Hãng thông tấn Reuters (Anh) cho biết tình trạng này xuất phát từ ô nhiễm bởi chất hóa học công nghiệp, nước thải, kim loại và rác từ Johannesburg và Pretoria đổ về các con sông.
Các thành phần trong chất gây ô nhiễm đóng vai trò như phân bón dành cho lục bình. Sự sinh sôi mạnh mẽ của chúng đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống người dân địa phương.
Ông Dion Mostert (53 tuổi) đứng trước nguy cơ phải cho 25 nhân viên tại công ty du thuyền nghỉ việc do công việc “đóng băng” bởi lục bình chiếm dụng mặt nước. Ông nói: “Những con thuyền không thể di chuyển. Chúng đã ảnh hưởng đến du lịch tại thị trấn của chúng tôi, đến ngành nghề du lịch”. Ông đã cân nhắc sử dụng thuốc diệt cỏ nhưng thừa nhận nó chỉ là giải pháp tạm thời.
Các nhà khoa học và người dân địa phương đã tìm được phương pháp độc đáo để xử lý đám lục bình đó là sử dụng loài bọ chuyên ăn lục bình có tên Megamelus scutellaris. Loài côn trùng nhỏ bé này là kẻ thù tự nhiên đối với lục bình, chúng đều có chung nguồn gốc từ lưu vực Amazon tại Nam Mỹ.
Megamelus scutellaris tiêu hủy lục bình bằng cách tấn công các tế bào chuyển chất dinh dưỡng sản sinh trong quá trình quang hợp của lá cây.
Nhà sinh vật học Patrick Ganda (41 tuổi) nuôi rất nhiều con bọ này tại khu bảo tồn đất ngập nước Grootvaly Blesbokspruit ở Đông Nam Hartbeespoort. Trước đây, địa điểm này thu hút nhiều khách du lịch đến chiêm ngưỡng hàng trăm loại chim. Tuy nhiên, hiện nay số lượng chim trở nên thưa thớt, chỉ còn lại 2-3 loài do chúng không thể tìm được thức ăn dưới lớp lục bình dày đặc.
Các nhà khoa học cảnh báo rằng mặc dù loài côn trùng đã góp phần thành công trong kiểm soát tình hình nhưng cần làm thêm nhiều việc để xử lý gốc rễ vấn đề, đó là cần có quy định nghiêm ngặt đối với quản lý nước thải. Giáo sư Julie Coetzee tại Trung tâm kiểm soát sinh vật học tại Đại học Rhodes (Nam Phi) nhận định: “Tại Nam Phi, chúng ta phải đối mặt với nước ô nhiễm khá nặng”. Nhà khoa học Kelby English cũng tại Đại học Rhodes nói: “Chúng ta đang mới chỉ điều trị triệu chứng của một vấn đề lớn hơn nhiều”.