Từ lâu, khu vực các phường Thạnh Lộc, Thạnh Xuân và Thới An (Quận 12, TP Hồ Chí Minh) đã trở thành “làng rau nhút”, thu hút nhiều người dân về đây mưu sinh. Trồng rau nhút là công việc cực nhọc, vất vả, luôn phải trầm mình dưới nước, thường xuyên thức khuya, dậy sớm để chăm sóc rau, hái rau mang ra chợ đầu mối bán.
Có mặt tại phường Thới An (Quận 12) ngay từ tờ mờ sáng, chúng tôi chứng kiến nhiều người dân đang trầm mình dưới ao để thu hoạch rau nhút. Những cây rau nhút tươi non và xanh mướt liên tục được kéo quăng lên để người trên bờ sơ chế ngay tại chỗ.
Gắn bó với nghề trồng rau nhút gần 20 năm nay, ông Nguyễn Văn Thật (53 tuổi, quê Bến Tre), chia sẻ: “Ngày xưa, tôi tha phương lên TP Hồ Chí Minh làm mướn cho người ta để kiếm sống. Sau này , tôi thuê lại 5.000m2 ao trồng rau nhút, từ đó tôi gắn bó với nghề này đến bây giờ”.
Ông Thật kể, toàn bộ khu vực đất trống nằm gần sông Vàm Thuật tại phường Thới An, Thạnh Lộc, Thạnh Xuân (Quận 12, TP Hồ Chí Minh) đều được người dân thuê để trồng rau nhút. Nghề trồng rau nhút hình thành theo kiểu người trồng trước chỉ cho người trồng sau, dần dần nơi đây trở thành “làng rau nhút”.
Theo ông Thật, công việc bắt đầu từ tờ mờ sáng đến tận tối muộn. Dù trời nắng hay mưa, luôn phải trầm mình dưới ao để chăm sóc, bón phân, vớt bèo, thu hoạch, rồi sơ chế rau nhút. Sau đó, đến khuya thì chở rau ra chợ đầu mối Hóc Môn (huyện Hóc Môn) bán cho các tiểu thương. “So với nghề trồng lúa thì nghề trồng rau nhút cực nhọc, vất vả hơn, nhưng được cái cho thu nhập mỗi ngày, chỉ cần chịu khó một chút thì không lo đói”, ông Thật tâm sự.
“Hiện nay, rau nhút nếu chỉ rửa sạch bèo, bán lẻ có giá từ 15.000 – 20.000 đồng/kg. Mỗi ngày gia đình chỉ cắt khoảng khoảng 60kg để giao cho mối, những ngày cuối tuần, lượng đặt hàng của khách nhiều hơn thì sẽ thu hoạch tăng lên ở mức khoảng 100kg. Mỗi tháng, sau khi trừ chi phí, gia đình cũng thu nhập tầm gần 10 triệu đồng”, ông Thật cho biết.
Những hộ dân trồng lâu năm cho biết, năm nay rau bán chậm, đầu ra ít hơn so với những năm trước. Như mọi năm, vào tầm khoảng tháng 6, tháng 7, rau nhút bán rất chạy và giá cả cũng ổn định, từ 40.000 – 50.000 đồng/kg, có đợt lên đến 70.000 đồng/kg. Có thời điểm, đơn hàng nhiều đến nỗi các hộ không dám nhận vì sợ không đủ rau để cung cấp cho mối.
Cách đó không xa, tại ao của ông Phạm Văn Kính (65 tuổi, quê Bắc Giang), người có thâm niên cũng 20 năm trong nghề đang cố hết sức kéo tảng rau nhút dài vừa thu hoạch vào sát bờ rồi quăng lên cho vợ sơ chế nhặt rễ, bỏ đoạn gốc, phân loại rau. Rau cọng to thì giao nhà hàng, cọng nhỏ hơn thì đem ra chợ bán lẻ. Tùy vào độ dài, ngắn của rau mà mức giá cũng khác nhau.
“Công việc hái rau vất vả lắm, luôn phải trầm mình dưới nước liên tục, khiến tay, chân phồng rộp, cộng thêm trên người mặc quần chống thấm nước thì nóng kinh khủng. Thế nên, việc hái rau hầu như là việc của người đàn ông, các chị em phụ nữ không làm được”, ông Kính nói.
Khẳng định công việc cực nhọc, vất vả nhưng ông Kính cho biết, nghề trồng rau nhút vẫn mang lại thu nhập ổn định. Hiện gia đình đang thuê 60.000m2 đất để trồng rau nhút, mỗi ngày thu hoạch từ 150 - 200 kg theo đơn đặt hàng của khách. Trừ các chi phí, mỗi tháng gia đình cũng lãi trên 10 triệu đồng.
Theo người dân, nghề trồng rau nhút không khó khăn với người gắn bó lâu năm, tuy nhiên đối với người mới vào nghề, nếu không chăm sóc kỹ lưỡng rau dễ bị chết. Việc trồng rau nhút quan trọng nhất là không để nguồn nước bị ô nhiễm vì sẽ làm chúng kém phát triển và chết rất nhanh, nhất là vào thời điểm TP Hồ Chí Minh bước vào mùa mưa. Sau khi thu hoạch, phải gạt bớt bèo tấm đi, nhiều bèo quá rau cũng không phát triển được.
“Tôi cũng không biết làm ở đây đến bao lâu, giờ chỉ biết gắn bó với nghề này đến khi nào họ lấy lại đất làm dự án thì mình tiếp tục đi tìm vị trí khác để thuê trồng rau nhút mưu sinh, trang trải cuộc sống”, ông Kính tâm tư.