Ngang nhiên phá hàng chục héc ta rừng trồng đem bán gỗ

Hiện nay, tại xã Lê Lợi, thị xã Chí Linh (Hải Dương), một số người dân đang tự ý chặt, phá hàng chục ha rừng trồng đem đi bán gỗ, gây thiệt hại nặng cho công ty trồng rừng ở đây.

Một số đối tượng tự ý chặt phá rừng và vận chuyển đi bán trái phép. Ảnh: Hiền Anh/TTXVN

Sự việc đã xảy ra gần hai tháng nhưng chính quyền địa phương chưa có biện pháp quyết liệt nhằm bảo vệ diện tích rừng tại đây.


Tại thôn Trung Quê, xã Lê Lợi, thị xã Chí Linh, hàng chục ha rừng trồng đang bị người dân tự ý chặt phá nhằm khai thác gỗ. Mặc dù thấy sự có mặt của phóng viên nhưng nhiều người dân vẫn ngang nhiên đem cưa máy, xe ô tô đến khai thác những cây keo có độ tuổi 5 - 6 năm.


Khi được hỏi, những người đang chặt cây cho biết: Họ được ông Nguyễn Văn Mạo người trong xã thuê để khai thác gỗ. Trước tình trạng trên những bảo vệ của Công ty Mai Thành (đơn vị được giao trồng rừng) cũng đành bất lực.

Những cây keo vừa bị các đối tượng cưa chặt còn tươi xếp thành đống. Ảnh: Hiền Anh/TTXVN

Ông Hoàng Đức Úy, thôn Trung Quê, xã Lê Lợi, thị xã Chí Linh cho biết đã ký hợp đồng với Công ty Mai Thành để bảo vệ diện tích rừng trồng trên từ năm 2010. Số cây keo trên đã được bảo vệ, chăm sóc từ lúc nhỏ cho đến bây giờ. Ông cũng không biết làm thế nào để ngăn chặn việc trên mà chỉ biết báo cáo lên chính quyền địa phương .


Theo Quyết định 1521-QĐ/UBND, ngày 24/4/2009, diện tích 14 ha rừng này được UBND tỉnh Hải Dương phê duyệt giao cho Công ty Mai Thành triển khai Dự án trồng rừng thâm canh, để nâng cao hiệu quả sử dụng đất vùng đồi núi tại hai huyện Chí Linh và Kinh Môn.


Đến tháng 5/2010, Công ty Mai Thành đã ký hợp đồng thuê người dọn phát và mua cây keo giống về trồng. Theo ông Tiên Mạnh Thắng, cán bộ của Công ty Mai Thành: "Trước kia diện tích này là đất vườn trồng vải. Sau khi được chuyển nhượng, Công ty đã trồng cây được 6 năm nay. Nhưng không hiểu vì lý do gì, ông Nguyễn Văn Mạo đã tự ý thuê người đến khai thác gỗ của Công ty. Chúng tôi đã làm đơn kêu cứu lên các cấp chính quyền từ tỉnh đến thị xã nhưng đến nay vụ việc vẫn dậm chân tại chỗ".


Đại diện Công ty Mai Thành cũng cho phóng viên xem bản hợp đồng chuyển nhượng Quyền sử dụng đất ngày 16/12/2010, ký giữa Công ty Mai Thành và hộ ông Nguyễn Hoàng về phần diện tích đất rừng trên và đã được UBND xã Lê Lợi xác nhận và chứng nhận.


Như vậy, có thể thấy rằng phần đất trên do Công ty Mai Thành trồng rừng và quản lý rừng là đúng pháp luật. Trong khi đó ông Nguyễn Văn Mạo, người dân trong thôn đã tự ý thuê người đến khai thác rừng trồng của Công ty này.

Những cây gỗ nhỏ để ngổn ngang tại hiện trường. Ảnh: Hiền Anh/TTXVN

Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Nguyễn Văn Luận, Phó Chủ tịch UBND xã Lê Lợi, thị xã Chí Linh cho rằng: Ông Mạo đã tự ý khai thác lấn vào diện tích của Công ty Mai Thành là sai phạm và chính quyền địa phương sẽ phối hợp với cơ quan chức năng xử lý theo đúng quy định của pháp luật.


Để đảm bảo quyền lợi cho người dân và doanh nghiệp trong việc trồng và bảo vệ rừng cũng như bảo vệ môi trường, an ninh trật tự trong khu vực, chính quyền các cấp cần có biện pháp quyết liệt hơn để ngăn chặn tình trạng tự ý chặt phá và khai thác rừng trồng như hiện nay.


Tiến Vĩnh (TTXVN)
Xử lý nghiêm vụ chặt phá rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải
Xử lý nghiêm vụ chặt phá rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa có ý kiến chỉ đạo về vụ khai thác rừng trái phép tại lâm phần của Ban quản lý rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN