Theo Thượng tá Huỳnh Ngọc Quan, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an TP Hồ Chí Minh, hiện nay, thành phố đang vào mùa mưa, thế nhưng vẫn xảy ra nhiều vụ cháy lớn trong thời điểm này. Vì vậy, người dân cũng như các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp vẫn phải cẩn trọng chủ động phòng ngừa “giặc lửa” trong mọi thời điểm.
Nguyên nhân các vụ cháy xảy ra vào mùa mưa đến từ những cơn mưa lớn kèm theo sấm chớp, gió giật mạnh. Theo quy định, những ngôi nhà cao tầng bắt buộc phải lắp thiết bị chống sét, nhưng trên thực tế nhiều công trình xây dựng bỏ qua hạng mục này, dẫn đến khi mưa lớn kèm theo sấm chớp tạo thành tia lửa gây cháy. Bên cạnh đó, do thiếu hiểu biết cũng như không được tư vấn khi thiết kế nhà, người thiết kế chỉ lưu ý đến phần tiếp đất, chống sét bằng thu lôi chứ không lưu ý đến hệ thống nối đất an toàn cho các thiết bị điện sử dụng trong nhà. Do vậy, khi xảy ra rò điện, khả năng người sử dụng bị điện giật rất cao.
Thượng tá Huỳnh Ngọc Quang cho biết, cách xử lý khi có cháy xảy ra trong mùa mưa như trường hợp chập điện gây cháy, cần thiết nhất là phải ngắt ngay cầu dao hệ thống điện tại chỗ, báo động cho mọi người thoát ra khỏi nhà hay cơ quan, xí nghiệp; phải tập trung cứu người trong đám cháy (nếu có), sau đó sử dụng bình chữa cháy để dập lửa. Song song với việc chữa cháy, cần phải gọi nhanh cho lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH hỗ trợ bằng số điện thoại 114. Điều lưu ý là phải hết sức thận trọng, không nên dùng nước để chữa cháy khi thấy hiện tượng chập điện gây cháy...
Đối với các khu dân cư, hộ gia đình, người dân phải nâng cao ý thức sử dụng điện an toàn; gia cố lại mái che, nhà ở, đốn những cây cối cao gần cạnh nhà để phòng gió, lốc xoáy làm đổ ngã; kiểm tra dây dẫn điện trong nhà và dây dẫn điện từ ngoài vào nhà, tránh gió lốc xoáy làm đứt rơi xuống gây tai nạn hoặc chạm chập gây cháy.
Theo báo cáo của PCCC và CNCH, Công an TP Hồ Chí Minh, từ đầu năm đến nay, thành phố xảy ra 234 vụ cháy, làm chết 10, bị thương 4 người, thiệt hại về tài sản ước tính thành tiền khoảng 5,04 tỷ đồng. Các vụ cháy chủ yếu diễn ra tại thành phố Thủ Đức, quận 12, quận Gò Vấp, huyện Bình Chánh, tập trung tại loại hình nhà ở riêng lẻ và nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh (131/234 vụ, tỷ lệ 56%) và công ty, doanh nghiệp (38/234 vụ, chiếm 16%). So với năm ngoái, số vụ cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng tăng 5 vụ, thiệt hại về người tăng mạnh (thêm 8 người chết). Về nguyên nhân gây cháy, thường do sự cố trong sử dụng thiết bị điện; vi phạm các quy định an toàn PCCC; bất cẩn trong sinh hoạt, sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt;…
Liên quan đến vụ cháy nhà trọ, qua rà soát, Công an TP Hồ Chí Minh phát hiện 60.493 cơ sở, nhà chung cư, nhà trọ, ngăn phòng cho thuê, nhà ở nhiều căn hộ, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh có nguy cơ cháy nổ cao. Trong đó, tổng số cơ sở thuộc loại hình nhà trọ, nhà ngăn phòng cho thuê là 55.446 cơ sở. Sau khi kiểm tra 59.828 lượt/60.493 cơ sở, lực lượng chức năng đã xử lý vi phạm hành chính vi phạm về PCCC là 6.525 cơ sở, với tổng số tiền phạt hơn 11,5 tỷ đồng, đình chỉ hoạt động 17 cơ sở, tạm đình chỉ hoạt động 36 cơ sở.
Đại diện Công an TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, các khu vực nhà trọ có nguy cơ cao về cháy nổ chủ yếu do thiếu công tác bảo đảm an toàn về PCCC. Trong khi đó, các loại hình nhà trọ, phòng trọ, chung cư mini... đa phần là dân lao động, công nhân, học sinh sinh viên... thuê trọ, thường có nhiều người ở trong một phòng ăn, ngủ, sinh hoạt, nấu nướng trong một không gian hẹp, chứa nhiều vật dụng gia đình dễ bắt cháy; việc câu mắc điện không bảo đảm an toàn PCCC cũng là nguyên nhân nhiều vụ cháy xảy ra...
Mặt khác, nhiều nhà trọ và chung cư mini nằm trong hẻm sâu, hẹp, cách xa nguồn nước, không bảo đảm điều kiện về an toàn PCCC và CNCH như lối thoát nạn, bố trí, sắp xếp vật dụng, hàng hóa... Chủ nhà trọ và người thuê trọ chưa nhận thức được các nguy cơ tiềm ẩn gây cháy, nổ có thể gây hậu quả nghiêm trọng về người, tài sản...
Vì vậy để đảm bảo đảm an toàn PCCC trên địa bàn, cụ thể tại các nhà trọ, chung cư cao tầng, ngành công an yêu cầu ban quản lý, chủ nhà trọ cần thực hiện nghiêm quy định về PCCC khi xây dựng và kinh doanh như: Thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC (nếu thuộc diện), lắp đặt hệ thống, phương tiện, thiết bị PCCC theo quy định; các chủ nhà trọ cần bảo đảm hệ thống điện trong phòng trọ, chung cư được lắp đặt và sử dụng an toàn; thường xuyên kiểm tra thay thế, khắc phục những nguy cơ mất an toàn về điện có thể gây cháy, nổ; quy định chặt chẽ việc nấu nướng, thờ cúng, đốt vàng mã, sạc điện với xe đạp, xe máy điện, thiết bị tiêu thụ điện, đặc biệt là tại tầng hầm, khu vực để xe...
Ngoài ra, Công an PCCC và CHCN cần tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp, giải pháp xử lý, kỹ năng thoát nạn khi có cháy, nổ, sự cố, tai nạn xảy ra; nhất là các cơ sở tập trung đông người, nguy cơ cháy nổ cao; các khu nhà trọ, nhà cho thuê trọ kết hợp kinh doanh, nhà ở kết hợp kinh doanh; tiếp tục rà soát, thành lập mới, duy trì, phát huy hiệu quả mô hình "Tổ liên gia - Điểm chữa cháy công cộng"; tăng cường phối hợp, hỗ trợ giữa các hộ gia đình, cơ quan, doanh nghiệp để tạo mạng lưới an toàn về PCCC và CNCH; củng cố lực lượng PCCC và CNCH tại chỗ ở địa bàn dân cư...