Chủ trương của Đảng và Nhà nước là phát triển du lịch gắn với bảo tồn di sản, văn hóa được tỉnh Hà Giang triển khai như thế nào, thưa ông?
Hà Giang là vùng đất biên cương, địa đầu Tổ quốc, có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ với nhiều giá trị đặc sắc về địa chất, địa hình; thời tiết, khí hậu quanh năm ôn hòa, mát mẻ; nhiều giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào các dân tộc vẫn đang được giữ gìn và phát huy... đây là những tiềm năng, lợi thể để đẩy mạnh phát triển du lịch.
Hà Giang đã hình thành 3 không gian du lịch gồm:
Không gian du lịch đồi núi thấp (thành phố Hà Giang, Bắc Mê, Vị Xuyên, Bắc Quang) gắn với sản phẩm du lịch thương mại, du lịch nông nghiệp và đặc biệt là sản phẩm du lịch văn hóa, sinh thái và tâm linh.
Không gian du lịch đồi núi đá phía Bắc (Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc) là vùng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn và cũng là khu vực phát triển du lịch trọng điểm của tỉnh, là vùng đã được quy hoạch xây dựng để trở thành khu du lịch quốc gia. Khu vực đồi núi đá phía Bắc gắn liền với sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch văn hóa và thể thao mạo hiểm.
Không gian du lịch đồi núi đất phía Tây (Hoàng Su Phì, Xín Mần, Quang Bình) gắn với Di tích danh thắng quốc gia ruộng bậc thang Hoàng Su Phì, được biết tới với sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng và du lịch nghỉ dưỡng.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 12 điểm du lịch được UBND tỉnh công nhận, 16 làng văn hóa du lịch cộng đồng. Nhiều khu du lịch, điểm du lịch đã và đang được triển khai xây dựng với quy mô lớn, tính cạnh tranh cao.
Đặc biệt, Hà Giang có 3 bảo vật quốc gia; 61 di tích, danh thắng được xếp hạng trong đó 31 di tích, danh thắng cấp quốc gia, 30 di tích, danh thắng cấp tỉnh và 22 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; 6 làng nghề có sản phẩm OCOP từ 3-4 sao phục vụ du lịch, 8 làng nghề được đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm; 193 sản phẩm đạt sao OCOP, trong đó 40 sản phẩm đạt 4 sao, 153 sản phẩm đạt 3 sao.
Ẩm thực Hà Giang được du khách yêu thích, đặc biệt là các món ăn truyền thống của các dân tộc vùng cao được khách du lịch lựa chọn. Hà Giang được Hội đồng xác lập kỷ lục Việt Nam (2020 – 2021) xác lập có hai món ăn gồm cháo ấu tẩu, mèn mén nằm trong 100 món ăn đặc sản của Việt Nam và 2 sản phẩm quà tặng gồm: Mật ong bạc hà, chè Shan tuyết Hoàng Su Phì nằm trong 100 sản phẩm quà tặng đặc sắc ở Việt Nam.
Năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh COVID-19, nhưng ngay sau khi dịch bệnh được kiếm soát, du lịch Hà Giang nhanh chóng phục hồi trở lại, đón 1,5 triệu lượt khách (tăng 7% so với cùng kỳ năm 2019), tạo ra 12.000 việc làm, trong đó có 6.000 việc làm trực tiếp, góp phần thúc đẩy phát triến kinh tế - xã hội của tỉnh. Đầu năm 2021, Hà Giang nằm trong top 10 điểm đến tuyệt vời nên khám phá ở Việt Nam do Hãng truyền thông quốc tế CNN bình chọn.
Căn cứ Chương trình số 29 - Ctr/TU ngày 24/7/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 2/8/2021 của Ban thường vụ Tỉnh ủy về phát triển du lịch tỉnh Hà Giang giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Hà Giang đã xây dựng kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch tỉnh Hà Giang giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025 có 30 điểm du lịch được UBND tỉnh công nhận và đến năm 2030 Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn được công nhận là khu du lịch quốc gia.
Do đó, UBND tỉnh đã ban hành đề án bảo tồn văn hóa các dân tộc, làm bài bản. Sở đang tham mưu cho tỉnh triển khai từng giai đoạn cụ thể, giai đoạn 2021-2025, tập trung bảo tồn 16 làng văn hóa đặc trưng trên tuyến du lịch, để làng đạt tiêu chuẩn phục vụ khách nội địa, quốc tế. Bảo tồn văn hóa không thể chung chung mà triển khai cụ thể với từng sản phẩm về kiến trúc, lễ hội, trang phục, ẩm thực.
Cụ thể, đối với nâng cấp với sản phẩm du lịch cộng đồng hiện có, tỉnh sẽ tập trung bảo tồn kiến trúc truyền thống đặc trưng của các làng văn hóa du lịch, trong đó chú trọng kiến trúc nhà, mái nhà, tường rào truyền thống như: Gìn giữ nếp sinh hoạt gia đình, làng bản, cộng đồng; hoạt động sản xuất, nghệ truyền thống; Bảo tồn và phát huy các làn điệu dân ca, dân vũ, phong tục tập quán, trang phục, lễ hội của các dân tộc vừa độc đáo vừa phù hợp với nếp sống văn minh để phục vụ nhu cầu tìm hiểu, trải nghiệm của du khách; Chỉnh trang cơ sở hạ tầng nông thôn như đường làng, cổng làng, cây cảnh quan, hệ thống cấp thoát nước, vệ sinh môi trường, trạm thông tin, điểm trưng bày giới thiệu sản phẩm nông sản, quà lưu niệm của địa phương... phù hợp với kiến trúc truyền thống; Thường xuyên nghiên cứu đề xuất phát triển các sản phẩm hỗ trợ như tham gia lao động sản xuất sinh hoạt cùng người dân địa phương, đi bộ, đạp xe, tắm suối, chế biến ẩm thực, học nghề thủ công... để đáp ứng nhu cầu du khách.
Hà Giang cũng hình thành mô hình quản lý phù hợp thực hiện chức năng nhiệm vụ quản lý cam kết chung cộng đồng, kết nối và điều phối phát huy hiệu quả của làng văn hóa du lịch cộng đồng; Chú trọng công tác liên kết hợp tác với các doanh nghiệp lữu hành du lịch trong việc đón khách du lịch; Xây dựng bộ tiêu chí phát triển phù hợp với đặc điểm của làng theo hướng đạt tiêu chuẩn làn văn hóa du lịch tiêu biểu gắn với sản phẩm OCOP, làng văn hóa du lịch dược liệu, làng văn hóa du lịch theo tiêu chuẩn ASEAN.
Tỉnh cũng nâng cấp một số làng văn hóa du lịch cộng đồng tiêu biểu để nhân rộng như: Làng văn hóa Lô Lô Chải (văn hóa du lịch cộng đồng tiêu biểu kiến trúc truyền thống dân tộc Lô Lô), Làng văn hóa du lịch thôn Nặm Đăm (theo tiêu chuẩn ASEAN); Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi (mô hình hoạt động hợp tác xã du lịch). Làng văn hóa du lịch thôn Chì, thôn Tha, thôn Hạ Thành (văn hóa đặc trưng dân tộc Tày); Làng văn hóa du lịch thôn Lũng Cẩm Trên (văn hóa truyền thống dân tộc Mông); Làng văn hóa du lịch thôn Nậm Hồng (văn hóa truyền thống dân tộc Dao Đỏ)...
Đối với sản phẩm du lịch văn hóa, tỉnh lập các dự án trùng tu, tôn tạo bảo tồn yếu tố gốc của di tích theo qui định của pháp luật hình thành điểm du lịch nhằm phát huy giá trị di tích; Đầu tư cơ sở hạ tầng về giao thông, các loại hình dịch vụ du lịch kết nối với các điểm di tích hình thành các chương trình du lịch độc đáp, hấp dẫn.
Tỉnh cũng tập trung ưu tiên cho các di tích đã và đang được thị trường khách du lịch trong và ngoài nước yêu thích. Cụ thể, với di tích Cột cờ Lũng Cú và quần thể khu du lịch sinh thái, văn hóa tâm linh, bổ sung đầu tư, nâng cấp trang thiết bị đưa cột cờ Lũng Cũ trở thành điểm đến đạt tiêu chuẩn quốc tế, như: Xây dựng đường đi cho xe lăn dành cho người khuyết tật, trẻ em, người già; nâng cấp hệ thống nhà vệ sinh đạt chuẩn; lắp đặt ống nhòm thực tế ảo trên đài quan sát; lắp đặt hệ thống ảnh sáng nghệ thuật để có thể khai thác, phục vụ khách du lịch thăm quan vào buổi tối; triển khai hệ thống vé tham quan bằng thẻ điện từ.
Với di tích kiến trúc nghệ thuật Nhà Vương, tỉnh sẽ thực hiện bảo tồn kiến trúc gốc, tái hiện lại không sinh hoạt gia đình (khu vực phòng khách, nhà ăn, nhà kho, phòng ngủ…) để trở thành một “Bảo tàng sống”; đồng thời, tạo một số điểm tham quan, trải nghiệm vệ tinh xung quang di tích Nhà Vương. phục vụ khách du lịch.
Di tích kiến trúc nghệ thuật Phố cổ Đồng Văn được bảo tồn gìn giữ kiến trúc phổ cổ kết hợp chấn chỉnh, bố trí các hoạt động dịch vụ trong dãy phố khoa học, hợp lý làm nổi bật giá trị không gian phố cổ. Mở rộng kết nối với một số sản phẩm du lịch hỗ trợ trong khu vực như di tích Đền Quan Công, chợ phiên, chế biến và thưởng thức ẩm thực truyền thống…
Với di tích Bãi đá cổ Nấm Dẩn (Xín Mần) sẽ tôn tạo các hạng mục đã xuống cấp, tạo đường tham quan đi bằng xe máy đảm bảo không ảnh hưởng đến cảnh quan để hỗ trợ du khách...
Tỉnh Hà Giang hoàn chỉnh sản phẩm du lịch văn hóa, tâm linh thăm chiến trường xưa Vị Xuyên. Trong đó tập trung nghiên cứu trải nghiệm về đêm tại nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên kết nối với điểm Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Mặt trận Vị Xuyên. Cải tạo một số điểm hang Làng Lò, hang Dơi và một số Cao điểm nơi ghi dấu lịch sử cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới 1979 – 1984.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng triển khai Đề án “Nâng cao chất lượng hoạt động của Bảo tàng gắn với phát triển du lịch” theo hướng hiện đại với hai không gian trưng bày trong nhà và ngoài trời đảm bảo mang đậm giá trị văn hóa Hà Giang. Tổ chức các hoạt động trải nghiệm văn hóa truyền thống các dân tộc như: Xay ngô, dệt vải, hát then đàn tính, thổi khèn Mông... đưa Bảo tàng tỉnh vào là một trong những điểm du lịch chính trong lộ trình tham quan tại Hà Giang, kết nối với tuyến phố đi bộ về đêm của thành phố; Triển khai trưng bày Bảo tàng văn hóa các dân tộc Cao nguyên đá Đồng Văn hiện đại, hấp dẫn thu hút khách tham quan.
Với các lễ hội, tỉnh Hà Giang nâng cấp và duy trì tổ chức các lễ hội văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc theo hướng để du khách được trải nghiệm và hoàn mình vào lễ hội, trong đó chú trong một số lễ hội đặc trưng của Hà Giang như: Chợ Phong Lưu Khâu Vai, Nhảy lửa, Lồng tồng, Gầu Tào, Khèn Mông, tuần văn hóa dân gian dân tộc Nùng, Cấp sắc... Tỉnh Hà Giang đổi mới trong tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch để thu hút khách du lịch như: Lễ hội hoa Tam giác mạch, thêu dệt thổ cẩm, dù bay...
Vây trong thời gian tới, tỉnh Hà Giang sẽ có những sản phẩm du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng nào, thưa ông?
Với các sản phẩm du lịch mới, tỉnh Hà Giang chủ trương nghiên cứu, rà soát bảo tồn xây dựng một số làng văn hóa du lịch cộng đồng mới gắn với các khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và các sản phẩm du lịch khác hình thành chuỗi sản phẩm du lịch hấp dẫn. Cụ thể là Làng văn hóa du lịch cộng đồng thôn Khâu Vai gắn với Lễ hội Chợ phong lưu Khâu Vai, khu du lịch Mê cung đá kết nối với tuyến du lịch lòng hồ thủy điện Bảo Lâm 1; Làng văn hóa du lịch Cốc Pảng gắn với khu du lịch Du Già theo hướng du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, khu đô thị du lịch, trung tâm dược liệu chăm sóc sức khỏe, trang trại nghĩ dưỡng homestay đặc sắc. Bảo tồn và xây dựng “Làng văn hóa du lịch tiêu biểu” dân tộc Pà Thẻn thôn Minh Thượng gắn với phát triển quần thể du lịch “Tân Lập Xanh”, xã Tân Lập, huyện Bắc Quang
Tỉnh Hà Giang sẽ triển khai dự án làng văn hóa du lịch phức hợp đa trải nghiệm OASIS Mã Pì Lèng với chức năng bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc Mông gắn với các sản phẩm hỗ trợ khai thác giá trị danh thắng Mã Pì Lèng.
Với các sản phẩm du lịch văn hóa, tỉnh giới thiệu và hướng dẫn du khách cùng trải nghiệm các sinh hoạt văn hóa cộng đồng như vui chơi, nhảy múa, tham gia các lễ hội truyền thống, phong tục tập quán tín ngưỡng độc đáo của các dân tộc; trải nghiệm phương thức sản xuất nông nghiệp, nghề thủ công, chế biến ẩm thực với người dân địa phương; Tìm hiểu giá trị văn hóa lịch sử cách mạng của các cuộc cách mạng và đặc biệt là cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới của quân và dân ta; Phục vụ nhu cầu tín ngưỡng tâm linh du khách thông qua các di sản văn hóa tâm linh ở địa phương.
Tỉnh dự kiến thu hút đầu tư xây dựng 4 trung tâm bảo tồn và diễn xướng văn hóa truyền thống các dân tộc.
Đối với loại hình di sản văn hóa vật thể, tỉnh cũng chú trọng bảo tồn kiến trúc tuyền thống như nhà ở, tường rào, các di tích danh lam thắng cảnh. Tiếp tục kêu gọi thu hút các nhà đầu tư trùng tu, tôn tạo các di tích, danh lam thắng cảnh của tỉnh với phương châm vừa bảo tồn di sản theo qui định vừa phát triển các dịch vụ vệ tinh để tạo sự hấp dẫn du khách.
Đối với di sản văn hóa phi vật thể, tỉnh thực hiện bảo tồn, gìn giữ di sản văn hóa cộng đồng các dân tộc, đặc biệt là các lễ hội truyền thống, phong tục tập quán, tín ngưỡng, kỹ thuật chế tác nghề truyền thống, văn hóa ẩm thực tiêu biểu. Chú trọng xây dựng và phát triển các câu lạc bộ dân ca, dân vũ, nhạc cụ dân tộc truyền thống để thành các sản phẩm phục vụ khách.
Để nâng cao ý thức người dân tham gia vào công tác bảo tồn di sản, văn hóa phục vụ du lịch và cộng đồng, tỉnh có giải pháp như thế nào, thưa ông?
Nhằm nâng cao nhận thức của người dân làm về dịch vụ, Hà Giang đã xây dựng đề án nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, ưu tiên nâng cao nhận thức về người dân tại cộng đồng về đón khách, ý thức đón khách tại điểm, về kiến thức đón khách, dịch vụ và đón khách tại điểm.
Chúng tôi ban hành cuốn Bách khoa thư Du lịch Hà Giang, nội dung cơ bản về văn hóa, bản sắc 19 dân tộc Hà Giang và sau này đến các điểm được hướng dẫn viên tại điểm thấy được đang đi theo hướng vừa bổn tồn và hội nhập và có tính chuyên nghiệp, mang lại sự hài lòng.
Xin cám ơn ông!