Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) là cơ quan vinh dự được Bác Hồ đặt tên. Ngày 24/8/1945, Tổng Bí thư Trường Chinh và đồng chí Nguyễn Lương Bằng ra đón Bác Hồ vừa từ Việt Bắc về một cơ sở ở nội thành Hà Nội. Hôm đó, đồng chí Nguyễn Lương Bằng mang theo một bản dự thảo do đồng chí Trần Kim Xuyến biên soạn về việc thành lập Nha Thông tin Tuyên truyền, trong đó có các cơ quan báo chí để trình Bác. Bác Hồ đọc cẩn thận bản đề án dự thảo. Khi đến đoạn về các cơ quan báo chí, nhất là cơ quan Thông tấn, Bác đã nói: “Từ ngày 23/8 mà đã có bản tin đủ cả thế giới và trong nước, các chú ấy làm tốt và nhanh nhạy, nhưng phải có tên chứ?”. Rồi Bác Hồ cầm bút viết luôn bằng chữ Hán “Việt Nam Thông tấn xã” lên trên bản dự thảo, sau đó Bác viết tiếp dòng chữ tiếng Việt: Việt Nam Thông tấn xã và mở ngoặc VNTTX. Với vốn hiểu biết sâu sắc của Bác về chữ Hán... , chữ Xã có nghĩa rộng, như là một bộ, ngành lớn.
Một dấu mốc quan trọng là ngày 9/9/1985, TTXVN ra hai bản tin đối ngoại Vietnam Hebdo và Vietnam Weekly, cung cấp cho bạn đọc nước ngoài những thông tin về đất nước, con người và tình hình phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam. Đây chính là bước mở đầu cho sự ra đời các tờ báo đối ngoại của TTXVN.
Đến những năm 1990, lại thêm một đột phá khi TTXVN xuất bản một loạt tờ báo tiếng nước ngoài: Vietnam News (1991), Vietnam Law (1994), Le Courrier du Vietnam (1994). Hiện báo Le Courrier du Vietnam là tờ báo tiếng Pháp duy nhất tại Việt Nam và báo Vietnam News là tờ nhật báo bằng tiếng Anh duy nhất và phát hành lớn nhất tại Việt Nam.
TTXVN cũng trở thành một trong những cơ quan báo chí đầu tiên ở Việt Nam hoạt động trên mạng internet khi chính thức mở trang thông tin trên mạng internet tại địa chỉ www.vnanet.vn vào ngày 19/8/1998. Đây là một bước ngoặt mới đánh dấu mốc mới trên con đường phát triển của TTXVN. Về kỹ thuật, TTXVN phát triển từ phương thức liên lạc bằng điện báo (morse), điện báo tự động (teletype) tiến lên sử dụng phương thức liên lạc hiện đại (thu phát qua vệ tinh và bằng các thiết bị điện tử).
TTXVN cũng trở thành cơ quan báo chí đối ngoại chủ lực quốc gia với các sản phẩm nhiều loại hình xác định gồm báo in Việt Nam News, tạp chí in Báo ảnh Việt Nam và báo điện tử VietNamPlus.
TTXVN là một trong 6 cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện quốc gia, cũng là cơ quan báo chí có nhiều sản phẩm và loại hình thông tin nhất cả nước với báo in, báo nói, báo ảnh, báo hình, báo điện tử, đồ họa được thực hiện bởi đội ngũ gần 1.800 phóng viên, biên tập viên trong và ngoài nước (trong tổng số trên 2.500 cán bộ, công nhân viên toàn ngành). Hệ thống 63 cơ quan thường trú tại tất cả các tỉnh, thành phố và 30 cơ quan thường trú ở ngoài nước đóng tại các địa bàn trọng điểm trên khắp các châu lục là một ưu thế của TTXVN mà không một cơ quan báo chí nào khác ở Việt Nam có được.
Bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, TTXVN đã nắm bắt xu thế làm báo hiện đại và từng bước phát triển thành cơ quan đa phương tiện chủ lực quốc gia. Việc TTXVN ra mắt báo điện tử VietnamPlus năm 2008 và đến năm 2010 chính thức phát sóng kênh Truyền hình Thông tấn (Vnews) là những bước đi tiến tới mục tiêu nói trên.
Nhiều tờ báo, trang tin điện tử của TTXVN cũng đã nhanh chóng hình thành các sản phẩm thông tin đa phương tiện, như báo Tin tức, báo Thể thao & Văn hóa, Việt Nam News, Báo ảnh Việt Nam, báo Le Courrier du Vietnam, trang điện tử Bnews… TTXVN cũng tăng dần số ngữ của Báo ảnh Việt Nam lên 10 ngữ và cho ra mắt tờ Thời báo Việt-Hàn...
TTXVN hiện là đối tác của hơn 40 cơ quan thông tấn, báo chí trên thế giới, là thành viên Ban Chấp hành Tổ chức các hãng thông tấn châu Á-Thái Bình Dương (OANA), và một số tổ chức báo chí khu vực, quốc tế khác. TTXVN còn là kho tư liệu ảnh quốc gia lớn nhất với 1 triệu kiểu phim tư liệu có giá trị, trong đó có hàng vạn kiểu phim gốc về lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc ta, hơn 5 nghìn kiểu phim về Chủ tịch Hồ Chí Minh và hàng nghìn kiểu phim về cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.