Cách thành phố Hà Giang khoảng 160 km, nhưng để lên được Mèo Vạc, du khách cũng mất 5 - 6 tiếng di chuyển bằng ô tô với đường đi khúc khuỷu, quanh co. Huyện Mèo Vạc có tới gần 80% người dân là dân tộc thiểu số. Nằm trên cao nguyên đá nên thiên nhiên ở đây không ưu đãi, nắng nhiều, mưa hiếm, ít nước ngọt. Mèo Vạc nổi tiếng với những vách núi dựng đứng, đất đai khô cằn, sỏi đá, lại rất ít đất sản xuất.
Năm 2016, từ chủ trương xây dựng làng văn hoá du lịch cộng đồng của tỉnh Hà Giang, huyện Mèo Vạc đã xây dựng thí điểm mô hình kinh tế mới với định hướng phát triển du lịch trở thành kinh tế mũi nhọn với các giải pháp mang tính trước mắt và lâu dài, trong đó nổi bật là làng VHDLCĐ Pả Vi Hạ.
Làng du lịch văn hoá cộng đồng Pả Vi Hạ nằm cách trung tâm huyện Mèo Vạc khoảng 4 km trên con đường Hạnh phúc nối hai huyện Mèo Vạc và Đồng Văn. Làng có tổng diện tích hơn 46.000 m2 và chia làm 3 khu, hiện có 28 hộ tham gia mô hình kinh tế này để khai thác du lịch. Đây là một quần thể nghỉ dưỡng gồm nhiều homestay khác nhau, được kiến trúc theo hình bông hoa đào, một loại hoa nổi tiếng ở Mèo Vạc.
Những homestay được thiết kế theo kiến trúc nhà truyền thống của người Mông. Nhà làm bằng tường đất theo phương pháp trình tường của người địa phương, kiểu nhà 3 gian hai chái, cột kèo bằng gỗ, mái lợp ngói âm dương hai tầng. Mỗi homestay được bố trí xây dựng trên diện tích khoảng 300m2, có hàng rào bằng đá xếp xung quanh.
Ông Nguyễn Văn Lưu, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Mèo Vạc cho biết: Làng được quy hoạch tổng thể. Theo đó, hạ tầng của làng du lịch văn hóa cộng đồng Pả Vi Hạ vào làng cũng được đầu tư bài bản. Giao thông nội thôn có bề mặt lát bằng đá, hai bên đường trồng cây đào cảnh quan. Trong làng, có nhà văn hóa thôn, nhà trưng bày theo mẫu truyền thống của người Mông, có khu sân chơi được dùng làm nơi biểu diễn văn hóa, văn nghệ truyền thống. Hiện các hạng mục như bãi đỗ xe, đường giao thông, nhà văn hóa, nhà trưng bày, khu chăn nuôi tập trung và trồng cỏ, khu dịch vụ spa… đã hoàn chỉnh. Các mô hình của 28 hộ được yêu cầu phải theo thiết kế chung của quy hoạch.
Ngoài mặt bằng, đường giao thông thuận tiện, toàn bộ người dân trong làng là đồng bào người Mông. Trong làng, hiện còn một số nghệ nhân nòng cốt. Làng văn hóa không chỉ giúp địa phương bảo tồn, quảng bá văn hoá dân tộc Mông, mà còn là mô hình đại diện cho toàn bộ người Mông nói chung. Ngoài phục vụ khách du lịch, thì nơi này là điểm đến của bà con người Mông để sinh hoạt, thưởng thức và tìm hiểu rõ hơn về văn hóa truyền thống dân tộc mình.
Ông Nguyễn Văn Quyết, chủ dịch vụ homestay và quán ăn phục vụ khách du lịch tại Làng Văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông, chia sẻ: Gia đình làm dịch vụ homestay với quán ăn, sân chơi cho du khách, các món ăn dân tộc Mông là chủ yếu. Homestay theo lối kiến trúc truyền thống dân tộc Mông kết hợp với hiện đại, có khoảng 20 phòng nghỉ với giá 200.000 – 350.000 đồng/phòng/ngày với phòng cộng đồng và 1,2 triệu đồng với phòng VIP. Homestay có phục vụ cà phê và đồ uống và có gian hàng trưng bày đồ lưu niệm như: Thổ cẩm, các vật dụng sinh hoạt thường ngày của đồng bào Mông… Gia đình và các hộ khác trong làng được tập huấn nghiệp vụ du lịch để thực hiện đúng chuẩn mực thân thiện, minh bạch giá cả, đảm bảo vệ sinh môi trường trong các khâu ăn uống và trải nghiệm…
Ông Nguyễn Văn Lưu, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Mèo Vạc cho biết: Làng Văn hóa cộng đồng thôn Pả Vi Hạ khởi công vào cuối năm 2016 và đi vào hoạt động từ năm 4/2019. Dân tộc Mông là tiêu biểu đặc sắc của huyện Mèo Vạc nên tỉnh Hà Giang đã ban hành đề án xây dựng Lằng Văn hóa cộng đồng thôn Pả Vi Hạ. Lượng khách đến đây đông chiếm 2/3 lượng khách đến địa bàn.
Thường khách đi du lịch Cao nguyên đá Đồng Văn khi đi qua đèo Mã Pí Lèng, trải nghiệm du đi thuyền trên dòng sông Nho Quế đều dừng trên tại Làng văn hóa cộng đồng thôn Pả Vi Hạ. Khi đến đây, du khách sẽ hiểu rõ hơn về kiến trúc dân tộc Mông và đời sống sinh hoạt qua trang phục, ẩm thực.... Những tuần lễ văn hoá thường xuyên được tổ chức tại huyện Mèo Vạc để thúc đẩy du lịch như Lễ hội hoa đào, Lễ hội hoa tam giác mạch, chợ tình Khâu Vai, ngày hội văn hóa dân tộc Mông, Festival khèn Mông… "Chỉ tính riêng Chợ tình Khâu Vai, mỗi năm đã thu hút khoảng 30.000 lượt khách. Khách quốc tế đến với Mèo Vạc ngày càng nhiều. Hoạt động kinh tế du lịch từ chỗ đạt vài chục tỷ đồng, đến nay, riêng doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống của huyện ước đạt khoảng 130 tỷ đồng/năm" ông Nguyễn Văn Lưu cho biết.
"Kêt hợp với các danh thắng và chợ phiên, mê cung đá sẽ là chuỗi điểm nhấn thu hút khách. Năm 2020, huyện Mèo Vạc tổ chức lễ hội văn hóa dân tộc Mông tại Làng để quảng bá tới du khách điểm nhấn trên hành trình khám phá Cao nguyên đá Đồng Văn. Văn hóa dân tộc Mông đã được bảo tồn tôt hơn và phục vụ phát triển du lịch. Trong bối cảnh bình thường mới, tất cả các điểm đều thực hiện phòng dịch như có nước sát khuẩn, tạo mã QR code và theo dõi hành trình khách.”, ông Nguyễn Văn Lưu chia sẻ.
Mô hình làng văn hoá du lịch cộng đồng dân tộc Mông gắn với xây dựng nông thôn mới ở thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi đã tạo sự đột phá về kinh tế, mang lại môi trường sống và lao động sản xuất tốt cho người dân địa phương, lại bảo tồn được văn hoá dân tộc bản địa. Mô hình này đã được nhân rộng, không chỉ ở Mèo Vạc mà trên toàn tỉnh Hà Giang.
Ảnh, clip phóng viên báo Tin tức ghi nhận tại làng văn hóa du lịch cộng đồng Pả Vi Hạ: