Rừng vẫn bị chặt phá, lấn chiếm trái phép

Mặc dù đã giao khoán trên 59.500 ha rừng, đất rừng theo các Quyết định 178, 304… của Thủ tướng Chính phủ cho cộng đồng các thôn, buôn, nhóm hộ và các hộ gia đình đồng bào các dân tộc quản lý, bảo vệ nhưng theo UBND tỉnh Đắk Lắk, rừng, đất rừng được giao khoán, quản lý bảo vệ vẫn bị chặt phá, lấn chiếm trái phép.


Theo thống kê sơ bộ, đến nay đã có trên 2.944 ha rừng tự nhiên của các nhóm hộ, cộng đồng thôn, buôn bị chặt phá, lấn chiếm trái phép, nhiều nhất ở các huyện Buôn Đôn, Ea Súp, Ea H’Leo, Krông Năng, Lắk, Ea Kar và Cư M’gar. Thậm chí, hàng loạt hộ dân đồng bào các dân tộc còn trả lại rừng nhận khoán.


Việc triển khai thực hiện giao khoán rừng, đất rừng cho cộng đồng thôn, buôn, hộ gia đình trên địa bàn vẫn còn nhiều bất cập nên tình trạng rừng, đất rừng bị xâm chiếm trái phép trên địa bàn ngày một diễn biến phức tạp. Cụ thể, đối với diện tích rừng được giao gắn với hưởng lợi trực tiếp sản phẩm từ rừng theo Quyết định 178, thì các điều khoản về quyền lợi của người nhận khoán rừng, đất rừng chưa phù hợp với thực tế, sản phẩm hưởng lợi từ rừng chưa được tính toán cụ thể, chu kỳ được hưởng lợi từ rừng quá dài…

 

Với rừng, đất rừng được giao cho các nhóm hộ, hộ gia đình đồng bào các dân tộc theo Quyết định 304 cũng không được thuận lợi, chủ yếu là rừng thứ sinh trung bình, rừng nghèo kiệt, còn đất trống lâm nghiệp thì khô cằn, chưa có các cơ sở hạ tầng thiết yếu để phục vụ sản xuất. Trong khi đó, đồng bào dân tộc thiểu số vốn đã nghèo, thiếu phương tiện sản xuất thì càng không có vốn để đầu tư phát triển sản xuất nên đất, rừng được giao theo hình thức này vẫn chưa phát huy hiệu quả, mức tiền công để quản lý, bảo vệ rừng còn quá thấp (từ năm 2006 trở về trước, bình quân mỗi năm chỉ có 50.000 đồng/ha và từ năm 2007 trở lại đây là 100.000 đồng/ha)…


Tỉnh Đắk Lắk đã có chủ trương thu hồi lại toàn bộ diện tích rừng, đất rừng bị lấn chiếm trái phép để trồng lại rừng. Tỉnh cũng kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành chức năng sớm có các chính sách sát với thực tế, tăng mức tiền công trong công tác quản lý bảo vệ rừng, xác định rõ hiện trạng, chu kỳ khai thác các sản phẩm từ rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (đất rừng được giao) với các chính sách khác như đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như: giao thông, thủy lợi, hỗ trợ khuyến nông, khuyến lâm… nhằm khuyến khích, tạo điều kiện cho các nhóm hộ, cộng đồng thôn, buôn và hộ gia đình đồng bào các dân tộc nhận khoán, quản lý, bảo vệ rừng có hiệu quả hơn.

 

Quang Huy

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN