Giống như cách làm thổ cẩm truyền thống, khăn Piêu được dệt từ sợi bông, sau đó nhuộm chàm. Tới khi vải khô, phụ nữ Thái mới bắt đầu thêu lên những hoa văn sặc sỡ.
Có 3 loại hoa văn được thêu trên mỗi chiếc khăn là tà leo, cút piêu và sai peng. Trong đó tà leo là vật trừ đuổi tà ma, bảo vệ thần hồn cho người đội khăn; cút piêu là phẩm vật cao quý của người bề trên và sai peng là dây tình của đôi lứa.
Theo quan niệm của người Thái, khăn Piêu còn là tiêu chuẩn để đánh giá tài năng, phẩm hạnh một người phụ nữ.
Từ khi còn bé đến lúc trưởng thành người con gái Thái được người mẹ dạy cho cách thêu thùa, may vá, dệt vải làm khăn. Học thêu khăn Piêu đối với các cô gái Thái là một quá trình nhận thức và rèn luyện đôi bàn tay khéo léo của mình để chuẩn bị bước vào đời.
Còn trong đời sống tình cảm của người Thái, chiếc khăn Piêu là minh chứng đặc biệt cho tình yêu đôi lứa.
Khi trong nhà có tang, khăn Piêu cũng được dùng làm lễ vật mang theo người mất và con cháu cũng phải đội khăn Piêu trong đám ma.
Khăn Piêu của phụ nữ Thái bởi vậy là một nét văn hoá không thể thiếu trong đời sống của đồng bào dân tộc Thái.
Tại Sơn La, cứ mỗi độ xuân về, khi những bông hoa ban nở trắng núi rừng, lễ hội Mùa hoa ban lại được tổ chức. Trong khuôn khổ lễ hội Mùa hoa ban năm 2017, tại thành phố Sơn La (tỉnh Sơn La) từ ngày 11-13/3, lần đầu tiên hội thi thêu khăn Piêu đã diễn ra, thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân và du khách.