Những giọt nước mắt và nỗi tuyệt vọng vương vấn trên gương mặt những người di cư Myanmar và Bangladesh khi họ phải đấu tranh sống còn trên các con tàu lênh đênh ngoài biển, và khi đến đất liền, họ lại bị từ chối và có nguy cơ bị đưa trở lại đại dương.
Một người di cư tuyệt vọng khi mắc kẹt trên thuyền. |
Một thảm họa nhân đạo đang dần nhen nhóm khi hàng nghìn người di cư vẫn đang mắc kẹt trên các con thuyền lênh đênh trên biển, thiếu thực phẩm và không có nước uống trong khi các nhà chức trách tại các nước Đông Nam Á vẫn đang lưỡng lự từ chối nhận họ vào đất liền.
Không một tổ chức nào, từ Cao ủy Liên hiệp quốc về Người tị nạn (UNHCR) và tổ chức Di dân quốc tế (IOM) biết được chính xác có bao nhiêu con thuyền vẫn trôi nổi cùng bao số phận người di cư trên biển. Tuy nhiên số người mắc kẹt trên đó được ước tính có thể lên tới hàng nghìn người.
Một người di cư Rohingya được trợ giúp y tế tại Sumatra, Indonesia. |
Người phụ nữ và con nhỏ được cứu từ chiếc thuyền chở người di cư. |
Những con thuyền chở người di cư ở trên đại dương đang cố gắng tránh né lực lượng tuần tra biển và người di cư đang bị giam giữ như những tù nhân bởi những kẻ buôn người.
Không những vậy, nhiều con thuyền bị những kẻ buôn người bỏ rơi và tình trạng hỗn loạn diễn ra khi người di cư tấn công lẫn nhau để tranh giành nước uống và thực phẩm.
Mohammad Amin (35 tuổi người Rohingya, Myanmar), một nhân chứng được cứu sống sau nhiều tháng mắc kẹt trên biển Andaman kể lại: “Cả một gia đình gồm hai vợ chồng và con trai của họ đã bị đánh đến thiệt mạng. Xác của họ bị ném xuống biển”.
Mohammad Rafique (21 tuổi) thì kể lại anh đã bị tấn công bằng búa và dao trong cuộc hỗn chiến trên thuyền và tài sản duy nhất hiện giờ của anh chỉ là thẻ nhận dạng của Cao ủy Liên hiệp quốc về người tị nạn tại Bangladesh.
Vậy các nước có liên quan trong tình trạng người di cư trên thuyền này có vai trò gì và lựa chọn nào đối với vấn đề hết sức cấp thiết này?
MyanmarNhững đứa trẻ di cư thiêm thiếp ngủ tại Kuala Langsa, Indonesia. |
Myanmar có dân số người Rohingya, một tộc người theo đạo Hồi, khá lớn, đặc biệt ở bang Rakhine thuộc phía tây nước này. Liên hiệp quốc ước tính rằng hơn 100.000 người Rohingya đã rời Myanmar bằng đường biển kể từ khi xung đột sắc tộc bùng phát tại nước này năm 2012.
Chính phủ Myanmar đã từ chối công nhận những người Rohingya là một dân tộc của đất nước Đông Nam Á này.
Tuy nhiên, mới đây, ngày 19/5, Bộ Ngoại giao Myanmar ra thông cáo nêu rõ Myanmar chia sẻ mối quan ngại với cộng đồng quốc tế và sẵn sàng cung cấp cứu trợ nhân đạo cho bất cứ thuyền nhân nào trên biển.
Một em bé người Rohingya chụp ảnh để nhận dạng tại Kuala Langsa, Indonesia. |
Bangladesh Theo con số ước tính của LHQ, có khoảng 300.000 người di cư Rohingya sống tại đất nước láng giềng của Myanmar là Bangladesh và họ chủ yếu cư trú trong những lán trại bất hợp pháp hoặc những khu vực do LHQ mở ra nhưng họ không thể tìm kiếm việc làm và đang ở trong tình trạng nhiều nguy hiểm.
Trong khi nhiều tổ chức như UNHCR coi người Rohingya là người tị nạn hợp pháp thì nhiều nước Đông Nam Á lại từ chối các con thuyền chở họ với lý do trên đó có nhiều người di cư Bangladesh bất hợp pháp chủ yếu muốn tìm kiếm công việc tốt hơn.
Người di cư Rohingya tại nơi tạm trú ở Kuala Langsa, Indonesia. |
Thái LanKraiwut Chusakul, một ngư dân Thái Lan cho biết ông đã quan sát thấy rất nhiều thuyền chở người Rohingya lênh đênh trên biển, ông lo lắng nói: “Có rất nhiều trẻ em trên những con thuyền đó, phải có khoảng 100 đứa trẻ nhỏ”.
Ngư dân Thái Lan hỗ trợ thực phẩm cho người di cư trên thuyền ở ngoài khơi đảo Koh Lipe nước này. |
Cuối tuần trước, người dân đảo Koh Lipe ở miền Nam Thái Lan đã tiếp tế thực phẩm nước uống và quần áo cho những người di cư trên thuyền nhưng kể từ đó quân đội đã yêu cầu họ ngừng lại và không được trả lời phỏng vấn của báo chí về vấn đề này.
Chính phủ Thái Lan mới đây đã khẳng định sẽ mạnh tay giải quyết vấn đề người di cư bất hợp pháp tới nước này. Thái Lan cho biết đã cung cấp thực phẩm và nước uống cho người di cư vào giữa tuần trước, và đây là công bố “mới nhất” về việc hỗ trợ những người di cư. Vào ngày 29/5 tới, Thái Lan sẽ tổ chức hội nghị khu vực để bàn về vấn đề đang gây ra nhiều tranh cãi này.
IndonesiaNgày 18/5, phát ngôn viên quân đội Indonesia trả lời với CNN rằng: “Chúng tôi đã điều 4 tàu hải quân tuần tra lãnh hải tại tỉnh Aceh và chính sách vẫn được duy trì là chúng tôi sẽ không để cho bất cứ tàu chở người di cư bất hợp pháp nào vào”.
Một phụ nữ người Rohingya rơi nước mắt nói chuyện với người thân trên điện thoại sau khi đặt chân đến Indonesia. |
Tuy nhiên, theo báo cáo của UNHCR, trong tuần trước, ngư dân Indonesia đã cứu hơn 1.300 người Bangladesh và Rohingya khi tàu chở những người này trôi vào bờ tỉnh Aceh. Nhưng ông Basya lại có ý kiến rằng: “Ngư dân có thể giúp đỡ những người di cư vì lý do nhân đạo nhưng công việc của họ là đánh bắt cá và họ không cần thiết phải đi tìm kiếm những con tàu chở người di cư”.
Quay trở lại với Rafique, anh kể rằng khi con tàu chở anh trôi vào vùng biển Indonesia hồi tuần trước, hải quân nước này đã cung cấp thực phẩm, nước uống cho họ và hỏi rằng họ muốn đi đâu. Khi Rafique và mọi người nói rằng họ muốn đến Malaysia thì hải quân Indonesia chỉ nói ngắn gọn: “Hãy đến Malaysia” và họ đưa những người di cư tới biên giới Malaysia.
Một cậu bé thơ thẩn chơi với bóng tại khu tạm trú ở Kuala Langsa, Indonesia. |
MalaysiaMột quan chức cấp cao Malaysia đã nói rằng những người di cư từ Myanmar và Bangladesh không được chào đón ở nước ông và chính phủ Malaysia sẽ từ chối những cuộc di cư bất hợp pháp.
CNN dẫn lời Thứ trưởng Bộ Nội vụ Malaysia Junaidi Jaafar cho biết: “Nếu Malaysia tiếp nhận những người di cư này thì hàng trăm thậm chí hàng nghìn người từ Myanmar và Bangladesh sẽ đổ đến đây”.
Malaysia dự kiến tổ chức hội nghị bàn về vấn đề này trong ngày 20/5 tại Kuala Lumpur với sự tham dự của ngoại trưởng Thái Lan và Indonesia.
Hàng trăm người di cư mắc kẹt trên chiếc thuyền ở ngoài khơi đảo Koh Lipe, Thái Lan. |
PhilippinesPhilippines mới đây đưa ra đề nghị chào đón những người di cư và điều này nhận được đánh giá cao và hoan nghênh của quốc tế. Ông Herminio Coloma Jr., phát ngôn viên của Văn Phòng truyền thông của Tổng thống đã trích dẫn Công ước 1951 về Quy chế của người tị nạn với Philippines đã tham gia ký kết để lý giải về đề nghị của nước này.
Hà Linh (Theo CNN, Reuters)