Theo thông báo, quý I năm 2022, mật độ phương tiện cá nhân có xu hướng tăng cao, nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tình hình trật tự an toàn giao thông cơ bản được đảm bảo, số vụ, số người chết và số người bị thương do tai nạn giao thông tiếp tục được kéo giảm so với cùng kỳ năm 2021. Tai nạn giao thông giảm 662 vụ (19,33%), giảm 67 người chết (3,84%) và giảm 739 người bị thương (29,80%).
Trong đó, có 33 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số người chết do tai nạn giao thông giảm so với cùng kỳ năm 2021, đặc biệt là 3 tỉnh: Thái Nguyên, Vĩnh Phúc và Quảng Bình giảm trên 60% số người chết do tai nạn giao thông. Các kết quả trên thể hiện sự cố gắng nỗ lực rất lớn của các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, tổ chức tham gia công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Còn 24 địa phương có số người chết do tai nạn giao thông tăng so với cùng kỳ 2021, trong đó, có 4 tỉnh có số người chết tăng trên 50% là: Tây Ninh, Quảng Ngãi, Phú Thọ và Điện Biên.
Trong quý I đã xảy ra một số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người, gây bức xúc trong dư luận xã hội, điển hình là vụ tai nạn giao thông tại Gia Lai, làm 06 người tử vong; vụ tai nạn giao thông đường thủy tại Quảng Nam, làm 17 người tử vong; số người chết do tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng trong tháng 3 năm 2022 tăng so với cùng kỳ; số người chết do tai nạn giao thông đường thủy và hàng hải tăng cao. Tình trạng tụ tập, hiện tượng đua xe trái phép diễn biến phức tạp tại một số tỉnh, thành phố. Vẫn xảy ra một số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng do nguyên nhân uống rượu, bia gây ra…
Nhấn mạnh, quý II năm 2022, dự báo dịch COVID-19 sẽ được kiểm soát, kinh tế - xã hội sẽ từng bước phục hồi và tăng trưởng trở lại, hoạt động giao thông vận tải dần quay về với mức độ trước khi có dịch và tiếp tục gia tăng, để thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết về tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông, đạt được mục tiêu mà Đảng, Quốc hội và Chính phủ đặt ra là trong năm 2022 kéo giảm tai nạn giao thông trên cả ba tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương ít nhất 5% so với năm 2021, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đề nghị các bộ, ngành, địa phương thực hiện quyết liệt một số nhiệm vụ trọng tâm.
Theo đó, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và cơ quan, tổ chức liên quan tổ chức các buổi làm việc chuyên sâu về những vấn đề nổi cộm trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trên cơ sở đó tham mưu, kiến nghị, đề xuất giải pháp phù hợp với tình hình mới. Các địa phương có tai nạn giao thông tăng trong quý I có báo cáo chuyên sâu, đánh giá cụ thể nguyên nhân và các giải pháp hiệu quả để khắc phục, kéo giảm tai nạn giao thông trong quý II và cả năm 2022.
Bên cạnh đó, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia phối hợp với các bộ, ngành tổ chức đoàn kiểm tra, đôn đốc một số địa phương có tai nạn giao thông diễn biến phức tạp, tăng cao trong 3 tháng đầu năm 2022; triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp về bảo đảm trật tự an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông trong Nghị quyết 48/NQ-CP của Chính phủ…
Bộ Giao thông vận tải tiếp tục rà soát, xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông mới phát sinh và các điểm đen, điểm tiềm ẩn do lực lượng Cảnh sát giao thông kiến nghị; ưu tiên sơn kẻ đường, biển báo, đinh phản quang, tiêu dẫn hướng, đèn chiếu sáng tại các nút giao đông dân cư; đối với các tuyến đường đèo dốc, vực sâu nguy hiểm; rà soát tăng cường tường phòng hộ, xây dựng các đường cứu nạn để cứu nguy cho các xe mất phanh; hoàn chỉnh hệ thống báo hiệu trên đường cao tốc nhằm nâng cao điều kiện an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông. Triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp về kiểm soát tải trọng xe theo Chỉ thị số 32/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông; yêu cầu chủ đầu tư các dự án xây dựng, bảo trì công trình giao thông xử lý nghiêm nhà thầu để xe ô tô cung cấp vật liệu cho công trình chở quá tải trọng khi lưu thông trên các tuyến đường bộ công cộng.
Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo, đôn đốc các Sở Giao thông vận tải tăng cường khai thác, sử dụng hệ thống xử lý dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình để phục vụ công tác chấn chỉnh, nhắc nhở và xử lý vi phạm, xây dựng cơ sở dữ liệu ngành; khẩn trương đưa vào vận hành hệ thống tiếp nhận và xử lý dữ liệu từ camera gắn trên xe ô tô kinh doanh vận tải. Triển khai công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành giao thông vận tải theo kế hoạch và đột xuất, trong đó tập trung kiểm tra toàn diện việc chấp hành các quy định kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải trên các tuyến luồng đường thủy nội địa…
Bộ Công an kiểm tra, đôn đốc công an các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện Kế hoạch số 53/KH-C08-P8 về tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề “người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn; số 435/KH-C08-P8 về tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề chở hàng quá tải trọng, quá khổ giới hạn, tự ý cải tạo phương tiện trên đường bộ; xây dựng kế hoạch chuyên đề xử lý hành vi không thắt dây an toàn khi ngồi trên xe ô tô và hành vi lái xe không có thẻ thu phí điện tử đi vào làn dành riêng cho xe dán thẻ thu phí điện tử không dừng.
Bộ Công an chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông, phân luồng, bảo đảm trật tự an toàn giao thông phục vụ SEA Games 31 tổ chức tại Việt Nam; rà soát, đánh giá tình hình các tuyến giao thông để kiến nghị cơ quan chức năng có phương án cải thiện tổ chức giao thông, nhất là các tuyến có tình hình trật tự an toàn giao thông phức tạp, nhằm kịp thời khắc phục các bất hợp lý về tổ chức giao thông, giải quyết các “điểm đen”, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông; tiếp tục xây dựng cơ sở dữ liệu an toàn giao thông kết nối, chia sẻ với các đơn vị trong và ngoài ngành Công an.