Muôn kiểu tin giả
Mới đây vào sáng 12/8, trên mạng xã hội đang lan truyền thông tin: “Bí thư TP chỉ đạo: Sẽ ko cho người dân di chuyển trong 7 ngày, ở nhà sẽ ở nhà 7 ngày, đi làm công sở thì ở công sở 7 ngày, đi làm phân xưởng thì ở phân xưởng 7 ngày. Sẽ cho người dân và cơ quan chuẩn bị 4 ngày. Đúng 8 giờ sáng thứ 2 tuần sau, án binh bất động toàn TP. Từ đây đến hết tháng 8, cả nước chỉ về thêm 3,2 triệu liều vắc xin ko đủ cho TPHCM. Đề nghị tiêm đúng đối tượng. Đẩy nhanh tốc độ tiêm trong 4 ngày phải hoàn thành. Cơ bản ko để cho người dân di chuyển trong 7 ngày. Ngày mai quận huyện sở ngành chuẩn bị phương án cho việc thực hiện. Y tế chuẩn bị sẵn sàng KHXN, lực lượng XN, cách thức, kể cả tiêm vắc xin.”
Qua xác minh, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố Hồ Chí Minh cho biết đây là thông tin giả mạo. Thực chất, thông tin trên lược trích các ý phát biểu của Bí thư Thành ủy thành phố Đà Nẵng, không phải của Thành phố Hồ Chí Minh. Điều đáng nói, tin giả mạo này không ghi rõ chỉ đạo này của thành phố nào dẫn đến việc ngoài Thành phố Hồ Chí Minh, người dân một số thành phố khác cũng hoang mang đồn đoán. Sau Thành phố Hồ Chí Minh, cơ quan chức năng của Hà Nội và Nha Trang (Khánh Hòa) cũng phải lên tiếng bác bỏ thông tin này.
Ảnh hưởng xấu không kém thông tin trên là vào ngày 13/8, ngày đầu tiên Thành phố Hồ Chí Minh triển khai tiêm chủng vaccine Vero Cell, một tài khoản Facebook đăng thông tin "Sau khi quận 12 thông báo chích thuốc Trung Quốc, dân bỏ về hết" kèm hình ảnh đã gây xôn xao dư luận. Thực chất ngày hôm đó, Quận 12 chưa tổ chức tiêm vaccine này cho người dân mà chỉ tổ chức tuyên truyền, thông tin đến người dân. Ông Nguyễn Văn Đức, Chủ tịch UBND Quận 12 cho biết, thông tin lan truyền trên mạng là thông tin không đúng sự thật, những hình ảnh đăng trên Facebook cũng không nằm trong các điểm tiêm vaccine của Quận 12.
Thậm chí có trường hợp, một người dân dù đã nhận được tiền hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng vì dịch bệnh nhưng vẫn lên mạng xã hội “sản xuất” tin giả với nội dung “Bắc thang lên hỏi ông trời chứ tiền hỗ trợ có đòi được không". Cụ thể, trang Fanpage "Tôi Là Dân Vĩnh Lộc" có đăng bài viết với nội dung: “Tiền trợ cấp 1tr500 Bà Con Mình Lãnh Xong Hết Chưa" và trên nhóm “Tôi là dân Vĩnh Lộc" (cùng tên nhưng khác quản trị viên) tài khoản Facebook "Ly Minh Vy" đăng tải một bức ảnh có nội dung: “Bắc thang lên hỏi ông trời chứ tiền hỗ trợ có đòi được không".
Vào cuộc xác minh, Công an huyện Bình Chánh đã xác định người đăng các bài viết trên là: Lê Phú Vinh (sinh năm 1993, hộ khẩu thường trú tỉnh Sóc Trăng, tạm trú: ấp 5, xã Vĩnh Lộc A) và Lý Minh Vỹ (sinh năm 1982, hộ khẩu thường trú Quảng Nam, tạm trú ấp 1, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh). Vinh khai, các trang Fanpage trên do mình quản lý. Nhằm mục đích kéo thêm nhiều lượt tương tác, Vinh đã đăng nội dung có liên quan đến vấn đề trợ cấp mùa dịch nhằm mục đích tăng lượt like và tăng lượt chia sẻ cho Fanpage. Còn Lý Minh Vỹ thì thừa nhận sử dụng tài khoản Facebook tên là “Ly Minh Vy" đăng tải thông tin với mục đích cho vui, không có mục đích gì khác, không bị ai xúi giục. Dù Vỹ đã nhận được tiền hỗ trợ (đợt 1) từ UBND xã Vĩnh Lộc A (1,5 triệu đồng) nhưng lại viết trên Facebook viết: “Bắc thang lên hỏi ông trời chứ tiền hỗ trợ có đòi được không".
Xử lý kịp thời
Các thông tin giả, sai sự thật được tung lên mạng xã hội đã gây những ảnh hưởng không tốt đến công tác phòng, chống dịch trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, cả nước nói chung. Tuy nhiên, với sự vào cuộc chủ động của các cơ quan chức năng, các thông tin giả nhanh chóng bị “vạch trần”, kịp thời khống chế phạm vi phát tán. Ngay khi phát hiện thông tin giả, thông qua các cơ quan thông tấn báo chí, các cơ quan chức năng tại Thành phố Hồ Chí Minh đã có thông tin bác bỏ rất nhanh.
Đồng thời, các cơ quan như Sở Thông tin và Truyền thông, Công an thành phố cũng xử phạt nghiêm những trường hợp lan truyền tin giả. Như vụ việc ở Fanpage "Tôi Là Dân Vĩnh Lộc", Công an huyện Bình Chánh đã ra quyết định xử phạt Vinh và Vỹ mức 7,5 triệu đồng/người. Trước đó, Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh cũng xử phạt hành chính hai chủ tài khoản Facebook vì vô ý chia sẻ tin giả “bác sĩ Khoa nhường ống thở cứu sản phụ”.
Mới đây, Công an thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh đã bắt giữ một đối tượng giả mạo công an, đăng bài lên Facebook kích động người dân. Đối tượng này là Phan Phi Toàn (sinh năm 1988, nghề nghiệp: lái xe, hộ khẩu thường trú tại quận Tân Bình).
Theo Cơ quan Công an, thông qua công tác nắm bắt tình hình trên không gian mạng, Công an phát hiện tài khoản Facebook “Không Tên” đăng tải bài viết trên nhóm Facebook “Chợ Tăng Nhơn Phú A” với nội dung không đúng sự thật liên quan công tác phòng, chống dịch COVID-19. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, Công an nhanh chóng bắt giữ Toàn. Kiểm tra hành chính đối tượng này, Công an thu giữ một bộ trang phục của lực lượng An ninh nhân dân với cấp hàm Thượng úy; chức vụ Phó Đội trưởng Công an Quận 3 cùng nhiều công cụ hỗ trợ.
Qua đấu tranh, đối tượng đã thừa nhận bản thân là lái xe nhưng nhiều lần sử dụng trang phục ngành Công an và thường xuyên đăng tải bài viết không đúng sự thật liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19. Cơ quan điều tra Công an thành phố Thủ Đức đang tiếp tục củng cố hồ sơ, điều tra, làm rõ vụ việc để xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Công an Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị mọi người dân cần bình tĩnh, thận trọng trước những luồng thông tin trên mạng xã hội. Trước hết là, không chia sẻ những thông tin không chính thống, không lan truyền các thông tin chưa được kiểm chứng gây hoang mang dư luận. Người dân nên tìm hiểu và cập nhật thông tin chính thống tại các Cổng thông tin điện tử của cơ quan Nhà nước và các cơ quan thông tấn, báo chí. Đối với các hành vi thông tin sai sự thật, xuyên tạc tình hình liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố, Công an thành phố sẽ nhanh chóng điều tra, truy xét và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.