberg bị buộc tội theo đạo luật gián điệp năm 1917, nhưng những buộc tội này đã bị hủy bỏ vào năm 1971. Ông bắt đầu sự nghiệp của một nhà hoạt động chính trị. Hiện tại: Là một thành viên của một chiến dịch vì Hòa bình và Dân chủ đặt trụ sở ở New York, Ellsberg là một nhân vật đối lập thẳng thắn chống lại cuộc chiến tranh Iraq kéo dài từ 2003 – 2011 cũng như nhiều vấn đề khác. Hiện ông đang sống ở Kensington, bang California. Ellsberg đã gọi Edward Snowden là một “anh hùng”. |
3. Mordechai Vanunu, Chính phủ Israel
Nguồn tin rò rỉ như thế nào: Chính phủ Israel luôn từ chối thừa nhận hay hé lộ gì về chương trình hạt nhân của nước này. Nhưng là một nhà khoa học hạt nhân làm việc cho chính phủ, năm 1986, Vanunu đã xác nhận chương trình này với tờ Sunday Times of London, cho biết nhà nước Do thái đã sở hữu từ 100 – 200 vũ khí hạt nhân. Chuyện gì đã xảy ra: Các đặc vụ Israel bắt giữ Vanunu tại Italia vào năm 1986, sau đó ông bị kết án 18 năm tù vì tội phản bội. Ông đã trải qua 11 năm sống trong cảnh biệt giam. Sau khi được phóng thích vào năm 2004, Vanunu bị bắt giam trở lại vào 2010 và ở tù 3 tháng vì đã gặp gỡ với người nước ngoài, bao gồm cả việc gặp cô bạn gái người Na Uy.
Hiện tại: Vanunu vẫn bị chính phủ Israel giám sát và được thông báo đang sống ở Đông Jerusalem. |
4. Mark Whitacre, công ty Archer Daniels Midland
Nguồn tin rò rỉ thế nào: Năm 1992, Mark Whitacre, một ủy viên ban quản trị của công ty Archer Daniels Midland, đã nói với vợ mình rằng công ty của ông đang "làm giá" của loại thực phẩm bổ sung lisyne để tăng lợi nhuận. Bà vợ đã gây áp lực yêu cầu ông phải báo với FBI. Whitacre sau đó bắt đầu trao thông tin cho FBI, trở thành người cung cấp thông tin ở cấp độ cao nhất của FBI. Ba năm sau, FBI khám phá ra Whitacre đã đánh cắp 9 triệu USD từ công ty trên. Chuyện gì đã xảy ra: Whitacre bị kết án trốn thuế và gian lận, lãnh án 8 năm tù. Ông được phóng thích vào năm 2006. Hiện tại: Giờ đây Whitacre là thành viên cấp cao trong hội đồng quản trị của công ty công nghệ sinh học Cypress Systems có trụ sở tại California. Ông đang đấu tranh cho một lệnh ân xá và được nhiều đặc vụ FBI ủng hộ.
|
5. Jeffrey Wigang, công ty Brown & Williamson
Nguồn tin rò rỉ như thế nào: Năm 1994, các giám đốc điều hành của 7 công ty thuốc lá lớn của Mỹ ra làm chứng trước Quốc hội, thề danh dự rằng chất nicotine không gây nghiện. Jeffrey Wigand, một cựu phó giám đốc nghiên cứu và phát triển ở công ty thuốc lá Brown & Williamson, đã tham gia một bài phỏng vấn với điều kiện danh tính của ông sẽ được giữ bí mật và cuộc phỏng vấn không gây ảnh hưởng tới công việc của ông cũng như không dính líu đến việc tố tụng tốn kém có thể xảy ra. Nhưng sau khi tờ Wall Street Journal (Nhật báo Phố Wall) đăng tải câu chuyện của Wigand, đài CBS đã phát sóng cuộc phỏng vấn Wigand về việc công ty của ông ta chủ ý đưa chất nicotine vào thành phần thuốc lá để tăng tính gây nghiện của nó. Chuyện gì đã xảy ra: Wigand cuối cùng bị các nhà tuyển dụng kiện vì phá vỡ hợp đồng bảo mật. Vụ kiện bị bãi bỏ vào năm 1997 nhờ thỏa thuận dàn xếp trị giá 268 tỉ USD của chính phủ liên bang với ngành công nghiệp thuốc lá. Sau khi rời công ty thuốc lá vào năm 1993, Wigand đã dạy môn hóa học ở các trường công của bang Kentucky và thậm chí còn giành giải giáo viên của bang vào năm 1996.
|
6. Harry Markopolos, điều tra viên về gian lận
Nguồn tin rò rỉ như thế nào: Với vai trò là một nhà phân tích gian lận tài chính độc lập, Markopolos chỉ mất 5 phút để phát hiện ra quỹ an ninh của "siêu lừa" Bernard Madoff là trò lừa đảo. Vì vậy từ năm 2000, Markopolos đã bắt đầu cảnh báo Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) về âm mưu lừa đảo tiền tỉ của Madofff thông qua 5 bản viết tay. Chuyện gì đã xảy ra: Vụ lừa đảo "khủng" chỉ dừng lại khi Madoff quyết định không trả lại tiền cho các nhà đầu tư vào năm 2008. Thời điểm đó, số tiền mà hắn chiếm đoạt đã lên tới 65 tỉ USD. Markopolos cho rằng, khi anh ta bắt đầu cảnh báo SEC, con số này mới chỉ là 5 tỉ USD. Hiện tại: Sau khi vụ bê bối trên chấm dứt, Markopolos nhận được nhiều lời ca tụng từ phía truyền thông và cũng như nhận được nhiều lời mời làm việc. Năm 2011, ông xuất bản một quyển sách về kinh nghiệm của mình và đặt tên là “Sẽ chẳng ai bao giờ nghe bạn đâu: một quyển sách tài chính thật sự”. |
7. Sherron Watkins, công ty Enron
Nguồn tin bị rò rỉ như thế nào: Tháng 8/2001, Sherron vào lúc đó là phó chủ tịch hợp tác phát triển của tập đoàn Enron đã gửi một bức thư điện tử dài 7 trang cho giám đốc điều hành Kenneth Lay. Bà đã nói chi tiết về cái gọi là một “vụ chơi khăm kế toán xây dựng” trong đó bao gồm việc làm tăng thu nhập và che giấu những thất bại lớn. Chuyện gì đã xảy ra: Năm tháng sau khi viết lá thư trên, Sherron bị điều trần trước Quốc hội và đối mặt với chỉ trích vì việc đã không thông báo cho chính quyền. Cuối năm 2002, Enron bị phá sản (trở thành vụ phá sản lớn nhất thế giới) và tờ Time đã bình chọn Watkins là một trong ba “Nhân vật của năm”.
Hiện tại: Kể từ đó bà trở thành một diễn giả trước công chúng về các bài học lãnh đạo rút ra từ vụ Enron. Bà vẫn sống ở Houston và cho biết không thể tiếp tục trong việc kinh doanh bởi vì thương hiệu “người tiết lộ thông tin” khiến bà trở thành một thứ “phóng xạ”. |
8. Thomas Drake, Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ
Nguồn tin rò rỉ thế nào: Sau loạt vụ khủng bố chấn động nước Mỹ 11/9/2001, Cơ quan an ninh quốc gia (NSA) bắt đầu một chương trình giám sát bí mật để tránh những vụ tấn công khủng bố trong tương lai. Được gọi là "Người dẫn đường”, dự án này cho phép NSA phân tích dữ liệu được chia sẻ từ điện thoại di động và hộp thư điện tử. Một ủy viên quản trị cấp cao của NSA, Drake cho rằng chương trình này không hợp pháp và không cần thiết. Ông đã cung cấp những tài liệu mật cho phóng viên của tờ Baltimore Sun năm 2006. Chuyện gì đã xảy ra: Chính quyền liên bang buộc tội Drake vi phạm đạo luật gián điệp, một trọng tội có thể bị kết án 35 năm tù. Nhưng cuối cùng Drake chỉ bị kết tội “vượt quá thẩm quyền sử dụng máy tính” và chưa bao giờ phải vào tù. Hiện tại: Giờ đây Drake đang làm nhân viên bán lẻ trong một cửa hàng Apple ở ngoại ô Maryland. Ông cũng thỉnh thoảng xuất hiện trên các phương tiện truyền thông để thảo luận những vấn đề an ninh quốc gia. |
Anh Minh (
Theo B.I)