Dấu thời gian ở ngôi làng hơn 500 tuổi tại Hà Nội

Làng Cựu là ngôi làng có tuổi đời hơn 500 năm của mảnh đất Kinh kỳ, nay thuộc xã Vân Từ, huyện Phú Xuyên, cách trung tâm Hà Nội 40km, bên dòng sông Nhuệ.

Đến nay, ngôi làng vẫn còn lưu giữ được nhiều ngôi nhà, biệt thự có kiến trúc pha trộn phong cách Việt cổ truyền thống và Pháp, tạo nên nét độc đáo, vừa là nơi lưu giữ các giá trị văn hóa, lịch sử, nghệ thuật quý giá vừa thu hút đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế.  

Chú thích ảnh
Cổng làng là kiến trúc cổ cao nhất ở làng Cựu, được xây theo lối “quyển thư”, bề thế, có tầng, có mái và có cả lối lên xuống. Ảnh: Hà Anh
Chú thích ảnh
Đình làng Cựu được xây dựng vào đầu thế kỷ XVI. Mới được tu sửa lại nhưng chưa hoàn chỉnh. Đình nằm ở đầu làng, trước mặt là ao sen. Đình làng nằm trong tổ hợp kiến trúc: đình, sân đình, cây bồ đề cổ thụ, ao sen. Đình là không gian cộng đồng quan trọng của làng, là nơi tập trung, nghỉ chân của người dân khi đi làm đồng. Ảnh: Hà Anh
Chú thích ảnh
Chùa làng được đặt tên là Phúc Duệ (chùa Dồi) ý nói mang lại may mắn cho người dân như nước dòng sông Nhuệ. Ảnh: Hà Anh
Chú thích ảnh
Giếng làng là không gian đa chức năng, vừa là nơi họp chợ, vừa là không gian cộng đồng của dân làng. Ảnh: Hà Anh
Chú thích ảnh
Trường Huỳnh Thúc Kháng được xây dựng từ những năm 1930 - 1945, xưa là nơi dạy học, nay đã trở thành hội trường họp của làng Cựu. Ảnh: Hà Anh
Chú thích ảnh
Làng Cựu nổi danh với những ngôi biệt thự cổ pha lẫn kiến trúc Việt và Pháp được xây dựng từ những năm đầu thế kỷ XX. Ảnh: Hà Anh
Chú thích ảnh
Những ngôi nhà cổ với mái nhà, cột vòm kiểu Gothic theo lối kiến trúc Phục Hưng phương Tây kết hợp hai hàng câu đối chữ Hán - Nôm, trên là tấm đại tự vòm cổng hoặc chạm trổ hình con nghê truyền thống của người Việt. Ảnh: Hà Anh
Chú thích ảnh
Cổng nhà thờ họ Trần. Ngôi nhà thờ dòng họ Trần tọa lạc giữa làng - một trong những kiến trúc tiêu biểu nhà cổ trong làng còn nguyên vẹn và vẫn đang hoạt động. Tuy được xây theo lối thuần Việt nhưng cũng thấp thoáng có nét phương Tây bởi sự bề thế và quy mô của nó. Được biết, dòng họ Trần là dòng họ đầu tiên di cư về đây, sống quần tụ với nhau. Ảnh: Hà Anh
Chú thích ảnh
Một trong những ngôi nhà cổ có kiến trúc đẹp nhất của làng đó là ngôi nhà của cụ cố Phó Du được xây dựng từ năm 1929. Trên cổng vào, hình tượng con tôm đắp nổi tinh tế, với đôi càng khỏe như đang nâng niu bức đại tự bốn chữ “Nhập hiếu xuất đễ” với hàm ý vào nhà có hiếu với cha mẹ ra ngoài nhường nhịn anh em. Ảnh: Hà Anh
Chú thích ảnh
Lối nhỏ dẫn vào một ngôi nhà nhỏ ở làng Cựu. Ảnh: Hà Anh
Chú thích ảnh
Nhà ông Xã Vinh có lối kiến trúc cầu kì với ngõ vào thênh thang lát đá tảng xanh, cổng trang trí kiểu sơn thuỷ hữu tình, trên có hình hoa đào, hoa sói, tôm hùm, lân, phượng, câu đối khắc chữ Nho. Giữa hai tòa nhà, phía trên cao có một chiếc cầu cong nối liền. Ảnh: Hà Anh
Chú thích ảnh
Ngôi nhà ba gian hai chái với sân vườn, nổi bật với hoa văn được chạm trổ tinh xảo trên mái nhà, trên các cột trụ gỗ lim, hình hoa sen, hình đắp nổi tinh tế cùng những hoa văn Pháp trên cửa sắt, cửa sổ. Ảnh: Hà Anh
Chú thích ảnh
Hiện nay làng còn khoảng 40 ngôi nhà cổ được xây dựng từ đầu thế kỉ XX, hơn một nửa đang xuống cấp và khoảng 40% có người ở, số còn lại bị bỏ hoang hoặc chủ nhà đi vắng. Ảnh: Hà Anh
Chú thích ảnh
Làng Cựu còn lưu giữ dãy nhà cổ trầm mặc, giếng làng trong mát, cổng làng, chùa làng cổ kính… đặc trưng kiến trúc của Vùng đồng bằng sông Hồng. Ảnh: Hà Anh
TTXVN/Báo Tin tức
Phát huy giá trị văn hóa, lịch sử Di tích Quốc gia đặc biệt chùa Keo
Phát huy giá trị văn hóa, lịch sử Di tích Quốc gia đặc biệt chùa Keo

Tối 12/10 (tức ngày 10/9 Âm lịch), tại Di tích Quốc gia đặc biệt chùa Keo (xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình), Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Vũ Thư đã khai mạc lễ hội chùa Keo mùa Thu năm 2024.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN